Tu sĩ vân du và những bí ẩn chưa từng tiết lộ về người ngoài hành tinh (P.2)
Người ngoài hành tinh có thực sự tồn tại hay không? Nếu tồn tại thì họ đang ở đâu? Hình dáng trông như thế nào? Đó là câu hỏi mà rất nhiều người mong tìm được lời giải đáp. Câu chuyện của vị tu sĩ vân du sau đây sẽ tiết lộ những bí ẩn khó tin về vấn đề này.
Tiếp theo phần 1.
Sau khi rời khỏi núi Võ Đang, tôi đang suy nghĩ một vấn đề, đến đâu để tìm được chân Pháp đây? Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã không còn linh nữa, Pháp của Tam Thanh trong Đạo gia cũng không còn linh nữa, không biết Pháp của Đại Thừa Phật giáo thì thế nào đây?
Theo quan điểm trong Tiểu Thừa Phật giáo của chúng tôi, Đại Thừa Phật giáo nên được coi là “phụ Phật ngoại đạo”, toàn bộ Pháp môn bên trong của họ, đều là các pháp môn ngoài Phật giáo. Ví như Tịnh Độ tông, họ niệm Phật hiệu của Phật A Di Đà, bèn có thể vãng sinh Tây Phương Cực Lạc, điều này hoàn toàn không có chút quan hệ gì với “Giới-Định-Huệ” mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền lại, không phải Pháp mà Phật Tổ truyền ra.
Còn ví như Mật tông, điều họ tu là “Thân-Khẩu-Ý”, còn có những điều như nam nữ song tu, vị Phật mà họ thờ phụng là Đại Nhật Như Lai, điều này hoàn toàn không có chút dính dáng gì với “Giới-Định-Huệ” cả. Đây khẳng định cũng là pháp môn bên ngoài Phật giáo.
Còn có Luật tông, chế định ra hơn 200 điều giới luật, rất nhiều giới luật đều không phải là Phật Tổ truyền lại, đây cũng là ngoại đạo vậy. Thiền tông thì càng không cần phải nói, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền Pháp suốt 49 năm, trước giờ chưa từng truyền thụ võ công cho tăng nhân, hơn nữa khi Đạt Ma sáng lập Thiền tông, Phật Thích Ca cũng đã Niết Bàn hơn 1.500 năm rồi, vậy nên Thiền tông càng là ngoại đạo.
Các Pháp môn khác bên ngoài Đại Thừa Phật giáo tôi không liệt kê thêm nữa, dù sao bất kể như thế nào, chúng đều là ngoại đạo, đều không có chút quan hệ gì với “Giới-Định-Huệ” của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Nhưng mà, Đức Phật xưa nay vẫn không hề nói “ngoại đạo” không phải là Phật Pháp, càng không có nói “ngoại đạo” chính là tà pháp. Tôi đột nhiên ngộ được, “Giới-Định-Huệ” mà Đức Phật truyền lại chỉ là một trong số tám vạn bốn nghìn Pháp môn, các pháp môn tu hành trong Đại Thừa Phật giáo cũng là Phật Pháp mà, nên chăng cũng là nằm trong tám vạn bốn nghìn pháp môn tu Phật, chẳng qua không phải là Pháp mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền lại mà thôi.
Pháp mà Đức Thích Ca Mâu Ni truyền lại, chẳng qua là Phật Pháp mà bản thân Ngài chứng ngộ được, chưa hẳn đã là toàn bộ của Phật Pháp. Hiện nay chính là thời kỳ Mạt Pháp, vạn ma loạn thế, yêu nghiệt hoành hành, người ngoài hành tinh đều đã đầy khắp đường phố, chỉ cần có thể khiến cho người ta tu thành chính quả, bản thân hà tất còn quản nó là ngoại đạo hay không để làm gì. Chính là cách nhìn như vậy, tôi chuẩn bị đi khảo sát bốn đạo trang lớn của Đại Thừa Phật giáo, cũng chính là tứ đại danh sơn của Phật giáo.
Tôi biết có rất nhiều người xem bài viết này đều đang cười, cũng có người thậm chí còn đang chửi rủa, họ căn bản không tin những gì tôi nói, đây đều là bình thường cả. Quá khứ có giảng không cười không đáng để coi là Đạo, hiện nay không chửi thì không xứng để lấy làm Đạo. Nhưng tôi xin nói với các vị rằng, Phật Pháp là hoàn toàn là chân thật chứ không phải là hư cấu, tôi xin đưa ra hai ví dụ, đảm bảo khiến cho hết thảy những người đang dùng cây gậy “mê tín” để đánh người đều phải im miệng. Một là Xá Lợi Tử, một cái khác chính là nhục thân của Bồ Tát.
Các vị chớ có nói Xá Lợi Tử là sỏi thận, tại sao chỉ có những cao tăng trong Phật môn hoặc những cư sĩ tín ngưỡng Phật sau khi hỏa táng mới có Xá Lợi Tử ? Thứ này vì sao lại không sợ bị lửa đốt? Rất nhiều nhà khoa học, họ đã nghiên cứu thành phần của Xá Lợi Tử nhiều năm như vậy rồi, tại sao đến nay vẫn không làm rõ được bí ẩn trong đó đây?
Sau khi cao tăng Phật môn Niết Bàn rồi nhục thân của họ không hề bị phân hủy, vậy giải thích thế nào đây? Các vị không cách nào giải thích được, đảm bảo là như vậy. Nhưng các vị sẽ cưỡng từ đoạt lý, ăn nói ngang ngạnh một hồi, tóm lại các vị sẽ không thừa nhận Thần Phật tồn tại.
Tôi ở đây muốn thiện ý nói với các vị rằng, có một cổ nhân, tên Phạm Chân, một học giả vô thần luận nổi tiếng, sau khi chết đã xuống địa ngục, trong địa ngục đã chịu khổ hình suốt cả nghìn năm, sau đó lại phải xuống luyện ngục, đó là nơi còn đáng sợ hơn cả địa ngục, đến tận bây giờ ông ta cũng còn chưa ra được, đoán chừng là vĩnh viễn không được siêu sinh. Đây là tình huống tôi nhìn thấy thông qua thiên nhãn, bản thân các vị cũng nên cẩn thận mới được.
Tôi không phải là đang gieo rắc hoang mang để hù dọa một ai, tôi chỉ đơn thuần là thiện ý nhắc nhở các vị, dẫu cho các vị không tin Thần Phật, thì cũng xin hãy tôn trọng tín ngưỡng và sinh mệnh của người khác. Các vị có thể tín ngưỡng vào khoa học của các vị, người khác họ cũng có thể tín ngưỡng vào Thần Phật của họ, hơn nữa người ta cũng không có cưỡng chế các vị phải như thế nào đó, đúng không?
Đối với những chuyện mà bản thân các vị còn chưa lý giải được, thì cũng đừng có tùy tiện mở miệng chửi bới, và cũng đừng có cười nhạo người ta. Thật ra các vị có chửi tôi, tôi căn bản cũng không quan tâm, cũng không để trong lòng, nhưng các vị lại không có cách nào gánh chịu tội nghiệp lớn như vậy, căn bản không thể gánh chịu được, tôi hoàn toàn là muốn tốt cho các vị.
Tôi còn biết, trong số những người đọc bài viết này có không ít người là cư sĩ Phật giáo, trong lòng còn có thiện niệm và Phật tính, đối với Phật Pháp cũng là tín tâm không chút nghi ngờ. Tôi cũng hy vọng các vị cũng chớ có chửi bới, cười nhạo người ta, tội nghiệp thật khó lường.
Ở đây, tôi không dám đi giải thích Phật Pháp, cũng không dám đặt định nghĩa cho Phật Pháp, tôi hy vọng các vị cũng chớ có làm như vậy. Một người bình thường, dưới sự thúc đẩy của cái tâm hiển thị bản thân mình, giải thích loạn cả kinh Phật, đàm luận lung tung về Phật Pháp, cũng là tạo nghiệp to lớn vô biên. Xin hãy nhớ lấy! Nhưng mà, ở đây tôi có thể kết hợp với những trải nghiệm của bản thân tôi, để nói với mọi người về chứng ngộ của tôi đối với Phật Pháp, hy vọng có thể có lợi ích đối với các vị.
Trung tuần tháng 4/1993, tôi dẫn theo hai người ngoài hành tinh này vân du đến Ngũ Đài sơn, tỉnh Sơn Tây, vốn là đạo tràng của Văn Thù Bồ Tát. Nhưng hiện nay chùa miếu trên núi rất nhiều, tông phái mọc lên như rừng, Thiền tông, Mật tông, Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông,… thảy đều có cả. Mục đích tôi đến Ngũ Đài sơn là khảo sát chùa Thanh Lương của Thiền tông. Hôm đó vừa sáng tôi khởi hành từ huyện thành Phồn Trĩ đi bộ lên trên Ngũ Đài sơn. Với tốc độ đi bộ của tôi, lộ trình không đến 50 cây số này trước khi trời tối thì có thể đến nơi, nhưng, trên đường đã gặp một chuyện, làm lỡ dở hành trình.
Lúc đó đã gần giữa trưa, tôi đi đến một thôn làng, đang chuẩn bị hóa duyên, lại gặp được một gia đình muốn giết chó. Đó là một con chó màu vàng bình thường, bị dây thừng trói chặt trên cây, trông rất tội nghiệp, thân hình nặng khoảng 20kg. Người chuẩn bị giết con chó ấy là một người đàn ông vạm vỡ khoảng chừng 40 tuổi, còn con chó đang chờ bị giết, chính là kẻ thù đã giết chết ông ta vào đời trước.
Điều này rất rõ ràng, đời trước tạo nghiệp, vậy nên đời này chuyển sinh thành súc vật để trả nợ, cũng phải chịu một đao như thế mới có thể hóa giải hết oán thù. Thông thường những chuyện như thế này tôi không muốn quản, không phải là tôi không từ bi, bởi vì đây là ân oán đời trước dẫn đến thì vốn là cần phải như vậy.
Tôi không quản, nhưng không có nghĩa là người khác cũng sẽ không quản. Khi người đàn ông vạm vỡ ấy treo ngược con chó lên, chuẩn bị dùng nước lạnh cắt chết con chó thì một bà lão xuất hiện, bà lão này ngỏ ý muốn bỏ ra một trăm đồng để mua lại con chó, tránh cho nó khỏi phải chịu cái khổ bị giết mổ.
Nào ngờ, người đàn ông đó sống chết cũng không đồng ý, cứ kiên quyết phải giết chết con chó này. Bà lão không từ bỏ, liền nâng giá cả lên, ra giá hai trăm đồng. Người đàn ông đó vẫn không động tâm, hơn nữa còn nói đây không phải là vấn đề tiền bạc, ông ta chính là muốn giết con chó này để ăn thịt, nếu không trong lòng thấy không thoải mái.
Bà lão vốn không giỏi ăn nói, không có cách nào để thuyết phục ông ta cả, chỉ không ngừng nâng giá lên cao mong sao có thể khiến cho người đàn ông kia động tâm. Cuối cùng bà lão đã đẩy giá lên đến một nghìn đồng. Ông ta cuối cùng mới đồng ý tha cho con chó, nhưng ông ta yêu cầu bà lão phải trả tiền mặt ngay tại chỗ.
Bà lão không nói thêm lời nào, lập tức trở về nhà mang tiền đến trả. Năm 1993, làng quê ở Sơn Tây vốn không giàu có gì, một nghìn đồng vào thời đó vốn không phải là một con số nhỏ. Trong toàn bộ quá trình bà lão giải cứu con chó, tôi đã nhìn thấy tấm lòng lương thiện của bà, đó thật giống như ánh vàng kim lóe sáng vậy.
Sau khi cứu con chó xong, bà lão dẫn con chó đến ngoài làng phóng sinh, muốn để cho con chó tự sinh tự diệt. Lúc này tôi đã ngăn bà ấy lại, tôi nói với bà rằng chớ có làm như vậy, hy vọng bà có thể dắt con chó về nhà nuôi dưỡng, mãi cho đến khi con chó này chết mới thôi.
Tại sao tôi lại phải khuyên bà lão như vậy, bởi vì sinh mệnh của con chó vốn dĩ đã kết thúc rồi, chính là phải chết rồi, bởi vì vận mệnh của nó chính là được an bài như vậy. Nhưng mà, bởi sự can thiệp của bà lão, khiến cho nó không chết được, như vậy bà lão cần phải chịu trách nhiệm với tiến trình sinh mệnh còn lại của nó. Nếu không, bất kỳ nghiệp tội nào mà con chó tạo nên về sau đều sẽ tính lên thân của bà lão. Ví như, con chó cắn người, ăn trộm đồ của người khác, hoặc làm tổn hại tính mệnh của những động vật khác, những nghiệp tội này đều sẽ ghi lên người của bà lão.
Có câu nói rằng làm người tốt thì cần làm đến cùng, tiễn Phật tiễn đến tận Tây Thiên. Những người thông thường không cách nào lý giải được hàm nghĩa chân chính trong đó, đây thật ra chính là nói, các vị làm việc tốt, cần phải làm đến nơi đến chốn, phải phụ trách tới cùng, nếu không việc thiện đó bạn làm được một nửa rồi không quản nữa, kết quả sau cùng rất có khả năng sẽ trở thành chuyện xấu, trái lại sẽ tăng thêm nghiệp tội của các vị.
Hiện nay có rất nhiều người gọi là tín Phật, mỗi năm làm phóng sinh, nói là tích công đức được phúc báo, tôi thấy rất khó. Tại sao lại như vậy, ví như có một người, anh ta thả một con cá lóc vào hồ để phóng sinh, anh ta nói mình đã tích công đức rồi. Tôi nói anh ta cũng có thể tích chút công đức, nhưng như vậy những nghiệp tội mang đến có thể càng lớn hơn.
Các vị thử nghĩ xem, con cá lóc đó nó sẽ không ăn sạch hết những con cá nhỏ trong hồ hay sao, nếu so với việc thả hồ về rừng nào có khác gì đâu? Hành thiện, nhất định cần phải làm một cách lý tính có trí huệ mới được, cần phải cân nhắc đến hậu quả, phải lượng sức mà làm. Chúng ta không thể muốn làm thế nào thì liền làm thế nấy, nếu không thì chính là tự gạt mình dối người mà thôi.
Nhiều người có thể nghi vấn, nếu như sinh mệnh của con chó kia đã chấm hết rồi, thì cớ sao sau khi bà lão cứu nó, nó lại không lập tức ngã lăn ra mà chết ngay đi? Phàm là gặp phải những sự tình như vậy, Thần vì để bảo vệ thiện niệm của người ta, sẽ kéo dài một đoạn thời gian sinh mệnh cho con chó, nhưng sẽ không dài quá. Nếu không, vừa cứu một sinh mệnh thoát khỏi lưỡi đao, nháy mắt một cái đã ngã lăn ra chết, thử hỏi về sau còn ai nguyện ý làm việc tốt nữa đây?
Về sau bà lão đã nghe theo lời kiến nghị của tôi, dẫn con chó về nhà nuôi dưỡng. Một việc thiện này của bà lão có thể nói là công đức vô lượng, thông qua nỗ lực và phó xuất của bà đã thiện giải một đoạn oan nghiệt, giảm đi một trường giết chóc. Đây chính là Phật tính lóe sáng, là một mặt đáng quý nhất của con người. Nếu như ai ai cũng đều có tấm lòng lương thiện như bà lão, vậy thiên hạ đại trị, Thần Phật cũng sẽ không buông bỏ thế gian này.
(Xem tiếp phần 3)
Tiểu Thiện (Theo Qi-gong.me)
* Bài viết thể hiện thể ngộ của một người tu luyện, không nhất thiết bày tỏ quan điểm của Tinhhoa.net.