Vì sao 60 tuổi không mời rượu, 70 không ngủ lại, 80 không phần cơm?
Người già như ngọn đèn trước gió, mới sáng đó mà vụt tắt lúc nào không hay, cho nên đối đãi với người lớn tuổi cũng phải rất chú ý, vừa để giữ gìn sức khỏe cho họ mà cũng để tránh những phiền toái không cần thiết cho bản thân.
Tuy những câu tục ngữ đều được sáng tạo ra trong dân gian, nhưng vẫn có thể tìm thấy trong nó không ít đạo lý nhân sinh, đối với người đời sau đều rất có ý nghĩa.
Cũng bởi vì tục ngữ xuất phát từ trong đời sống, cho nên đôi khi nghe thấy thông tục, không có thi từ ca phú thanh nhã, nhưng đây chính là đặc điểm của tục ngữ, dùng ngôn ngữ đơn giản trong dân gian để nói về đạo lý nhân sinh, đôi khi ngược lại với cách diễn đạt của từ ngữ văn học lại có thể khiến người ta dễ dàng tiếp thụ và lý giải hơn.
Hôm nay chúng ta sẽ thử tìm hiểu về câu tục ngữ: “60 tuổi không mời uống rượu, 70 không ngủ lại, 80 không phần cơm, 90 không giữ chỗ ngồi”. Đạo lý nhân sinh ẩn chứa trong câu tục ngữ này là gì?
Các nước phương Đông đều rất chú trọng vào lễ nghi, bởi vậy đối với các mối quan hệ ở bên trong, dù chỉ là sơ giao, mời rượu, phần cơm, thậm chí là ngủ lại cũng đều rất được coi trọng. Nhưng vì sao tuổi càng cao đi thì cách đối đãi lại phải thay đổi?
Câu tục ngữ “60 tuổi không mời uống rượu, 70 không ngủ lại, 80 không phần cơm, 90 không giữ chỗ ngồi” chính là căn cứ vào tình trạng sức khỏe mà phân định. Bởi vì các chức năng của cơ thể sau 60 tuổi là bắt đầu lão hóa, những việc trước kia làm thấy nhẹ nhàng, thì bây giờ đã bắt đầu cảm thấy khó khăn.
Vì vậy để giữ sức khỏe cho những người đã có tuổi, mọi người cũng không khuyến khích những người đã 60 tuổi uống rượu nữa, dù sao thì rượu cũng dễ gây tổn hại cho các cơ quan nội tạng trong cơ thể.
Mà khi tuổi tăng lên, người đã qua 70 tuổi, tố chất thân thể lại càng kém đi. Nếu như ở lại nhà của người khác, một là hoàn cảnh chưa quen thuộc, dễ phát sinh vấn đề ngoài ý muốn, nếu ngủ lại buổi tối mà đột ngột qua đời, cũng sẽ mang lại rất nhiều phiền toái không cần thiết cho chủ nhà.
70 tuổi, trước kia gọi là “xưa nay hiếm”, 80 tuổi là tuổi cao, 90 tuổi gọi là già cả. Một người có thể sống đến 80, 90 tuổi, lúc này thân thể càng thêm suy yếu, dạ dày cũng đã không phù hợp với những đồ ăn quá mặn, mà thường ở nông thôn khi mở tiệc chiêu đãi khách, đồ ăn lại rất phong phú. Vì để giữ gìn sức khỏe cho những người già này, nên mới có câu “80 không phần cơm, 90 không giữ chỗ ngồi”.
Chân Chân biên dịch