Virus Vũ Hán gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc
Đại dịch Vũ Hán đã làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo tại Trung Quốc. Danh sách người giàu Hồ Nhuận năm 2020 cho thấy, những người giàu ở Trung Quốc với tài sản trên 100 triệu nhân dân tệ trở nên giàu có hơn những năm trước. Trái lại, hàng trăm triệu người có thu nhập thấp thì bị thất nghiệp hoặc giảm lương.
Dịch bệnh khiến người nghèo ở TQ ngày càng nghèo và người giàu ngày càng giàu
Tác động kinh tế của virus ĐCSTQ dường như khiến những người nghèo phải gánh chịu nhiều hơn. Tài sản của những người có thu nhập cao hay tỷ phú không hề giảm mà còn tăng lên đáng kể.
Wall Street Journal đưa tin ngày 22/10, hầu hết những người có thu nhập cao ở Trung Quốc đã giữ được việc làm trong năm 2020, cổ phiếu và bất động sản mà họ đầu tư tiếp tục tăng giá. Đồng thời, hàng trăm triệu người thu nhập thấp ở Trung Quốc vẫn thất nghiệp hoặc bị giảm lương.
Tommy Wu – Nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics ở Hồng Kông, cho biết “gần như chắc chắn rằng dịch bệnh Covid-19 đã làm tăng thu nhập và chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc”.
Wei He – Nhà phân tích tại Gavekal Research ước tính rằng, 60% các hộ gia đình nghèo ở Trung Quốc đã mất khoảng 200 tỷ USD thu nhập trong nửa đầu năm 2020.
Khảo sát của Ant Group và Khảo sát Tài chính Hộ gia đình Trung Quốc (China Household Finance Survey) cho thấy, tài sản của các hộ gia đình nghèo giảm trong nửa đầu năm 2020, trong khi tài sản của các hộ gia đình có thu nhập cao lại tăng lên.
Wu Weijue, 32 tuổi, là một nhà đầu tư chuyên nghiệp, sống ở Thâm Quyến cùng vợ và ba con. Theo Wu Weijue, kể từ đầu năm 2020, anh đã đạt được lợi nhuận khoảng 10% từ các khoản đầu tư vào Bitcoin và cổ phiếu. Vào tháng 6, anh đã đặt cọc 283.000 USD để mua một dinh thự rộng 200 mét vuông.
Đối với các tỷ phú Trung Quốc, dịch bệnh còn trở thành cơ hội để gia tăng tài sản.
Danh sách người giàu Hồ Nhuận năm 2020 được công bố ngày 20/10 cho thấy, những người giàu nhất Trung Quốc với giá trị tài sản trên 100 triệu nhân dân tệ (346 tỷ đồng), năm nay đã trở nên giàu có hơn những năm trước. Những người giàu có trong danh sách có giá trị tài sản ở mức 1,5 nghìn tỷ USD, nhiều hơn tổng mức tăng trong 5 năm qua, tương đương với mức tăng một nửa GDP của Vương quốc Anh trong một năm.
Bị ảnh hưởng toàn cầu bởi virus ĐCSTQ, thương mại trực tuyến đang bùng nổ. Jack Ma – người sáng lập Alibaba, đã tăng 45% tài sản lên 58,8 tỷ USD; tài sản của Vương Hưng – người sáng lập mạng Mỹ Đoàn đã tăng gấp 4 lần trong năm 2020, đạt 25 tỷ USD; tài sản của Lưu Cường Đông – người sáng lập Kinh Đông cũng tăng gấp đôi lên 23,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, đối với những người có thu nhập thấp, dịch bệnh là một sự đả kích khiến họ không thể chịu đựng nổi.
Vào tháng 2, khi đại dịch lây lan nhanh chóng ở Trung Quốc, Liu Ruguo, 53 tuổi, một công nhân nhập cư từ Hồ Nam, đã nghỉ việc tại nhà máy giày Đông Hoản. Ông có hai người con trai, một người 29 tuổi và người kia 23 tuổi. Là trụ cột duy nhất của gia đình, ông Liu từng làm đế giày trong nhà máy và có thể kiếm tới 590 USD (tương đương 13,7 triệu đồng) một tháng nếu tính cả làm thêm. Mặc dù nhà máy giày nơi ông làm việc đã hoạt động trở lại vào tháng 9, nhưng ông chủ của công ty vẫn không thanh toán những tháng lương còn nợ cho ông.
Bây giờ, ông Liu đang làm công việc chặt cây tại quê hương Hồ Nam và kiếm được tối đa khoảng 295 USD (6,8 triệu đồng) mỗi tháng. Ông cho biết do giá thịt lợn tăng cao nên gia đình phải ăn thịt lợn ít hơn để tiết kiệm.
Không có bảo hiểm thất nghiệp, ông Liu cũng cho biết, bởi vì dịch bệnh nên tìm việc ở nơi khác rất khó, ông cảm thấy bất lực.
Li Jintao – Công nhân xây dựng 30 tuổi đến từ tỉnh Hồ Bắc, thu nhập hàng tháng đã giảm khoảng một phần ba, mặc dù anh ấy đã làm cùng một công việc kể từ tháng 5.
Anh ấy không đến nhà hàng để ăn, đi làm ở các thành phố khác bằng tàu địa phương thay vì đường sắt cao tốc. Mặc dù hành trình mất 12 giờ, nhưng giá vé đường sắt cao tốc cao gấp ba lần so với tàu địa phương.
Li tin rằng anh ấy không thể tiết kiệm tiền trong năm nay.
Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng 5 cũng cho biết thu nhập hàng tháng của 600 triệu dân Trung Quốc chỉ khoảng 140 USD.
Báo cáo cho rằng khoảng cách giàu nghèo năm nay ngày càng nới rộng vì ngày càng nhiều gia đình thu nhập thấp khó có thể đối phó với phản ứng dây chuyền gây ra bởi dịch bệnh.
Theo một báo cáo nghiên cứu của Nomura Securities, tăng trưởng thu nhập trung bình của 290 triệu lao động nhập cư của Trung Quốc trong quý II đã giảm 6,7% so với cùng kỳ 2019, cho thấy một “tác động nghiêm trọng và lâu dài”.
Học giả: Việc giảm thu nhập của các gia đình nghèo sẽ tạo thành một vòng luẩn quẩn
Cam Lê – Giáo sư Khoa Kinh tế tại Đại học Texas A&M, Mỹ nhận định, thu nhập của các gia đình nghèo giảm dẫn đến chi tiêu yếu, có thể hình thành một vòng luẩn quẩn, trong đó nhu cầu chậm chạp sẽ gây hại cho kế hoạch tuyển dụng của các doanh nghiệp nhỏ.
GS Cam Lê cho biết: “Nếu nhiều doanh nghiệp nhỏ tiếp tục đóng cửa do nhu cầu yếu, nó có thể gây ra thiệt hại vĩnh viễn chưa từng có cho nền kinh tế Trung Quốc”.
Những cải cách của ĐCSTQ trong những năm 1990 và thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng cái giá phải trả của sự tăng trưởng đó là làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong phân phối của cải và khiến xung đột xã hội ngày càng gia tăng.
Cuộc khảo sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, Trung Quốc là nơi khoảng cách giữa người giàu và người nghèo là lớn nhất trên thế giới.
Một trong những vấn đề ở Trung Quốc là, quốc gia này chưa bao giờ có tình trạng thất nghiệp toàn diện như Hoa Kỳ và châu Âu.
Thêm nữa, một số hộ gia đình khác đang lâm vào cảnh nợ nần, và hiện nay mức nợ hiện tại của các hộ gia đình Trung Quốc cao hơn bao giờ hết, theo Wind Info.
Lương Phong
Theo soundofhope.org