Ứng dụng “thông báo virus” của Hồng Kông bị nghi ngờ là dùng để theo dõi người dân
Mới đây, chính quyền Hồng Kông đã kêu gọi đầu tư để phát triển ứng dụng (App) “thông báo virus”, cho phép công dân quét “mã QR nơi chốn”, ghi lại những nơi họ đã đi qua, nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Có chuyên gia lo ngại rằng, ứng dụng này sẽ được dùng để giám sát hành tung của người dân.
Chính quyền Hồng Kông đang kêu gọi đầu tư để phát triển ứng dụng “thông báo virus”, ghi lại hành tung của công dân để ngăn chặn sự lây lan của virus, nhưng nó đã gây ra những mối lo ngại về việc giám sát người dân.
Tờ “Apple Daily” đưa tin, kênh truyền thông thân Bắc Kinh “Sing Tao Daily” vào ngày 14/8 đã dẫn thông tin nói rằng, đầu tuần trước chính phủ Hồng Kông đã gửi email chào thầu đến các nhà cung cấp CNTT và các trường đại học cụ thể, tìm kiếm các nhà thầu phát triển ứng dụng “thông báo virus”, đấu thầu sẽ kết thúc vào tuần này.
Hồ sơ mời thầu do Sở Y tế và Văn phòng Giám đốc thông tin Chính Phủ (OGCIO) cùng nhau phụ trách, yêu cầu nhà thầu xây dựng ứng dụng “Thông báo phơi nhiễm” (Exposure Notification), để công dân ở những nơi có nguy cơ cao quét “Mã QR nơi chốn” (Venue QR Code), ghi lại những địa điểm đã ghé thăm.
Một khi có người dùng được chẩn đoán là nhiễm virus, hệ thống có thể giúp xác định những người họ đã tiếp xúc và thông báo cho người dùng gần vị trí của người nhiễm để ngăn chặn sự lây lan của virus trong cộng đồng.
Tờ Sing Tao Daily cho biết, hệ thống này không phải là “mã sức khỏe” do phe thân Bắc Kinh đề xuất, sẽ không cưỡng chế công dân sử dụng. Dự kiến sẽ ra mắt sớm nhất trong tháng 8, đầu tiên sẽ khuyến khích lắp đặt ở trên taxi, trong bệnh viện, viện dưỡng lão, cơ quan chính phủ và các văn phòng v.v. những địa điểm có nguy cơ cao. Người dân có thể tự do tải xuống ứng dụng và quét mã QR trước khi vào cơ sở, nhưng chưa biết những người không muốn tải xuống có thể vào các cơ sở có liên quan hay không.
Bài báo cũng nói rằng, “mã QR nơi chốn” sẽ không lưu trữ số điện thoại và nơi ở, mà chỉ ghi lại các địa điểm được quét tự động bởi điện thoại của công dân. Một khi có người dùng được chẩn đoán nhiễm virus, anh ta có thể xem lại những địa điểm mình đã ghé thăm từ ứng dụng và thông báo cho Bộ Y tế;
Sau đó chính phủ sẽ thông qua ứng dụng, thông báo các địa điểm có dịch và những người dùng đã ở gần đó cùng lúc với người nghi nhiễm, thúc giục họ càng sớm càng tốt tiến hành xét nghiệm virus, nhấn mạnh rằng “nó sẽ không liên quan đến các vấn đề riêng tư như theo dõi nơi ở của công dân và lưu trữ dữ liệu v.v.”
Khi Giám đốc Thông tin của Văn phòng Chính phủ trả lời câu hỏi của “Apple Daily”, họ xác nhận rằng, từ sớm đã ban hành một văn kiện đấu thầu để yêu cầu sự hỗ trợ của các nhà đầu tư trong việc xây dựng một ứng dụng thông báo nguy cơ lây nhiễm, làm thử nghiệm quy mô nhỏ để các bộ phận có liên quan có thể kiểm tra tính khả thi và hiệu quả của nó. Đây chỉ là giai đoạn chứng nhận về khái niệm, có thực hiện hay không và thực hiện như thế nào thì còn phải xem kết quả thử nghiệm rồi mới cân nhắc.
Các trung tâm mua sắm và nhà hàng có thể sẽ buộc công dân phải sử dụng
Tuy nhiên, các chuyên gia CNTT lo ngại rằng, ứng dụng sẽ theo dõi hành tung của công dân dưới vỏ bọc ngụy trang. Phương Bảo Kiều (Francis Fong), chủ tịch danh dự của Liên Đoàn Công nghệ Thông tin Hồng Kông (HKITF), trong một cuộc phỏng vấn với “Apple Daily” và “Stand News” đã nói rằng, theo ông được biết, ứng dụng “Thông báo phơi nhiễm” do chính phủ lên kế hoạch về mặt khái niệm cũng giống như cột đèn thông minh, sử dụng các điểm mốc để cho công dân tự do quét QR Code.
Nhưng ông lo ngại rằng ứng dụng mới có thể sẽ phát triển thành phần mềm dạng “mã sức khỏe” ở bên trong, giống như “mã sức khỏe Ma Cao” ở Ma Cao, trở thành “mã sức khỏe Hồng Kông”, đánh dấu tình trạng sức khỏe của công dân bằng màu xanh, màu vàng và màu đỏ.
Phương Bảo Kiều nói, mã sức khỏe vốn chỉ thích hợp để làm thủ tục hải quan, nhưng không ít trung tâm mua sắm và nhà hàng ở Ma Cao yêu cầu công dân cho xem mã vạch mới có thể vào, dẫn đến “hiệu ứng gán nhãn”.
Ông cho rằng các cơ quan chức năng nên giải thích cụ thể về mối quan hệ giữa ứng dụng này và “mã sức khỏe” trước khi ban hành, đừng như bây giờ chỉ giải thích khi bị báo chí tiết lộ. Ông cũng lo lắng rằng ứng dụng này chắc chắn sẽ ghi lại tung tích của người dùng, khiến người dân bị chính quyền giám sát cả ngày dưới vỏ bọc đã được ngụy trang, không biết liệu họ có sử dụng với các mục đích khác trong tương lai hay không?
Ông cho rằng chính phủ cần giải thích với ngoại giới liệu ứng dụng có thu thập dữ liệu cá nhân hay không, bằng không, ứng dụng sẽ có thể giám sát cuộc sống của công dân giống như một “hệ thống tín dụng xã hội”.
Người dân lo lắng “mã sức khỏe” trở thành phần mềm giám sát số liệu trên diện rộng
Ngoài ra, nhiều đảng phái chính trị thân Bắc Kinh gần đây đã thúc giục chính quyền Hồng Kông thực hiện “mã sức khỏe”, điều này đã làm dấy lên lo ngại của người dân Hồng Kông về việc biến tướng của loại hình giám sát dữ liệu “hệ thống tín dụng xã hội” Trung Quốc.
Trang Facebook “Thư sinh bách dụng” (@makeinterestingreading) đã xem xét các mối đe dọa tiềm ẩn của “mã sức khỏe” đối với quyền tự do của người dân Hồng Kông, mô tả nó còn đáng sợ hơn so với “Luật An ninh Quốc gia”.
Trang Facebook này cho hay, “mã sức khỏe” từ sớm đã được thi hành ở Hàng Châu (Chiết Giang, Trung Quốc) vào tháng 3 năm nay và rất nhanh sẽ được thực hiện trên toàn quốc. Màu xanh lá cây đại biểu cho không hạn chế hành động, màu vàng yêu cầu cách ly 7 ngày tại nhà và màu đỏ bắt buộc phải cách ly trong 14 ngày.
“Ở Trung Quốc, nếu bạn không đưa ra được mã sức khỏe của mình, bạn sẽ không thể vào các địa điểm công cộng chính hay đi bất kỳ phương tiện giao thông công cộng nào, không thể đi làm, điều này tương đương với việc mất gần như tất cả các hoạt động hàng ngày của bạn… không có mã sức khỏe, bạn không thể ra vào trung tâm mua sắm, nhà hàng hoặc thậm chí không bắt được xe. Cực kỳ đáng sợ.” Trang Facebook này viết.
Trang Facebook cũng trích dẫn thông tin của các tờ “Financial Times” và “The New York Times” nói rằng, có những người Trung Quốc khỏe mạnh 100%, nhưng mã sức khỏe lại hiển thị là màu vàng thậm chí là màu đỏ, nên buộc phải cách ly trong thời gian dài, “gọi trời không nghe đất không thưa”.
Còn có một phóng viên, mã sức khỏe chuyển sang “màu vàng” mà không có lý do, không thể rời khỏi khách sạn trong một thời gian dài; ngay cả khi đã xét nghiệm virus và cách ly 14 ngày, khẳng định là người khỏe mạnh, anh ta vẫn bị yêu cầu cách ly. Người phóng viên bị “bỏ tù” mô tả lại là “sống trong địa ngục của số liệu”.
Đồng thời, “The New York Times” cũng đưa tin, Trung Quốc từng lộ ra vụ việc có dữ liệu cá nhân của người dùng bị liên kết trực tiếp với sở cảnh sát. Chỉ cần người đó sử dụng “mã sức khỏe” thì vị trí, thông tin cá nhân và hồ sơ truy cập trong quá khứ của anh ta liền được gửi đến máy chủ của cảnh sát. “Loại hoạt động này sẽ phá vỡ trật tự cuộc sống của toàn thành phố, là tương đương với việc đánh đồng xã hội của chính mình với chủ nghĩa toàn trị”.
Minh Huy (Theo Secretchina)