Vụ án Hồ Duy Hải: Quốc Hội phải vào cuộc?
Sau khi tòa án Giám đốc thẩm vụ án Cầu Voi kết thúc, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng, ĐBQH Lê Thanh Vân và ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đã đề nghị phải thực hiện ngay một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội cho vụ án này.
Trước đó chiều 8/5, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã bác quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, y án tử hình trong 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải.
Ngay sau đó trên facebook cá nhân của mình, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã có bài chia sẻ. Trong đó ông viết: “Việc thực hiện ngay một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động xét xử trong vụ án này là rất cần thiết. Tôi nguyện sẽ hết sức mình để thúc đẩy công việc ấy”.
Tiếp đó, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến rằng xã hội, người dân, cử tri đang nghi ngờ tính công minh, thiên vị, vô tư của Chánh án TAND Tối cao; nghi ngờ việc mang tính định kiến tư pháp vào ghế chủ tọa. Đồng thời ông cũng cho rằng sự nghi ngờ ấy là có cơ sở.
Ông Nhưỡng cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ý kiến mở cuộc giám sát tối cao của Quốc hội do đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị.
“Rất cần giám sát tối cao vấn đề này, nếu không sẽ trở thành một tiền lệ xấu cho nền tư pháp Việt Nam chứ không chỉ là vấn đề hình sự”, ông Nhưỡng nói.
Không dừng lại ở hai vị ĐBQH trên, ĐBQH – luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng đã nhất trí với đề nghị Quốc hội giám sát tối cao việc xét xử vụ án Hồ Duy Hải. Ông cho đối với bản án tử hình nếu sai sót thì chúng ta sẽ không còn cơ hội để sửa chữa.
Luật sư Nghĩa phân tích: “Về pháp luật hình sự, luật tố tụng hình sự đòi hỏi nguyên tắc suy đoán vô tội. Việc buộc tội phải dựa trên các chứng cứ đầy đủ, khách quan, toàn diện và không thể tranh cãi được. Tuy nhiên, trong vụ này, những bản cung không khớp, mâu thuẫn và không được củng cố bởi những vật chứng, chứng cứ quan trọng của vụ án như dấu vân tay, hung khí…”.
Ông Nghĩa cũng lấy dẫn chứng những vụ án oan như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén và một số án oan sai khác có đặc trưng là chủ yếu dựa vào lời nhận tội của bị can và những chứng cứ gián tiếp. Những kinh nghiệm đó cho thấy việc dựa chủ yếu vào bản cung của các bị can, vào chứng cứ gián tiếp thì có nguy cơ oan sai.
Ngày 10/5, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Loan cho biết đã gửi đơn đến chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bày tỏ mong muốn cơ quan giám sát của Quốc hội tiếp tục kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Bà Loan cho rằng những tình tiết quan trọng được luật sư Trần Hồng Phong (người hỗ trợ pháp lý cho Hải) đưa ra tại tòa đã không được xem xét khách quan.
Được biết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đã từng nhiều lần kiến nghị đến các đơn vị và góp phần vào việc tổ chức phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, đồng thời đã có ý kiến rất thẳng thắn về những sai phạm của CQĐT.
Từ Thức (t/h)