Virus 15.000 năm tuổi trong băng có thể trở lại tấn công con người
Các nhà nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra nhiều loại virus lạ tồn tại trong lớp băng 15.000 năm tuổi, đồng thời cảnh báo nhiều mầm bệnh hơn nữa có khả năng sẽ xuất hiện đe dọa con người nếu khí hậu tiếp tục nóng lên khiến băng tan.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích hai lõi băng từ sông băng Tây Tạng và phát hiện sự tồn tại của 28 nhóm virus chưa từng được biết đến trước đây. Việc nghiên cứu những loại virus này sẽ là chìa khóa để tìm hiểu virus đã phát triển ở các vùng khí hậu khác nhau qua nhiều giai đoạn thời gian, các nhà nghiên cứu lập luận trong bài báo của họ đăng trên trang bioRxiv.
“Các vi khuẩn giữa 2 lõi băng có sự khác nhau đáng kể, có lẽ chúng đại diện cho các điều kiện khí hậu khác nhau tại thời điểm bị đóng băng, tương tự như các phát hiện ở các lõi băng khác,” ghi chép của các nhà nghiên cứu tuyên bố thí nghiệm sẽ giúp thiết lập một cơ sở dữ liệu cho virus sông băng.
“Lấy mẫu lõi băng không phải dễ dàng. Bạn không chỉ phải làm điều đó trong điều kiện thích hợp để đảm bảo băng không bị ảnh hưởng, mà còn phải đảm bảo không gây ra ô nhiễm”.
Nhóm nghiên cứu đã tìm ra cách để lấy các mẫu siêu vi và virus, đặt vào hai mẫu lõi băng được bảo quản từ năm 1992 và 2015. Các lõi này không được ngăn ngừa ô nhiễm trong quá trình khoan, xử lý và vận chuyển – có nghĩa là mặt ngoài của đá lạnh rất có thể bị ô nhiễm. Để tránh điều này, các nhà nghiên cứu chỉ phân tích bên trong lõi, đây là cách không gây ảnh hưởng đến các mẫu băng.
Nhóm nghiên cứu đã làm việc trong một căn phòng lạnh ở âm 5 độ C (23 độ F) để đào sâu vào phần bên trong của lõi, dùng cưa để cắt 0,5 cm lớp băng bên ngoài.
Sau đó, nhóm nghiên cứu dùng ethanol để rửa băng và làm tan thêm 0,5cm nước đá nữa, sau đó dùng nước vô trùng rửa thêm 0,5 cm nữa để có thể đào vào sâu lớp bên trong tiến hành nghiên cứu.
Họ tìm thấy tất cả 33 nhóm virus nằm trong lõi băng, trong đó có 28 nhóm hoàn toàn mới. “Các loại vi khuẩn giữa hai lõi băng khác nhau đáng kể”, các nhà nghiên cứu viết, “có lẽ chúng đại diện cho các điều kiện khí hậu khác nhau tại thời điểm đóng băng”.
Các nhà nghiên cứu cho biết nhiệt độ trên thế giới ngày càng tăng do biến đổi khí hậu đang làm tan chảy các dòng sông băng trên khắp hành tinh, vì vậy những tài liệu lưu trữ virus này có khả năng sẽ sớm biến mất. Tuy nhiên, đó không phải là tin xấu duy nhất, vì băng tan có thể giải phóng virus gieo rắc nhiều mầm bệnh ra mô trường.
“Ít nhất băng tan có thể dẫn đến việc mất đi nơi lưu trữ vi khuẩn và virus, cũng là nơi có thể dự đoán, cung cấp thông tin về các dạng thời tiết của Trái đất trong quá khứ. Tuy nhiên, trường hợp xấu nhất vẫn là việc băng tan có thể giải phóng mầm bệnh vào môi trường”, các nhà nghiên cứu cảnh báo.
Ngân Khánh (Theo ZME Science)