Vén mở trò lừa đảo trong chốn quan trường của chính quyền Trung Quốc
Quan chức các cấp của chính quyền Trung Quốc rất giỏi trong việc sử dụng mánh khóe, thủ đoạn để lừa đảo người ta. Không chỉ thủ tướng tiền nhiệm là Chu Dung Cơ, Ôn Gia Bảo đã nhiều lần bị lừa, mà ngay cả Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường cũng không cách nào tránh được.
Chu Dung Cơ bị lừa, vợ ông lên tiếng phàn nàn
Theo một bài viết kể về hồi ức của Diêu Giám Phục, một quan chức làm việc trong Quốc vụ viện của chính phủ, đăng trên tạp chí “Động Hướng” số tháng 7 của Hồng Kông, năm Chu Dung Cơ dẫn theo một nhóm người đến Hắc Long Giang, rồi đích thân đến huyện Triệu Đông để thăm dò giá cả lương thực.
Lãnh đạo huyện Triệu Đông đã bố trí phó trưởng khoa giả làm nông dân, gạo trắng vốn dĩ là 1 đồng 1 cân, thì nay lại nói với Chu Dung Cơ là 5 hào 1 cân. Chu lại hỏi người “nông dân” này, 5 hào 1 cân, thế mọi người có hăng hái làm ruộng hay không? Vị phó viện trưởng này trả lời là “có!”.
Sau đó, Chu Dung Cơ trong đại hội cán bộ được tổ chức ở Cáp Nhĩ Tân (thủ phủ của Hắc Long Giang) đã nhắc nhở lãnh đạo tỉnh Hắc Long Giang. Tại sao huyện Triệu Đông cách Cáp Nhĩ Tân chỉ có 50 dặm mà giá gạo lại là 5 hào 1 cân, còn Cáp Nhĩ Tân các ông lại nâng giá đến 1 đồng?
Ông nói: “Tôi đã hỏi nông dân vùng đó, 5 hào 1 cân gạo, thế thì mọi người có hào hứng làm ruộng không? Người đó nói là có. Nếu như vậy, việc sản xuất lương thực của Trung Quốc có thể sẽ xuất hiện một cao trào mới”.
Diêu Giám Phục đem nội tình mà ông biết được ở trên viết thành một tài liệu, nhờ người bạn thân của mình là Lôi Tích Lục gửi cho vợ ông Chu Dung Cơ là bà Lao An. Không lâu sau, Lôi Tích Lục cho hay, bà Lao An truyền đạt lời cảm ơn của thủ tướng Chu Dung Cơ đến ông Diêu bởi ông đã phản ánh tình hình thực tế với ông Chu.
Bà Lao An còn phàn nàn rằng: “Hiện nay có những bộ trưởng, tỉnh trưởng cũng đang dối gạt ông nhà tôi như thế”.
Khi Chu Dung Cơ đến huyện Nam Lăng, tỉnh An Huy thị sát kho lương thực, Nghê Phát Khoa – Bí thư huyện Nam Lăng lúc bấy giờ đã cho chuyển hết toàn bộ lương thực của một số công ty lương thực đến, vậy nên kho lương thực vốn dĩ trống trơn nay được chất thành một đống lớn.
Về sau sự việc bị bại lộ, Chu Dung Cơ nổi giận trách tham quan “gan to bằng trời”. Tuy nhiên, Nghê Phát Khoa lại một đường thăng tiến đến chức phó bộ trưởng, có tin đồn cho rằng ông được Giang Trạch Huệ – em gái của Giang Trạch Dân chống lưng.
Ngoài ra, Khương Duy Bình, phóng viên Hồng Kông có trụ sở ở Đại Liên từng tiết lộ rằng, năm đó Bạc Hy Lai đầu tư xây dựng trung tâm hội nghị ở Đại Liên, Chu Dung Cơ phê chuẩn điều tra, nhưng Bạc Hy Lai đưa ra bộ hợp đồng giả làm thành danh nghĩa hợp tác với bên Hồng Kông, cuối cùng đã dễ dàng qua mặt Chu Dung Cơ.
Ôn Gia Bảo bị lừa đến mức ngủ không yên giấc
Năm 2007, Tưởng Khiết Mẫn lúc bấy giờ đảm nhiệm chức phó Tổng Giám đốc của tập đoàn dầu khí Trung Quốc, nói dối rằng phía đông Hà Bắc phát hiện một mỏ dầu Nam Bảo có trữ lượng quy mô đạt đến 1 tỷ tấn. Ôn Gia Bảo lúc đó khi thị sát mỏ dầu phía đông Hà Bắc nói rằng: “Nghe được thông tin này, tôi thật sự vui mừng đến nỗi không sao ngủ được”.
Tuy nhiên năm 2010, báo cáo của giới truyền thông Trung Quốc đã chứng thực rằng, mỏ dầu Nam Bảo đó chỉ có trữ lượng khoảng 1 phần 5 so với tuyên bố ban đầu.
Năm 2010, tròn 91 năm cuộc vận động Ngũ Tứ, Ôn Gia Bảo đến trường đại học Bắc Kinh giao lưu với học sinh, bên phía nhà trường đã đặc biệt bố trí chủ tịch của hội học sinh nhằm phối hợp giao lưu với ông Ôn, nhưng không ngờ đã bị ông Ôn Gia Bảo vạch trần ngay tại hiện trường: “Tôi biết các ông đã bố trí sẵn”, và trách phía nhà trường đã “nhốt học sinh ở trong lầu không cho ra ngoài”.
Đầu năm mới 2005, Ôn Gia Bảo đến thôn Văn Lâu tỉnh Hà Nam, cùng đón tết với dân làng. Lúc đó, ông Ôn đề xuất lì xì cho mỗi một người dân trong làng 10 nhân dân tệ tiền mừng tuổi. Làng Văn Lâu trên thực tế có 3.217 người, nhưng con số báo cáo thì lại chỉ có hơn 883 người, ông Ôn Gia Bảo đã bị gạt hơn 8.000 nhân dân tệ. Lư Nguyệt Mai, Bí thư chi bộ của làng nói, đó là “ý của lãnh đạo huyện”.
Tập Cận Bình sáng suốt hơn vậy mà cũng bị lừa
Giới truyền thông Trung Quốc đã từng đưa tin, 2 năm trước, Tập Cận Bình đặc biệt khảo sát tập đoàn nhà máy nước của thành phố Bắc Kinh. Ông Tập hỏi: “Nước này, chất lượng thế nào?”.
Chủ nhiệm trung tâm giám sát chất lượng nước là Lâm Ái Vũ đã giới thiệu, nói rằng máy móc thiết bị kiểm tra xử lý nước của nhà máy đều là hạng nhất, chất lượng nước phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng an toàn tại điều khoản 106 của quốc gia.
Tập Cận Bình lại hỏi: “Chất lượng nước của Bắc Kinh an toàn, thế còn tình hình giám sát chất lượng nước của những thành phố vừa và nhỏ khác thì thế nào?”.
Lâm Ái Vũ trả lời: “Các thành phố vừa và nhỏ khác cũng đều có thể đạt đến yêu cầu kiểm tra cơ bản dựa theo tiêu chuẩn quốc gia”.
Tháng 1/2013, một báo cáo đăng trên Tuần báo Nam Phương của Quảng Châu có đề cập đến vấn đề liên quan đến chất lượng nước của Bắc Kinh, rằng: “Chất lượng nước của Bắc Kinh ô nhiễm nghiêm trọng, chuyên gia chất lượng nước đã không uống nước máy trong 20 năm nay”.
Lý Khắc Cường thị sát Thành Đô, hàng hóa lương thực bỗng chốc rẻ đến bất ngờ
Trong khi giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu ồ ạt tăng giá, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có một lần đi thị sát khu chợ Thành Đô, thì giá cả của các mặt hàng thiết yếu bỗng rẻ đến bất ngờ, cây bông gạo và quả sơn trà mỗi cân chỉ có 3,5 đồng.
Cư dân mạng đã xôn xao lên tiếng, có người chế giễu, giá cả như vậy thì người dân chỉ có dập đầu thắp hương mong sao “Thủ tướng hãy ở lại Thành Đô”.
Có cư dân mạng nói rằng, “giới lãnh đạo quan chức nếu muốn làm giả thì nào có khó gì, chỉ cần viết thêm một dấu phẩy vào đó, ví như ngày thường là 35 đồng 1 cân thì hôm nay biến ‘hô biến’ một cái là thành 3,5 đồng 1 cân”.
Theo Secretchina