Vụ tai biến chạy thận làm 8 người chết: Phải có hóa đơn đỏ đám ma mới được bồi thường?
Đã hơn 1 năm trôi qua nhưng người thân các nạn nhân vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Hiện họ đang kêu cứu sau khi không tìm được tiếng nói chung với bệnh viện.
Chiều 13/11, thông tin xuất hiện trên mạng xã hội từ tài khoản Facebook mang tên LS Hoàng Trung cho biết, đến nay cả 8 gia đình nạn nhân tử vong trong vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình vẫn chưa nhận được tiền bồi thường vì gia đình chưa thể xuất trình hóa đơn tài chính việc ma chay nạn nhân.
Cụ thể, dòng trạng thái từ tài khoản Facebook trên có đoạn viết:
Hoá đơn đỏ
Nhận vụ trợ giúp pháp lý cho 8 gia đình nạn nhân tử vong vì chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình… Đã hơn nửa năm trôi qua mà phía bệnh viện chưa bồi thường cho các gia đình nạn nhân.
Lý do chính mà bệnh viện chưa bồi thường là các gia đình phải xuất trình hoá đơn tài chính việc ma chay. Trong khi các gia đình nạn nhân đa phần là đồng bào dân tộc, ở tít tận trong bản. Bà con loay hoay không biết làm thế nào mà liên hệ với dưới âm để xin hoá đơn được đây.
Người nhà của bà Quách Thị Phượng và ông Bùi Văn Chính (hai nạn nhân trong vụ tai biến chạy thận) cho biết, vụ tai biến đã diễn ra từ tháng 9/2016, đến nay đã hơn 1 năm và nhiều lần gia đình làm việc với bệnh viện nhưng vẫn chưa có đền bù nào đến tay.
Theo đó, các gia đình sẽ nhận được mức bồi thường khác nhau. Tuy nhiên, phải có hóa đơn cụ thể các khoản mà gia đình tổ chức ma chay cho nạn nhân như mua quan tài, chi phí tang lễ, thuê người tụng kinh…
“Tang gia bối rối, bây giờ hầu như cả 8 gia đình đều không có một giấy tờ nào đưa bệnh viện nên không thể lấy tiền bồi thường”, gia đình bà Phượng cho hay.
Các gia đình nạn nhân đã nhờ đến sự trợ giúp pháp lý của các luật sư.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Xuân Hoàng, Phó giám đốc Sở Y tế Hoà Bình kiêm nhiệm Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình thừa nhận: Bệnh viện yêu cầu các gia đình cung cấp hoá đơn nhưng không nhất thiết phải hoá đơn đỏ.
Ông Hoàng cũng cho biết, bệnh viện cũng chưa biết xử lý ra sao bởi rất khó quyết toán số tiền bồi thường vì không có cơ sở nào.
Hiện bệnh viện và các gia đình nạn nhân chưa thống nhất được mức đền bù, do đó bệnh viện dự định tạm ứng một số tiền hỗ trợ trước cho các khoản chi phí, mỗi gia đình 50 triệu đồng; còn lại đợi phán quyết của toà.
Theo luật sư Đoàn Trọng Bằng, Đoàn luật sư Hà Nội, theo Điều 585 Bộ luật Dân sự thì thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Việc bồi thường thiệt hại có thể dựa trên 2 cơ sở:
1. Theo thỏa thuận: Trong trường hợp này mức bồi thường do 2 bên tự nguyện thỏa thuận, pháp luật không khống chế giới hạn tối đa hoặc tối thiểu.
2. Bồi thường theo quy định của pháp luật: Trong trường hợp không thỏa thuận được thì mức bồi thường sẽ dựa trên các quy định của pháp luật có liên quan.
Trong trường hợp này những người bị tai biến chạy thận và chết ngay khi đang chạy thận nên vụ việc được giải quyết bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo Điều 591 Bộ luật Dân sự.
Theo đó, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 591 Bộ luật Dân sự, và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người được người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Tú Văn (t/h)