Vị quan đại thần có ảnh hưởng lớn nhất đến triều đại nhà Nguyễn
Dưới thời trị vì của các vua nhà Nguyễn, Trương Đăng Quế nổi tiếng là một nhân vật tài năng, thanh liêm nhất mực. Ông làm quan 43 năm qua 4 triều vua Nguyễn. Ông còn là nhà thơ, nhà sử học, và là thầy của vua Thiệu Trị.
Trương Đăng Quế được xem là một trong những vị quan thanh liêm của nhà Nguyễn, góp công rất lớn trong việc xây dựng triều đại này. Ông sinh năm 1793 tại làng Mỹ Khê, huyện Bình Sơn (nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), nhưng tổ tiên ông là người ở Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Thuở nhỏ Trương Đăng Quế đã nổi tiếng là văn hay. Năm 1819, ông đỗ Hương tiến (tương đương cử nhân), học vị cao nhất thời bấy giờ, được bổ nhiệm làm quan.
Năm 1830, dưới thời vua Minh Mạng, Trương Đăng Quế được phong làm Tả thị lang Bộ Công làm ở Nội các, hàng ngày gần gũi Vua, cùng tham gia bàn bạc các vấn đề của đất nước.
Năm 1832, ông được phong làm Thượng thư bộ Binh. Tuy nhiên, để tận dụng hết tài năng của Trương Đăng Quế, vua Minh Mạng đã cử ông làm chủ sát hạch giáo chức các tỉnh, độc quyển điện thí, chủ khảo trường thi Hội và Độc quyển kỳ thi Đình.
Các việc này đều được làm tốt đến nỗi vua Minh Mạng phải khen Trương Đăng Quế rằng:
“Nhìn việc thấu triệt, nói được rõ ràng, có thể đi đến chỗ thành công.
Nói thì chính trực vô tư, làm thì quả quyết được việc, chặn được manh lưới kẻ gian, dứt được việc lừa dối trước đây”.
Trương Đăng Quế là thầy của hoàng tử Miên Tông. Khi hoàng tử lên ngôi Vua vào năm 1841 lấy hiệu là Thiệu Trị, ông được phong làm Văn Minh điện Đại học sĩ, gia hàm Thái bảo, quản lý bộ Binh kiêm Cơ mật viện.
Khi quân Pháp đánh Đại Nam vào năm 1858, nhiều quan lại lo sợ muốn đầu hàng, nhưng Trương Đăng Quế muốn chủ chiến. Sách lược của ông là “chiến không bằng hòa”, nhưng trước khi hòa “cần phải giữ vững đã”, như thế khi nghị nghị hòa sẽ không bị lép vế phải nhượng bộ quân Pháp. Sau đó, ông đi Quảng Nam để xây dựng thành lũy chống Pháp.
Bị chặn ở Đà Nẵng, quân Pháp tiến vào Nam đánh chiếm thành Gia Định. Là người sống thanh bạch, thấy mình quá già yếu, không nghĩ được kế sách nào hay để chống Pháp, Trương Đăng Quế xin từ chức để người trẻ hơn lên thay.
Sách “Đại Nam thực lục” có ghi chép lại sớ tâu xin từ chức của ông như sau:
“Từ khi Tây dương đến đây đã ba năm, mà ngồi trơ mặt ở triều ban, không vạch ra được một mưu chước gì để đánh lại được giặc Tây dương, tội ấy chối sao được. Lại bóng chiều đã xế, bệnh tật luôn luôn, gần tới cõi chết mà cố giữ địa vị, thực đáng hổ thẹn. Vậy xin cho về quê để nhường chỗ cho lớp trẻ”.
Nhận sớ xong, vua vẫn quyết ý không cho từ quan, Trương Đăng Quế lại dâng sớ khác xin tự giáng chức, bỏ hẳn tước Quận công, xin giảm nửa lương.
Sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” có ghi chép về Trương Đăng Quế như sau:
“Quế lúc làm quan giữ mình khiêm tốn, chính trực, kiến văn nhiều, xử đoán khéo, làm quan hơn 40 năm, ngồi ở chức Tể tướng thế mà ăn mặc giản tiện sơ sài, không khác gì lúc còn chưa làm quan, và lại có tính siêng năng.
Các danh thần lúc bấy giờ như Tráng liệt bá Nguyễn Tri Phương, mà vua cũng bảo là phong độ không bằng Quế.
Sau khi Quế chết, Hoàng thượng thương nhớ, triều đình lấy làm tiếc. Các hoàng thân, công chúa và sĩ phu trong ngoài đều làm thơ văn, câu đối đem đến phúng”.
Tháng 2/1865, Trương Đăng Quế qua đời ở tuổi 72. Vua truy tặng ông hàm Thái Sư, nghỉ thiết triều 3 ngày liền. Trương Đăng Quế được ban tên thụy là Văn Lượng. Vua cho khắc trên bia mộ của ông: “Lưỡng triều cố mệnh lương thần Trương Văn Lượng chi mộ”, nghĩa là mộ của bề tôi giỏi chịu mệnh tiên đế phó thác qua hai triều là Trương Văn Lượng.
Năm 1876, vua Tự Đức cho đặt bàn thờ của Trương Đăng Quế ở Thế Miếu, là nơi thờ các Vua nhà Nguyễn cùng các đại công thần.
Theo Trithucvn