Tỷ phú Bloomberg đối mặt thách thức khi ‘ngáng đường’ TT Trump
Tỷ phú Bloomberg tuyên bố muốn “đánh bại Trump và tái thiết nước Mỹ”, nhưng chính sách cứng rắn khi điều hành thành phố New York và nhiều lần chuyển đảng có thể là thách thức và gây cản trở cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2020 của ông.
Chính sách không được lòng người da đen, da màu và người Hồi giáo
Tỷ phú truyền thông Mỹ Michael Bloomberg hôm 24/11 đã chính thức tranh cử tổng thống với tư cách là ứng viên đảng Dân chủ. Ông tuyên bố: “Tôi tham gia cuộc đua Tổng thống để đánh bại Donald Trump và tái thiết nước Mỹ. Chúng tôi không thể chịu đựng thêm 4 năm nữa với sự bất cẩn và các hành động vô nguyên tắc của Tổng thống Trump”.
Tuy nhiên, theo bình luận viên Dean Obeidallah của CNN, người từng sống tại New York dưới thời Bloomberg, tỷ phú này có thể là thị trưởng tuyệt vời đối với một số cư dân, nhưng không bao gồm người da đen, da màu và Hồi giáo. Những chính sách của ông dường như mang thông điệp ngầm rằng người theo đạo Hồi, da đen và gốc Latin không xứng đáng có các quyền công dân tương đương người New York.
Ông Obeidallah cho biết Bloomberg từng thực thi 2 chính sách có thể khiến các cử tri Dân chủ không bầu cho ông.
Đầu tiên, chiến dịch “ngăn chặn và lục soát” cho phép cảnh sát chặn đường người da đen và gốc Latin tại New York mà không cần lý do. Chính sách này phát triển từ quan điểm cứng rắn của cựu thị trưởng Rudy Giuliani về tội phạm, nhưng bị coi là phân biệt chủng tộc và vi hiến.
Theo số liệu của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), hơn 5 triệu vụ “ngăn chặn và lục soát” đã diễn ra trong thời gian Bloomberg giữ chức thị trưởng. “Nam giới da đen và gốc Latin trong độ tuổi 14-24 chỉ chiếm 4,7% dân số New York, nhưng là đối tượng trong 41% vụ chặn đường từ năm 2003 đến 2013″, báo cáo của ACLU cho hay, nói thêm rằng gần 90% thanh niên người da đen và Latin bị chặn lại vô tội.
Thứ hai, bình luận viên Obeidallah nhận định, Bloomberg còn bị cáo buộc phân biệt đối xử khi triển khai kế hoạch giám sát cộng đồng Hồi giáo ở thành phố New York.
Sau khi tỷ phú này bắt đầu lãnh đạo New York, các cảnh sát chìm đã theo dõi từng hoạt động của người Hồi giáo, từ việc ăn, cầu nguyện, mua sắm tới đi học, thậm chí thâm nhập vào các nhóm sinh viên Hồi giáo không chỉ ở New York mà khắp vùng Đông Bắc. Khi được hỏi liệu cảnh sát có đi quá xa hay không, Bloomberg đã trả lời “không”.
Ông David Birdsell, Trưởng khoa Quan hệ công chúng và quốc tế của trường đại học Baruch College nhận xét: “Quá trình 12 năm làm thị trưởng TP New York của Bloomberg với những quan điểm bị chỉ trích từ cả cánh tả (đảng Dân chủ) lẫn cánh hữu (đảng Cộng hòa) đang là những bất lợi cho ông Bloomberg”.
Khối tài sản khổng lồ cũng có thể trở thành thách thức chính trị
Với khối tài sản khoảng 54 tỷ USD, nhiều gấp 17 lần Tổng thống Trump, được tạp chí Forbes xếp hạng giàu thứ 8 tại Mỹ và thứ 17 thế giới, Bloomberg cho biết ông sẽ tự tài trợ cho chiến dịch của mình và không nhận bất cứ khoản đóng góp nào. Tỷ phú này đã rót 100 triệu USD vào các quảng cáo trực tuyến chống lại ông Trump và dường như đang cố thuyết phục người Mỹ rằng ông là ứng viên phù hợp nhất để đánh bại Tổng thống.
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Warren, ứng viên tổng thống được ủng hộ mạnh mẽ trong đảng Dân chủ nhờ kế hoạch chống Phố Wall, đã thường xuyên chỉ trích giới thượng lưu giàu có đang tác động quá nhiều tới chính trị. Thượng nghị sĩ Sanders cũng cáo buộc Bloomberg đang lên kế hoạch mua chuộc cuộc bầu cử.
“Tôi không hài lòng với ý tưởng rằng Michael Bloomberg hay bất cứ tỷ phú nào nghĩ họ có thể phá vỡ tiến trình chính trị và chi hàng chục triệu USD để mua chuộc cuộc bầu cử. Nếu không thể xây dựng nền tảng tranh cử thì đừng chạy đua tổng thống”, Sanders viết trên Twitter hôm 22/11.
Bloomberg còn được cho là người luôn kiên quyết bảo vệ Phố Wall, khiến cho điều kiện nhà ở và tình trạng vô gia cư tại New York trầm trọng hơn. Chiến dịch tranh cử của Bloomberg quảng bá ông là một tỷ phú tự thân, nhưng ông dường như không hề gần gũi với tầng lớp bình dân.
Nhiều lần chuyển đảng
Ông Bloomberg vốn là thành viên đảng Dân chủ, sau đó đăng ký chuyển sang đảng Cộng hòa vào năm 2001, dường như bởi nhận ra điều này giúp tăng cơ hội đắc cử thị trưởng New York. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã tìm cách bãi bỏ các cuộc bầu cử mang tính đảng phái trong thành phố. Tới năm 2007, trong nỗ lực tranh cử tổng thống lần đầu tiên của mình, Bloomberg lại từ bỏ phe Cộng hòa.
Tại Hội nghị Quốc gia của đảng Dân chủ hồi năm 2016, Bloomberg xuất hiện trong chiếc cà vạt màu tím, ám chỉ tính phi đảng phái, và tuyên bố ông “không phải thành viên của bất kỳ đảng nào“. Tuy nhiên, Bloomberg năm ngoái lại một lần nữa gia nhập đảng Dân chủ, trong khi lập trường của ông được cho là không phù hợp với cánh tả, ngoại trừ các vấn đề kiểm soát súng đạn và chống biến đổi khí hậu.
Theo nhà tư vấn chính trị Hank Sheinkopf, người từng làm việc trong chiến dịch tái tranh cử năm 1996 của cựu Tổng thống Bill Clinton, tỷ phú Bloomberg sẽ phải chịu thách thức từ đảng Dân chủ và Cộng hòa vì thiếu lòng trung thành.
Thiện Thành (t/h)