Ưu – nhược điểm của các phương thức bảo mật trên smartphone
Vấn đề bảo mật thiết bị luôn được các hãng smartphone và người dùng quan tâm. Vậy ở thời điểm hiện tại, những phương thức bảo mật trên smartphone có gì đặc biệt?
1. Mã PIN, Password và mẫu hình
Cách bảo mật này rất phổ biến cho người dùng smartphone đến thời điểm hiện tại, cũng là cách để có thể hỗ trợ những loại bảo mật khác với độ chính xác 100% chỉ bằng cách nhập chính xác mật khẩu hoặc vẽ đúng mẫu hình.
Các điện thoại ở hiện tại thì hầu hết đã có vân tay, chỉ có các dòng máy giá rẻ hay những sản phẩm tầm trung của Sony như Xperia XA1 Ultra thì chúng ta mới bắt buộc sử dụng loại bảo mật này.
Ưu điểm của loại bảo mật này đến từ độ sai lệch gần như rất ít, thân thiện và dễ sử dụng. Và một điều dễ nhận thấy nhất thì đây luôn là dạng mật khẩu dự phòng cho các loại bảo mật tân tiến hơn.
Tất nhiên loại bảo mật này cũng tồn đọng nhược điểm, điển hình là đối với những người có nhiều mật khẩu hoậc người lớn tuổi thì việc quên mật khẩu là chuyện không thể tránh khỏi. Tính bảo mật cao đồng nghĩa với việc sự tiện dụng thấp đi, vì khi ra ngoài thì bạn phải mất thời gian để nhập mật khẩu.
Chưa kể việc bấm nhầm hoặc sai mật khẩu nhiều lần có thể gây hiện tượng khóa máy tạm thời.
2. Bảo mật vân tay
Sau một thời gian dài sử dụng mật khẩu chữ số hoặc mẫu hình, bảo mật vân tay ra đời với mục đích tăng khả năng bảo vệ thông tin cũng như thiết bị của người dùng. Tới thời điểm hiện tại thì cách bảo mật này đang được cho là an toàn và tiện dụng nhất.
Từng xuất hiện từ những năm 2011 ở các smartphone nội địa Nhật Bản, thế nhưng cảm biến vân tay trên iPhone 5S mới thực sự là cú hích mạnh cho các smartphone thời bấy giờ về câu chuyện bảo mật. Điểm mạnh của hìn thức bảo mật này chính là đơn giản khi sử dụng, đơn giản và nhanh gọn hơn việc nhập password truyền thống, độ sai lệch tương đối thấp vì khả năng hai người giống dấu vân tay nhau là gần như rất ít.
Thế còn nhược điểm của loại bảo mật “phổ biến nhất” này là gì? Ắt hẳn ai từng dùng qua các thiết bị iPhone đều cảm thấy khá khó chịu trong việc mở khoá với ngón tay bị ướt hay mồ hôi tay. Hay thậm chí một vài mẫu máy tầm trung giá rẻ của Samsung, Oppo, … cũng không có được vân tay nhạy với những tình huống như thế.
Hay những khu vực lạnh phải sử dụng găng tay thì loại bảo mật này trở nên bất tiện hơn bao giờ hết. Tất nhiên chúng ta phải nhìn sang mặt tích cực là bảo mật vân tay ngày càng tân tiến hơn, cụ thể là dạng biến thế như vân tay một chạm, vân tay siêu âm trên các máy LG, HTC, Xiaomi, Huawei, … đều rất ấn tượng khi sử dụng mà không gặp phải bất cập gì.
Có thể nói trong suốt năm 2017, có thể là cả 2018, bảo mật vân tay luôn sẽ là một dạng bảo mật không thể thiếu cho bất kì chiếc smartphone dù flagship hay giá rẻ đi chăng nữa.
3. Khuôn mặt, Face ID
Bảo mật khuôn mặt không phải mới xuất hiện gần đây, mà đây là một tính năng bảo mật mặc định có từ khá lâu trên các máy Android. Nhưng ít được người dùng chú ý đến, do lúc ấy là thời điểm giao thoa giữa mở khoá truyền thống và bảo mật vân tay.
Dù có ưu điểm là tốc độ phản hồi nhanh gọn, loại bỏ nhược điểm sử dụng vân tay mùa lạnh hay ngón tay bị bẩn. Thế nhưng bảo mật khuôn mặt trên các máy Android chỉ đơn thuần là hình thức scan hình ảnh 2D nên rất dễ bị mở khoá nếu người khác có chủ đích, hay khó khăn trong việc mở khoá trong điều kiện thiếu sáng,…
Với Face ID của Apple đã khác và được nâng cấp lên khá nhiều, đã làm nên bộ nhận diện khuôn mặt (Face ID) rất tốt khi ra iPhone X. Bảo mật khuôn mặt thực sự rất hoàn hảo để bảo vệ thông tin cá nhân cũng như smartphone của mình, nhưng trong một vào trường hợp nhất định thì cách bảo mật này vẫn chưa thực sự chính xác.
Thế nhưng trong suốt thời gian qua, Face ID bị khá nhiều trường hợp người dùng sinh đôi, hay thậm chí là họ hàng với nhau, mặt nạ 3D, … đánh lừa khiến cho mức độ bảo mật của hình thức quét khuôn mặt hay các điểm trên gương mặt chưa thực sự chiếm được lòng tin người dùng như lời Tim Cook khẳng định.
4. Mống mắt
Đối với các phương thức nhận diện khuôn mặt thì mống mắt là cách bảo mật sinh trắc học chính xác và khó bị đánh cắp nhất, hiện tính năng này đang có mặt trên các dòng máy cao cấp như Note FE, Galaxy S8, Note 8 mà thôi.
Xuất hiện lần đầu vào năm 2015 với hình thức gần giống là quét võng mạc trên chiếc Lumia 950/950 XL, giới công nghệ sôi động hơn với một loạt các ưu điểm như tính bảo mật cực kì cao, cách thức đánh lừa hay qua mặt quét mống mất lẫn võng mạc đều rất hiếm, đơn giản khi sử dụng ở nhiều môi trường.
Và lí do khiến cho hình thức bảo mật mống mắt hay võng mạc chưa thực sự phổ biến đến từ bất cập của chính cách thức hoạt động cảm biến. Tất nhiên điều này đã được nhà sản xuất liệt kê trong quá trình cài đặt, thế nên những người cận thị sẽ xem đây là một khuyết điểm khi sử dụng bảo mật mống mắt.
5. Bảo mật vân tay trong màn hình
Sau khi tỉ lệ màn hình 18:9 đang là trào lưu trong giới smartphone hiện nay thì việc tiêu giảm nút home vật lý cũng là một nguyên nhân khiến cho bảo mật vân tay dưới màn hình ra đời nhằm cải thiện thiết kế lẫn độ tiện lợi cho người dùng.
Trong đó Vivo X20 Plus UD là chiếc smartphone đầu tiên sở hữu công nghệ này với độ sai lệch 1/50.000 lần và tốc độ nhận diện đến dưới 0.7 giây. Và đây cũng sẽ trở thành một trong những tính năng quan trọng và mạnh mẽ nhất của smartphone bắt đầu từ năm 2018.
Ngay từ những ngày xuất hiện tại CES 2018, Vivo X20 Plus UD gây ấn tượng với cách thức nhúng vân tay vào màn hình đơn giản và tiện lợi, các reviewer nước ngoài cũng nhận định đây là một bước đột phá mới, hứa hẹn mở ra nhiều ứng dụng hơn cho công nghệ này. Về cơ bản, trước mắt có thể thấy việc nhúng màn hình là cặp bài trùng cho các máy có màn hình 18:9, khi viền màn hình ngày càng mỏng cũng như biến mất nút vật lí.
Còn về nhược điểm ư? Có lẽ quá sớm để có nhận định về công nghệ này.
Kết
Với những phương thức bảo mật được áp dụng trên smartphone đến thời điểm hiện tại, ngoài những ưu, nhược điểm mà mình nêu trên, còn một phần lớn là do thói quen sử dụng của người dùng. Nếu bạn thích đơn giản và không quá cầu kì nhưng bảo mật cao thì chắc chắn, mã PIN hoặc mật khẩu sẽ làm bạn hài lòng. Còn với những bạn muốn sử dụng những tính năng mới của điện thoại thì vân tay, mống mắt hay khuôn mặt sẽ làm các bạn ấy thích thú.
Còn bạn thì sao? Loại mật khẩu nào bạn đang sử dụng hay bạn thích dùng nhất? Hãy cùng bình luận ngay phía bên dưới nhé.
Tuệ Tâm (t/h)