Vì sao đất nước Singapore nhỏ bé trở thành trung tâm tài chính của thế giới?
Chính phủ Singapore lập luận rằng chính ngành công nghiệp sản xuất đã nuôi dưỡng “hệ sinh thái” để duy trì trung tâm kinh doanh và tài chính.
Bài viết dưới đây được dịch từ báo cáo đặc biệt của tờ The Economist về Singapore – quốc gia non trẻ được coi là “dị nhân châu Á”. Bài viết tiếp theo này đề cập đến sự chuyển mình thần kỳ từ một quốc gia nhỏ bé thành trung tâm tài chính kinh doanh hàng đầu thế giới của Singapore.
Singapore thường được so sánh với Hong Kong bởi cả 2 đều là trung tâm tài chính và cảng biển hàng đầu thế giới. Dân số chủ yếu ở cả 2 khu vực đều là người Trung Quốc và hệ thống luật pháp được kế thừa rất nhiều từ thời thuộc địa Anh. Tuy nhiên, trải qua 30 năm, Singapore và Hong Kong đã chọn đi theo 2 con đường rất khác biệt.
Với sự mở cửa từ phía Trung Quốc, ngành công nghiệp sản xuất của Hong Kong đã giảm từ khoảng 20% GDP trong năm 1980 xuống chỉ còn 1% thời điểm hiện tại. Trong khi đó, Singapore đã giảm từ 28% từ 1 thập kỷ trước xuống còn 19%. Đây là mức khá thấp so với con số 30% mà Trung Quốc, Hàn Quốc hay Đài Loan đạt được. Tuy nhiên, nó lại vượt trội hơn so với những quốc gia phát triển khác như Mỹ, Anh, Pháp và Tây Ban Nha.
Chính phủ Singapore lập luận rằng chính ngành công nghiệp sản xuất đã nuôi dưỡng “hệ sinh thái” để duy trì trung tâm kinh doanh và tài chính. Nó cũng phản ánh khát vọng về sự độc lập và tự túc trong sản xuất của quốc gia này. Ví dụ, mặc dù không có trữ lượng dầu khí, Singapore vẫn là nhà sản xuất lớn thứ 3 thế giới về xuất khẩu dầu mỏ tinh chế và hiện đang mở rộng sang hoá dầu.
Singapore cũng đã thành công trong việc tham gia vào chuỗi giá trị. Điện tử là một ví dụ.
Trong năm 1980, nhờ Seagate – một công ty của Mỹ và những công ty đa quốc gia khác mà Singapore chiếm tới 60% lượng ổ cứng (HDD) được bán ra trên toàn cầu. Khi sản xuất dần chuyển sang Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc vào những năm 1990, Singapore trở thành trung tâm sản xuất “ổ cứng dành cho doanh nghiệp” với biên lợi nhuận cao. Đầu những năm 2000, Singapore chiếm 80% thị phần toàn cầu và đang sẵn sàng chuyển sang một cấp độ mới đó là các ổ cứng truyền thông mà hiện họ chiếm 40% thị phần.
Chiến lược này là cơ hội lớn và tạo ra sức thu hút khó cưỡng với các công ty đa quốc gia. 5 vấn đề được chính phủ Singapore ưu tiên đầu tư trong ngân sách năm nay gồm: Sản xuất nâng cao, hàng không và logistics, ứng dụng khoa học vào chăm sóc sức khỏe, giải pháp đô thị thông minh và dịch vụ tài chính. Hay nói theo Beh Swan Gin – chủ tịch Hội đồng phát triển kinh tế – Singapore hiện đang tìm kiếm “vai trò mở rộng hơn” trong hoạt động kinh doanh của các công ty có trụ sở tại đây.
Khi nói về các doanh nghiệp trong nước, Singapore luôn tự hào là một trong những quốc gia có hệ thống chính trị minh bạch và có nhiều công ty liên kết với chính phủ thành công bậc nhất thế giới. Ví dụ điển hình là GLC, DBS (ngân hàng nội địa lớn nhất), NOL (tàu biển), SingTel (viễn thông), SMRT (giao thông công cộng), ST Engineering (dịch vụ kỹ thuật cao cấp), CapitalLand (bất động sản), Keppel (kỹ thuật đường biển – lĩnh vực mà Singapore đang chiếm 70% thị phần) và SeambCorp (kỹ thuật và hệ thống phụ trợ biển).
Bên cạnh đó, Singapore cũng có hàng loạt công ty tư nhân lớn và sáng tạo như BreadTalk – một nhà sản xuất bánh hiện có mặt tại 15 quốc gia khác nhau trên thế giới. Charles & Keith – chuỗi cửa hàng giày dép hạng sang toàn cầu hay Hyflux – công ty xuất khẩu. Tuy nhiên, thương hiệu nổi tiếng nhất của Singapore là Singapore Airlines – hãng hàng không 5 sao hàng đầu thế giới.
Singpore cũng thành công trong việc đầu tư ra nước ngoài, ví dụ như Trung Quốc. Sau khu công nghiệp tại Tô Châu, họ đang tiếp tục phát triển “thành phố sinh thái” tại Thiên Tân. Ngoài ra, hàng loạt các công ty tài chính của Singapore cũng đang đổ vốn vào bang Andhra Pradesh của Ấn Độ.
Cuối cùng, Singapore cũng đang nỗ lực thiết lập quốc gia mình trở thành trung tâm khởi nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, đây là một mong muốn đầy tham vọng. Dù có lợi thế về bối cảnh văn hóa và môi trường giả trí sôi động nhưng Singapore lại thiếu nét hấp dẫn như Berlin, Đức hay vẻ lôi cuốn như trung tâm công nghệ tài chính Silicon của Mỹ. Hiện chính phủ Singapore đang đầu tư tiền bạc vào các doanh nghiệp công nghệ cao và đã thu hút được một vài nhà đầu tư mạo hiểm. Kích thước nhỏ gọn và nền tảng cơ sở hạ tầng tốt khiến đây trở thành quốc gia rất đáng để thử sức.
Một nơi mà giới khởi nghiệp công nghệ có thể trải nghiệm là Block 71 – toà nhà biểu tượng cho tham vọng về nền công nghiệp mới của Singapore. Block 71 hiện là nơi đặt trụ sở của rất nhiều công ty khởi nghiệp. Theo Wong Meng Weng – đến từ quỹ đầu tư mạo hiểm Joyful Frog Digital Incubator thì những người Singapore trẻ tuổi đang trở nên thích thú hơn với việc bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh. Tuy nhiên, một điều kỳ lạ là có mặt tại Block 71 hiện đa phần là người nước ngoài. Bởi vậy, dù là một trung tâm công nghệ, bản thân Singapore vẫn còn thiếu thốn rất nhiều.