Video: Trận chiến giữa kẻ cặn bã của biển cả với cá mập đầu búa
Đang cố gắng thoát khỏi lưỡi câu, bỗng kẻ cặn bã của biển cả xuất hiện và tấn công con cá mập đầu búa.
National Geographic đưa tin, trận chiến giữa 2 con cá mập xảy ra ở vịnh Mexico, ngoài khơi bờ biển thành phố Venice, bang Louisiana, phía nam nước Mỹ hôm 17/7.
Ryan Willsea cùng em trai và một người bạn tổ chức chuyến đi câu 3 ngày ở vịnh Mexico với hy vọng bắt được cá ngừ đại dương. Ba người đi thuyền ra khu vực cách bờ biển Venice khoảng 50 km.
“Khi cần câu rung lên, chúng tôi cứ ngỡ là câu được một con cá ngừ lớn“, Willsea nói. Trước đó, cậu vừa câu được hai con cá ngừ. “Thế nhưng chúng tôi phát hiện đó là một con cá mập búa“.
Cả ba giằng co với con cá lớn khoảng 5-10 phút thì một cá mập to hơn nhiều xuất hiện. Willsea ước tính con cá mập búa dài hơn 2 mét, còn con cá này dài khoảng 3 mét, nặng cỡ 450 kg.
Cuộc chiến diễn ra trong vài phút, cho tới khi cá mập hổ bỏ đi sau khi “cắn vào đầu cá mập búa, làm đứt dây câu, rồi kéo nó sâu xuống nước“, Willsea cho biết.
Đối với Willsea, người quay được trận chiến giữa 2 con cá mập, cảnh tượng thật khó quên. “Thật tuyệt vời khi được chứng kiến và quay phim lại cảnh tượng ấy“.
Theo George Burgess, trưởng dự án nghiên cứu cá mập, chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên bang Florida, con cá mập lớn trong video là loài cá mập hổ.
Loài này sinh sống ở các vùng nước ấm, là “chuyên gia lợi dụng cơ hội khi con mồi tiềm năng bị thương“, Burgess cho biết. “Không có gì khiến một con vật bị tổn thương hơn khi nó mắc câu và bị thuyền kéo đi“. Bởi thế cá mập hổ còn có biệt danh là “những kẻ cặn bã của biển cả, luôn xuất hiện cuối cùng để trục lợi“.
Loài cá mập hổ có thể dài tới 5,5 mét, nặng hơn 900kg. Chưa biết tuổi thọ loài này là bao lâu, nhưng chúng có thể sống lâu hơn 12 năm.
Loài này nổi tiếng nguy hiểm vì hay tấn công những người đi bơi, thợ lặn và những người lướt ván ở Hawaii; và chúng thường được gọi là “tai họa của những người lướt ván tại Hawaii” và “thùng rác của biển cả”, vì đôi khi người ta thấy trong đường tiêu hóa của chúng rác thải của con người như biển số xe hoặc những miếng lốp xe cũ.
Cá mập hổ bị săn để lấy vây, thịt, và gan. Nhiều quần thể đã suy thoái vì săn bắt quá nhiều, và chúng được xem là loài gần bị đe dọa, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cho biết.
Năm 2010, Greenpeace International liệt cá mập hổ vào danh sách đỏ hải sản, gồm các loài cá được bán phổ biến trên toàn thế giới nhưng đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo VNExpress, Wikipedia