Vàng tìm được trong đất nhà mình, ai sở hữu?
TTO – “Nếu tìm được hũ vàng dưới đất nhà mình thì có thuộc sở hữu của tôi?” – nhiều bạn đọc thắc mắc trước chuyện tảng đá quý nặng 30 tấn đang bị tạm giữ.
Mới đây, Công an tỉnh Đắk Nông đã tạm giữ một tảng đá khoảng 18m3, nặng gần 30 tấn, ước tính có giá hàng chục tỉ đồng. Tảng đá được khai thác tại khu rẫy của ông Nguyễn Chí Thanh (ở thôn Nam Định, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil) khi ông này đang đào hồ lấy nước tưới cà phê. Tài sản trong đất mình là của mình? Nhiều bạn đọc băn khoăn, không biết xử trí thế nào trước việc nếu mình may mắn đào được đá quý. Bạn đọc Hai Nguyen nói: “Ai rành luật trả lời giúp mình với! Mình làm vườn mà đào được hũ vàng hay kim cương thì có bị tạm giữ?”. Chị Tú Phượng (Trường ĐH Sài Gòn) nói chị chưa hiểu mục đích của việc công an đến thu giữ tảng đá? >> Bạn Tú Phượng Chị Hiền (Q.6, TP.HCM) suy nghĩ: “Tài sản trên đất của mình, có sổ đỏ hẳn hoi, mình bỏ công tìm được thì là của mình chứ?”. >> Chị Hiền Tài nguyên trong lòng đất thuộc sở hữu nhà nước Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, các tài nguyên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Luật sư Nguyễn Văn Hậu – phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM – cho biết: “Để cụ thể hóa quy định này, tại điều 200 Bộ luật dân sự năm 2005 cũng nêu rõ tài nguyên trong lòng đất thuộc sở hữu nhà nước”. Luật sư Hậu khẳng định: “Tảng đá nặng gần 30 tấn này bị cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông tạm giữ là có cơ sở”. >> Luật sư Nguyễn Văn Hậu Tuy nhiên, tảng đá phải được cơ quan chuyên môn giám định xem có phải là đá quý hay bán quý và nằm trong danh mục cấm khai thác hay không. Luật sư Hậu cho biết thêm: “Đồng thời, cơ quan chức năng phải vào cuộc để xem xét hộ dân đào được tảng đá này là do vô tình hay cố ý không xin phép cơ quan chức năng để có hướng xử lý phù hợp”. >> Luật sư Nguyễn Văn Hậu Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp (văn phòng luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn luật sư TP.HCM), trong trường hợp này tảng đá cần được cơ quan có thẩm quyền giám định. Nếu không tạm giữ tảng đá sẽ có nguy cơ bị tẩu tán, không có cơ sở giám định, không biết xác định được có phải khoáng sản hay không nên việc tạm giữ là đúng với quy định của pháp luật. >> Luật sư Huỳnh Phước Hiệp Đảm bảo lợi ích của người dân Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết: “Theo điều 240 Bộ luật dân sự, việc xác lập quyền sở hữu với vật chôn giấu, chìm đắm mà không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ đi chi phí tìm kiếm, bảo quản sẽ được giải quyết theo hai hướng. Nếu vật tìm thấy là di tích lịch sử hoặc văn hóa thì người tìm thấy sẽ được thưởng theo quy định của pháp luật. Nếu vật không phải là di tích lịch sử, văn hóa mà có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy. Nếu vật có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu thì người tìm thấy sẽ được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định; phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước”. >> Luật sư Nguyễn Văn Hậu Quan trọng hơn hết, luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh: “Nếu như vô tình đào được tài nguyên, đá quý, của cải… thì người dân phải báo ngay cơ quan có thẩm quyền gần nhất như UBND xã, phường”. Cơ quan này sẽ lập biên bản để tạm giữ hoặc giao cho người dân tạm giữ vật tìm được. Sau đó, cơ quan này sẽ đem đi giám định, điều tra. >> Luật sư Nguyễn Văn Hậu
VÕ HƯƠNG – MẠNH KHANG – TÀI PHONG
|
Theo Tuổi Trẻ