Ukraine lên kế hoạch tham gia EU 6 năm tới
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết ông sẽ đệ trình bản kế hoạch toàn diện về cải cách xã hội và kinh tế nhằm giúp Kiev đủ điều kiện gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trong 6 năm tới.
Quốc hội Ukraine hôm 16/9 đã phê chuẩn hiệp định thắt chặt quan hệ với EU, mặc dù các điều khoản thương mại quan trọng trong hiệp ước này đã bị trì hoãn thi hành tới tháng 1/2016 để tránh chọc giận Nga.
Moscow cho rằng thỏa thuận giữa Kiev và EU sẽ gây thiệt hại cho kinh tế Nga. Tổng thống Poroshenko nói rằng, đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng không có người thiệt mạng hay bị thương vì xung đột giữa quân đội chính phủ và phe ly khai miền đông suốt 24 giờ qua. Ông Poroshenko nhận định thỏa thuận ngừng bắn được hai bên ký kết hôm 5/9 “cuối cùng cũng phát huy tác dụng”.
Tôi sẽ trình bày quan điểm của mình về sự phát triển của Ukraine cũng như chiến lược từ nay cho tới năm 2020… Bản chiến lược bao gồm 60 chương trình cải cách riêng biệt, chuẩn bị cho kế hoạch gia nhập EU của Ukraine trong vòng 6 năm”, Reuters dẫn lời ông Poroshenko phát biểu trong buổi họp báo hôm Thứ Năm (25/9).
Hiện nay, ông Poroshenko đang nỗ lực đưa Ukraine vốn đang bị chia rẽ vì chiến tranh tham gia liên minh châu Âu bất chấp sự phản đối dữ dội từ Nga. Cả Kiev và các nước phương Tây ủng hộ Ukraine đều lên tiếng cáo buộc Moscow vận chuyển vũ khí cũng như viện trợ cho phe ly khai miền đông Ukraine trong cuộc chiến chống lại quân chính phủ, khiến hơn 3.000 người thiệt mạng.
Tất cả 28 thành viên EU và NATO cho biết họ chưa có kế hoạch đưa Kiev trở thành một thành viên của liên minh quân sự này. Ukraine ký vào thỏa thuận ngừng bắn sau những tổn thất nghiêm trọng trong cuộc chiến với phe ly khai được Nga chống lưng. Moscow phủ nhận việc gửi quân đến nước này và vũ trang cho quân nổi dậy bất chấp bằng chứng thuyết phục do phương Tây và chính quyền của ông Poroshenko đưa ra.
Các nhà phân tích nước ngoài và tại Ukraine nhận định, để đạt chuẩn gia nhập EU, Kiev cần tiến hành những cải cách chính trị và kinh tế toàn diện, hiệu quả nhằm cải thiện bộ máy tham nhũng, yếu kém mang tính kinh niên.
Việc lạm dụng chức quyền tại Ukraine đạt mức cao trào dưới thời cựu tổng thống thân Nga Viktor Yanukovich. Sau khi ông Yanukovich chạy trốn sang Nga hồi tháng 2 để tránh biểu tình đồng loạt tại Ukraine, Moscow đã lên án phương Tây tiến hành “cuộc đảo chính” này để chống lại Nga. Ngay sau đó Nga đã thôn tính bán đảo Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai tại miền Đông nhằm đấu tranh đòi Kiev cho tự trị. Chuỗi sự kiện biến mối quan hệ giữa phương Tây và Nga trở thành cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Mỹ và EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga còn Mosow cũng không ngừng đáp trả.
Bùi Hương, Hàn Mai – Theo Reuters