Valkyrie: Robot được NASA phát triển nhằm “dọn đường” cho con người tương lai tới sao Hỏa
Sau khi tham dự cuộc thi robot tìm kiếm cứu nạn do DARPA tổ chức vào năm ngoái, NASA tiếp tục phát triển Valkyrie thành một con robot có khả năng hoạt động độc lập, hướng tới hỗ trợ các phi hành gia trong các sứ mạng không gian, đi trên những chuyến du hành dài ngày trong vũ trụ và mục đích cuối cùng là gửi nó lên sao Hỏa để xây dựng cơ sở, căn cứ trên đó, dọn đường cho chuyến hạ cánh của con người trong tương lai.
Được phát triển dưới sự hợp tác của NASA, các trường đại học tại Massachusetts và Scotland, Valkyrie là một con robot nhân dạng cao 1,8 mét và nặng 136kg. Nó được thiết kế dựa trên hình tượng của một người phụ nữ, trên cơ thể tích hợp 4 camera và hơn 200 cảm biến, kết hợp với hệ thống máy tính giúp nó có thể xử lý được nhiều tác vụ khác nhau.
Nó có khả năng sử dụng công cụ như con người, thiết lập bản đồ đường đi và di chuyển an toàn trên địa hình nhiều đá nhờ sức mạnh của bộ phận đẩy thủy lực.
Thoạt nhìn, Valkyrie có tạo hình giống nhân vật Iron Man trong loạt phim siêu anh hùng của Marvel với vòng tròn phát sáng trên ngực. Phần khuôn mặt có tấm chắn hồng ngoại trong suốt chứa cảm biến LIDAR, liên tục quét xung quanh để phát hiện vật thể và chướng ngại.
Robot này có 2 “bộ não”, mỗi bộ chứa chip Intel Core i7 để xử lý dữ liệu đầu vào do cảm biến thu được. Hiện tại Valkyrie sử dụng năng lượng kết nối trực tiếp từ nguồn điện bên ngoài, tuy nhiên nó có thể hoạt động độc lập dựa vào pin đi kèm trong 1 giờ.
Một loạt máy ảnh và cảm biến được tích hợp vào các bộ phận của robot, bao gồm máy ảnh Multisense SL kết hợp laser, 3D stereo và quay video đặt trên đầu, cụm camera quan sát chướng ngại ở trước và sau, 38 cảm biến trên mỗi bàn tay giúp cử chỉ luôn linh hoạt và các khớp ngón tay co duỗi tự do 44 độ.
Quan trọng hơn, NASA cho biết mục đích tối thượng của dự án là gửi một đội Valkyrie lên sao Hỏa, tiến hành xây dựng các căn cứ, công trình và cơ sở, tạo điều kiện cho con người đặt chân định cư lên đó trong tương lai.
Theo khoahoc.tv