Văn hóa Thần truyền: Vẻ đẹp của đức khiêm tốn (P1)
Đường Nghiêu cầu người hiền, nhượng người hiền
Trong bài mở đầu cuốn “Nghiêu Điển – Thượng Thư” có mô tả Nghiêu Đức như sau: “Duẫn cung khắc nhượng, quang bị tứ biểu, cách vu thượng hạ. Khắc minh tuấn đức, dĩ thân cửu tộc. Bình chương bách tính, hiệp hòa vạn bang.” (Duẫn, cung, khắc, nhượng, được tứ phương ca ngợi, được lòng hết thảy trên dưới. Ước thúc đạo đức tốt đẹp, gần gũi cửu tộc. Bình ổn bách tính, hòa thuận vạn bang)
Duẫn, cung, khắc, nhượng tức là bốn đức tính thành tín, cung kính, thiện năng, khiêm nhường. Trong bốn loại mỹ đức này, đức tính khiêm tốn của Nghiêu đứng ở vị trí trung tâm, sau này hậu nhân gọi là Đạo. Trong cuốn “Nhượng Vương – Trang Tử” có ghi chép: Nghiêu trị vì vạn dân thiên hạ, khiến bốn phương thanh bình, ông tiến cử người hiền, tín nhiệm người tài, có thể gọi là nhân tài kiệt xuất. Nhưng ông vẫn cho rằng mình chưa đủ tài năng đức độ, chỉ lo mai một nhân tài, thường tự mình vào núi sâu rừng già tra xét cẩn thận, cầu người hiền học đạo, trước sau ông từng bốn lần nhượng lại ngôi thiên tử cho những nhân sỹ hữu đạo nổi tiếng là Phương Hồi, Thiện Quyển, Phi Y, Hứa Do.
Nghiêu từng nói: “Thiên hạ giả, công chi giả dã, phàm vi công giả, hiền giả vi tôn, nãi hành thiên hạ chi đại đạo dã. Mỗ đức bạc tài sơ, thâm khủng di ngộ thương sinh.” (Người trong thiên hạ, người vì việc công, phàm đều là người chí công vô tư, là bậc hiền giả đáng được suy tôn, là người thực thi đại đạo của thiên hạ. Ta đức mỏng tài mọn, chỉ lo phạm lỗi với chúng sinh). Các vị nhân sỹ hiền đức thấy Nghiêu khiêm nhường cung kính như vậy, vô cùng khâm phục mà rằng: “Ưu dân thâm thiết như tư, vô quái thần dân hô Nghiêu thiên dã.”(Một lòng lo cho dân như vậy, hèn chi thần dân tung hô là trời Nghiêu), đều khước từ chức vị đi ẩn cư.
Nghiêu còn bái Bồ Y, một đạo sỹ trứ danh làm thầy, vô cùng cung kính với thầy, luôn giữ lễ của một đệ tử, hướng mặt về phía Bắc mà cầu học. Sau này ông nhường ngôi cho Thuấn, một người tài đức vẹn toàn. Vương Dương Minh thời Minh nói: “Sở dĩ Nghiêu Thuấn có thể là thánh nhân, chính vì sự khiêm nhường đến cảnh giới chân thành nhất, cũng chính là ‘duẫn cung khắc nhượng, ôn cung duẫn tắc’. Cho nên đạo người quân tử chính là giỏi dùng đức khiêm nhường mà chiếu sáng người khác, khiêm nhường cung kính đãi người, trước nghĩ tới người, sau mới nghĩ tới mình.”