Vàng, kim cương công đức xong phải được bán cho ngân hàng hoặc đấu giá
Bộ Tài chính đề xuất các khoản công đức bằng hiện vật như kim cương, đá quý, kim loại quý là vàng bạc hoặc các hiện vật có giá trị khác phải được bán cho ngân hàng hoặc các tổ chức đấu giá.
Chiều 25/3, hơn 1 năm sau khi nghị định 110 về quản lý và tổ chức lễ hội có hiệu lực, cuối cùng Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thu, chi tiền công đức, dâng cúng cho lễ hội và di tích.
Công đức trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách chuyển khoản
Theo đó, đối với các khoản dâng cúng, công đức và tài trợ bằng tiền, Bộ Tài chính quy định các tổ chức, cá nhân có thể công đức trực tiếp bằng tiền mặt hoặc gián tiếp bằng cách chuyển khoản.
Các cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, quản lý di tích do đó phải mở tài khoản để tiếp nhận số tiền công đức được chuyển khoản trên, đồng thời ghi chép đầy đủ, chính xác toàn bộ số tiền này vào sổ công đức.
Kim cương, đá quý sau khi công đức phải bán cho ngân hàng hoặc đấu giá
Riêng với các khoản công đức bằng hiện vật như kim cương, vàng bạc, đá quý… đơn vị tổ chức lễ hội và quản lý di tích phải bán cho ngân hàng thương mại hoặc tổ chức bán đấu giá. Số tiền thu được sau khi bán những hiện vật trên sẽ được ghi nhận như đối với khoản công đức bằng tiền.
Đối với các trường hợp công đức bằng công trình xây dựng, thiết bị máy móc… hoặc với các khoản công đức phi vật chất như ngày công lao động, chuyển giao công nghệ, quyền sử dụng đất… sẽ thực hiện tiếp nhận theo quy định của pháp luật và đều phải ghi vào sổ công đức.
Còn về việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội, đơn vị tổ chức lễ hội cần xây dựng phương án thu chi tài chính theo nguyên tắc tiền công đức là tự nguyện, công khai, minh bạch các khoản công đức và đặc biệt không tiếp nhận khoản công đức có mục tiêu…
Khi gửi hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội, các đơn vị tổ chức phải gửi kèm cả phương án thu chi tài chính để các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, chấp thuận theo quy định.
Việc sử dụng tiền, tài sản công đức cho công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội gồm hoạt động của Ban tổ chức lễ hội; trang trí khánh tiết, lắp đặt biển quảng bá và hướng dẫn khu vực lễ hội; các công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá lễ hội, di tích…
Còn về việc quản lý tiền, tài sản công đức cho di tích thì cơ quan, đơn vị quản lý di tích phải thành lập tổ tiếp nhận các khoản công đức. Các khoản công đức hàng năm phải được tổ tiếp nhận công bố thông tin công khai theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.
Tiền công đức được bồi dưỡng cho những người được trưng tập, phục vụ trực tiếp cho các hoạt động của di tích; công tác giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm tại di tích; chi phí hương hoa, lễ vật, phẩm vật, đèn nhang dâng cúng hàng ngày tại di tích…
Vũ Tuấn (t/h)