Từ năm 2020: Muốn mua thuốc kháng sinh cần phải có đơn thuốc
Mới đây, Bộ Y tế thực hiện đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020”, theo đó, 100% thuốc kháng sinh được bán ra tại các quầy thuốc, nhà thuốc cần phải có đơn thuốc từ năm 2020.
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: “Mua bán thuốc kháng sinh ở Việt Nam phải nói là vô cùng mất trật tự. Bệnh một tí là cho sử dụng thuốc kháng sinh, cả kháng sinh mạnh, thế hệ mới là điều đáng lo, dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Khi đó người ta phải dùng kháng sinh mới hơn hoặc dùng lại kháng sinh cũ nhưng với liều rất cao gây nguy hiểm cho cơ thể. Vấn đề kháng thuốc xảy ra thường xuyên, có loại chỉ mới sử dụng khoảng một tháng đã xuất hiện dòng vi trùng kháng kháng sinh”.
Bộ Y tế cho hay, tình trạng lạm dụng kê đơn thuốc, kê đơn không hợp lý và bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc đã gây ra những tác hại nặng nề đối với xã hội, đặc biệt là tình trạng lạm dụng kê đơn thuốc kháng sinh và sử dụng thuốc kháng sinh khi không có đơn của thầy thuốc là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
Theo đó, tại Việt Nam có tới 88% thuốc kháng sinh ở thành thị bán không cần đơn, con số này ở nông thôn lên tới 91%. Đáng lưu ý, càng ở BV tuyến dưới, tỉ lệ sử dụng thuốc kháng sinh càng cao.
Để kiểm soát tình trạng bán thuốc không kê đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh, ngày 07/9/2017, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4041/QĐ-BYT “Phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020”, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trọng tâm là kháng sinh qua đó góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý.
Theo đề án, đến năm 2020, đạt 100 % kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và đạt 80 % đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác.
Đồng thời, năm 2020, kê đơn thuốc tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh trong các bệnh lý nhiễm trùng đạt 90% đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và 70 % đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác.
Ngoài ra, năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.
Để thực hiện đề án này, trong giai đoạn 2017-2018, đề án đã thực hiện thí điểm tại 4 tỉnh Nam Định, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Cần Thơ, sau đó sẽ được đồng bộ trên toàn quốc.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay: “Còn nhiều bác sĩ có thói quen kê đơn “thừa hơn thiếu”, kê thuốc bao vây, lạm dụng các kháng sinh phổ rộng, thế hệ mới, đắt tiền. Thống kê cho thấy kháng sinh chiếm 17% tổng chi phí điều trị, chúng ta đã dùng kháng sinh thế hệ 3, 4 trong khi các nước phát triển vẫn dùng thế hệ 1. Hơn nữa, tình trạng nhiễm khuẩn BV cũng rất đáng báo động. Nguyên nhân thứ hai là người dân còn thói quen tự mua thuốc tại nhà thuốc mà không cần đơn bác sĩ (khoảng 90%)”.
Bên cạnh đó, chất lượng kháng sinh nếu không bảo đảm cũng khiến vi khuẩn đề kháng (lờn thuốc). Các vi phạm thường gặp nhất là hàm lượng hoạt chất thiếu hụt, hoặc chất lượng nguồn nguyên liệu.
Từ Nguyên (t/h)