Vụ nổ Thiên Tân: Chính quyền bắt giam người bất đồng quan điểm
Chính quyền Bắc Kinh lấy lại niềm tin của người dân bằng bằng việc cam kết sẽ “đưa tất cả những ai chịu trách nhiệm ra ánh sáng”. Tuy nhiên, họ lại bưng bít thông tin, đàn áp những người bất đồng quan điểm và chặn tất cả các thông tin bất lợi về vụ nổ trên mạng internet.
1. Bắt giam người bất đồng quan điểm vì đăng lại thông tin trên twitter
Theo trang tin RFA, chính quyền tỉnh An Huy ở miền đông Trung Quốc đã bắt giam nhà bất đồng chính kiến kỳ cựu Thẩm Lương Khánh với cáo buộc “gây mất trật tự công cộng”, sau khi ông Lương Khánh đăng lại thông tin trên tài khoản twitter cá nhân (retweet) tin tức về vụ nổ kho hàng tại Thiên Tân hồi tuần trước.
Ông Thẩm Lương Khánh là cựu công tố viên nhà nước, sau này trở thành người hay chỉ trích các sai phạm của chính quyền cộng sản Bắc Kinh, đã phải nhận lệnh giam giữ 9 ngày của cảnh sát thành phố Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy.
Được biết, tất cả những gì ông Thẩm làm là retweet một thông tin trên mạng xã hội nói rằng thực ra có tới 1.400 người Trung Quốc thiệt mạng và hơn 700 người bị mất tích, chứ không phải là con số 114 người thiệt mạng và hơn 50 người mất tích như các công cụ truyền thông nhà nước loan báo.
Anh Thẩm Lý, con trai của ông Thẩm Lương Khánh, cho biết cha anh bị cảnh sát bắt giam vì nghi ngờ vướng vào tội “bịa đặt số liệu và gây mất trật tự công cộng.” Anh nói rằng cáo buộc này đối với cha anh là không công bằng.
“Tôi không nghĩ việc đăng lại một bài viết nào đó được tính là làm giả thông tin”, anh nói. Anh cho rằng chính việc chính quyền giấu giếm, ngăn chặn thông tin mới dẫn đến các tin đồn lan truyền rộng rãi.
Luật sư Lưu Gia tại thành phố Thiên Tân cho biết ông không tin những gì ông Thẩm đã làm là sai. Theo luật sư Lưu, người dân không có trách nhiệm phải xác thực bài viết của người khác là đúng hay không.
Trong một nỗ lực mà theo VOA News mô tả là nhằm ngăn chặn sự loan truyền tin đồn và tránh châm ngòi cho sự phẫn nộ của công chúng, chính quyền Bắc Kinh đã tăng cường kiểm soát nội dung trên mạng. Hơn 400 trang web và hàng loạt tài khoản mạng xã hội đã bị đóng cửa, một số người đã bị cảnh sát gọi lên thẩm vấn.
Không những thế, khi phóng viên gọi điện tới đồn cảnh sát tỉnh Hợp Phì thì lại nhận được câu trả lời là họ không biết gì về vụ bắt giam ông Thẩm Lương Khánh.
2. Những “con dê thế tội”
Trong khi đó, Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) đã tuyên bố điều tra Giám đốc Cơ quan Giám sát an toàn lao động Dương Đống Lương vì tội “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, một cụm từ ám chỉ tội “tham nhũng” mà Bắc Kinh hay sử dụng. Tuy nhiên, không hề nói gì về liên hệ giữa ông này với vụ nổ ở Thiên Tân.
Ông Dương, 61 tuổi từng làm việc tại Thiên Tân 18 năm và đã leo lên chức Phó thị trưởng thành phố Thiên Tân trước khi chuyển lên cơ quan trung ương Đảng. Theo giáo sư dự khuyết Xie Tian tại Đại học Nam Carolina thì ông Dương đang bị đem ra làm con dê thế tội khi Bắc Kinh đang cố phải tìm cho ra ai đó để chịu trách nhiệm cho thảm họa này nhằm mục đích trấn an dư luận.
Theo giáo sư Xie, môi trường luật pháp của Trung Quốc không có ích gì, luật pháp của Trung Quốc trống rỗng, ngành tư pháp không độc lập. Do đó, theo ông, tất cả những gì mà một công ty kinh doanh hóa chất như Thụy Hải cần để hoạt động chỉ là sự đồng ý của một quan chức cấp cao như là Thị trưởng thành phố hoặc Bí thư tỉnh ủy. Giáo sư Xie nói rằng: “Đây chính là vấn đề của Trung Quốc, và chừng nào thì các vấn đề của hệ thống độc tài còn chưa được giải quyết, dù có nhiều luật hơn nữa, cũng không có ý nghĩa gì”.
Theo trang tin New York Times, hôm Thứ Tư (19/8), Tân Hoa Xã loan tin hai cổ đông lớn của công ty Thụy Hải – công ty sở hữu kho hàng phát nổ tại Thiên Tân – đã đứng ra thú nhận rằng họ đã dùng ảnh hưởng chính trị của mình để lách luật cho phép công ty này được hoạt động. Nhà kho này lưu giữ hàng trăm tấn Natri Xyanua, cách khu dân cư chỉ khoảng 600 mét, vi phạm trắng trợn quy định tiêu chuẩn cách khu dân cư cũng như đường giao thông ít nhất 1.000 mét.
Hai cổ đông này là ông Yu Xuewei, một cựu Giám đốc điều hành của một công ty hóa chất nhà nước khác, và ông Dong Shexuan, con trai của một cựu cảnh sát trưởng thành phố Thiên Tân. Hai ông này đã che giấu việc sở hữu công ty bằng cách đưa tên người thân vào danh sách sở hữu cổ phiếu của công ty Hậu cầu Quốc tế Thụy Hải. Theo New York Times, hai ông này đã thừa nhận với Tân Hoa Xã rằng giấy phép hoạt động của kho hàng có được là nhờ vào những ảnh hưởng chính trị. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng cho biết công ty này hoạt động không giấy phép trong vòng 8 tháng, và đến tháng Sáu năm nay mới được cấp giấy phép.
Hiện cả hai người này đều đã bị tạm giam.
Mặc dù chính quyền đang tỏ vẻ cố lấy lại niềm tin của người dân bằng các cam kết mạnh miệng về việc “đưa tất cả những ai chịu trách nhiệm ra ánh sáng”, nhưng nhiều người không tin rằng sau thảm họa này, tình trạng tham nhũng sẽ chấm dứt hoặc chính phủ Bắc Kinh sẽ thực sự trừng phạt các quan chức vi phạm. Ông Uông Bao Thuận, chủ một sạp báo ở Bắc Kinh cho biết: “Tham nhũng ở Trung Quốc giống như bệnh ung thư, và chúng ta là một bệnh nhân ở giai đoạn cuối. Ta có thể làm vài phẫu thuật, nhưng không thể hoàn toàn thoát khỏi nó”.
Theo daikynguyenvn.com