Vietnam Airlines rao cho thuê máy bay, hàng không thiệt hại ước tính sơ bộ 10.000 tỉ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lương Hoài Nam – chuyên gia hàng không, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch – cho rằng con số thiệt hại hơn 10.000 tỉ đồng của các hãng hàng không Việt Nam mới chỉ là ban đầu, nó sẽ lớn hơn nhiều nếu dịch kéo dài.
“Ngoài thị trường Trung Quốc, hành khách sẽ suy giảm với các thị trường khác và cả thị trường nội địa” – ông Nam nhận định.
Ngoài việc giảm phí điều hành bay, hạ cất cánh do Nhà nước quản lý, các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không như Tổng công ty Cảng hàng không VN, Tổng công ty Quản lý bay, các đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất, suất ăn, xăng dầu hàng không vốn có doanh thu và lợi nhuận từ các hãng hàng không cần giảm các phí dịch vụ do mình quyết định để hỗ trợ các hãng hàng không lúc khó khăn.
“Hàng không gặp thiệt hại nhiều hơn ngành du lịch. Bởi vì ngành du lịch có thể đóng cửa khách sạn, cho nhân viên nghỉ việc khi vắng khách nhưng các hãng hàng không không thể trả được ngay máy bay đang thuê do những điều kiện ràng buộc chặt chẽ và vẫn phải trả lương cho phi công, thợ máy, tiếp viên” – ông Nam nhận định.
Theo một chuyên gia khai thác bay, với việc dừng khai thác các đường bay tới Trung Quốc, các hãng hàng không VN thừa khoảng 50 máy bay. Trong khi đó các hãng hàng không vẫn phải trả tiền thuê 1 máy bay Airbus A321 mới khoảng 400.000 USD/tháng, Boeing 787 mới khoảng 1 triệu USD/tháng.
“Do hợp đồng thuê máy bay rất chặt chẽ, không được trả máy bay trong tình huống này, nếu có trả được vẫn phải trả tiền cho bên cho thuê khi máy bay chưa có hãng khác thuê lại nên các hãng rất tốn kém khi máy bay không khai thác vẫn phải trả lương nhân công” – vị này nói.
Theo TTO