Từ năm 1933, đảng tính đã nhiễm vào người dân Đức như thế nào
Hitler và đảng Nazi đã làm gì để toàn nước Đức gần như đã “đồng lòng nhất trí” bước vào các cuộc chinh phạt đã làm máu đỏ nhuộm cả châu Âu, đi kèm với nó là các thảm họa nhân đạo như cuộc thảm sát những người Do Thái?
Có nhiều ý kiến cho rằng tài năng lãnh đạo của Hitler trong các hoạt động xây dựng kinh tế đã thuyết phục được người Đức, hay những người Đức bị tổn thương sau Thế chiến I muốn phục thù và lấy lại lòng tin v.v. Thực tế là, Nazi đã tiến hành loạt hành động có hệ thống để tiêm nhiễm “đảng tính” vào những người dân Đức, biến họ thành những “người máy” có cùng cách suy nghĩ hoặc luôn ở trong trạng thái mơ hồ về tinh thần, từ đó Hitler dễ dàng điều khiển họ.
Đảng tính là gì?
Con người khi sinh ra luôn có “nhân tính”, có cảm xúc vui buồn, có ưu có khuyết. Tuy nhiên, con người cũng luôn có xu hướng tự nhận thức để bỏ cái sai, tìm đến cái đúng, bỏ cái ác và theo cái thiện. Xã hội luôn có những cuộc vận động và có khả năng những quan điểm mới ra đời để thách thức các quan điểm cũ. Tuy nhiên, con người với “nhân tính” của mình, sẽ phản biện và lập luận tính hợp lý của các quan điểm để đưa ra quyết định phù hợp. Giết người là sai, bạo lực với người khác là sai, cướp bóc và đoạt lấy những thứ không phải của mình là sai, v.v.
Tuy nhiên, khi họ nhiễm “đảng tính” thì họ hoàn toàn tư duy theo cách thức mà số đông khác cũng nhiễm đảng tính suy nghĩ. Họ biến thành một quân trong số các đô-mi-nô lan truyền mà bất cứ một chỉ thị nào được phát ra từ con đô-mi-nô đầu hàng đều sẽ được các quân sau đó đồng điệu và chấp hành tuyệt đối. Giết người là sai, nhưng giết người trong nhóm người được đảng chỉ định thì là đúng. Bạo lực với người khác là sai, nhưng đánh người mà đảng cho là kẻ thù thì được phép. Họ có thể hành động mà không cần suy nghĩ đến những lý do đưa ra có hợp lý hay không. Họ chỉ biết mơ hồ là ở đâu đó có một người hoặc một nhóm người có quyền lực đã đưa ra những chỉ thị đó. Đảng tính không đơn thuần chỉ là sự ủng hộ cho một loại quan điểm, mà là sự làm theo vô điều kiện, vô thức và tự nguyện các chỉ thị mơ hồ mà không có phản biện.
Cưỡng ép thu nạp đảng tính bằng truyền thông một chiều
Thông qua hệ thống cảnh sát do các thành viên cốt cán và sùng tín nhất của Đảng Quốc Xã kiểm soát, Hitler đã nhanh chóng thành công trong việc loại bỏ các hãng báo chí và truyền thanh có ý kiến trái chiều hoặc dám bình luận về các chính sách của chính quyền.
Năng lực sử dụng ngôn từ, hình ảnh và biểu tượng cũng được Joseph Goebbels, Bộ trưởng bộ Khai sáng và Tuyên truyền, sử dụng triệt để. Báo chí được Đảng Quốc Xã hậu thuẫn hoặc trực tiếp kiểm soát thường xuyên sử dụng các khẩu hiệu chữ lớn chỉ để nhắc đến các thành công được phóng đại của Đảng hoặc Hitler. Đồng thời, đài radio cũng được bán với giá rẻ và các kênh truyền thanh bắt đầu phủ kín sóng của mình bằng các chương trình ca ngợi chính quyền. Sách vở về các tư tưởng của Nazi được xuất bản với số lượng nhiều hơn và liên tục hơn, thậm chí còn cưỡng ép các nhân viên nhà nước phải đọc.
Con người không dễ dàng để tự mình có thể “lật đi lật lại” một vấn đề. Chính vì vậy, mọi người luôn cần nghe những ý kiến khác nhau của những người khác nhau để tham khảo. Các kênh truyền thông với nhiều loại quan điểm khác nhau chính là nơi đầu tiên mà mọi người có thể dễ dàng tìm đến. Tuy nhiên, dưới sự cầm quyền của Hitler, những gì người dân Đức nghe thấy đều là những ý kiến ủng hộ và ca ngợi các tư tưởng của Đảng Quốc Xã. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận những ý kiến này và nó đã gieo mầm đảng tính đầu tiên vào họ.
Không thể từ chối đảng tính do sợ mất các lợi ích kinh tế
Bên cạnh đó, Đảng Quốc Xã đã nhanh chóng biến hàng loạt tổ chức nghề nghiệp thành các cánh tay nối dài của Đảng bằng cách đổi tên, thay người quản lý hay thành lập mới các tổ chức như Hội Luật sư Quốc gia Xã hội Đức, Hội Giáo viên Quốc gia Xã hội Đức, v.v. Mục đích là để bủa vây các ngành nghề trong mạng lưới tư tưởng mang đảng tính. Luật sư có thể biện hộ mọi phiên xét xử theo hiến pháp và pháp luật Đức, nhưng nếu người đó dám biện hộ cho một người Do Thái hay người gypsie dựa trên pháp luật, họ sẽ bị cảnh cáo hoặc lập tức khai trừ khỏi Hội.
Mất việc đồng nghĩa với không có miếng ăn, những người vốn là những người trí thức nhất, có khả năng phản biện và lý luận hợp lý nhất về đúng-sai, thiện-ác, cũng tự nguyện tuân theo các sắp xếp mà họ cho rằng sẽ an toàn cho việc làm của họ. Khi không dám từ chối, họ đã tự nguyện mang đảng tính này lên người và để cho nó kiểm soát tư duy của mình.
Đảng tính được trộn khéo léo vào trong các tôn giáo
Người Đức vốn sùng đạo, 66% dân số Đức theo đạo Tin Lành và 33% dân số là người Thiên Chúa Giáo. Thật khó để có thể nói với những người sùng đạo rằng họ cần ủng hộ cho việc giết hại dã man một nhóm người nhỏ lẻ mà họ đã chung sống trong hàng trăm năm, cũng như ủng hộ các tư tưởng cực đoan dựa trên thuyết tiến hóa báng bổ thần thánh. Biết như vậy nên Hitler nhanh chóng tìm cách phá hủy hệ thống Thiên Chúa Giáo từ bên trong.
Nhà thờ vốn là một tổ chức tôn giáo, không hề liên quan đến tư tưởng của chính quyền, và nếu xét về mặt hệ thống quản lý, sẽ chịu ảnh hưởng của Vatican. Việc có một tổ chức nhiều người tham gia như vậy không nằm dưới hệ thống toàn trị của Nazi đối với Hitler là việc không được phép.
Nazi nhanh chóng thúc đẩy việc xây dựng một hệ thống “nhà thờ quốc gia”, chịu sự quản lý của nhà nước. Một mặt, các mục sư kiên trì quan điểm tôn giáo nằm ngoài chính trị sẽ bị bí mật thủ tiêu hoặc đưa vào các trại lao động. Một mặt khác, Đảng Quốc Xã ra sức ủng hộ các mục sư chịu thỏa hiệp về quyền lực tuyệt đối của Nazi, hoặc đưa ra các ý kiến giải thích Kinh Thánh phù hợp với tư tưởng của Nazi. Các mục sư sau khi thỏa hiệp thậm chí đã đưa ra các kiến giải như, tôn giáo không đi kèm với lòng yêu nước (tư tưởng “Aryan thượng đẳng” cực đoan) là không còn phù hợp với thời đại v.v.
Người dân vốn quen với các sinh hoạt tôn giáo, nay được gieo vào đầu các lý giải mơ hồ và lòng vòng đã dần dần chấp nhận việc suy nghĩ theo các tư tưởng của Nazi cũng là một phần của hoạt động tôn giáo.
Làm nhầm lẫn có lòng yêu nước với việc có đảng tính
Hitler và Joseph Goebbels, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền của Đức nắm rõ cách sử dụng việc đánh tráo khái niệm để người dân Đức nhanh chóng gắn liền “quốc gia” với Đảng Quốc Xã. Các poster tuyên truyền nói về việc làm nước Đức vững mạnh trở lại luôn gắn kèm các biểu tượng, đồng phục của Đảng Quốc Xã hoặc chính hình ảnh của Hitler.
Bên cạnh đó, Hitler liên tục sử dụng lực lượng cảnh sát để trấn áp những người chống đối và vu cho họ “phản động” hay “phản quốc”. Trong một môi trường tràn ngập truyền thông một chiều, người dân nhanh chóng bị nhầm lẫn việc “có ý kiến khác với Đảng Quốc Xã” với việc “chống phá nước Đức”. Họ hoàn toàn để ý thức của mình cho Đảng Quốc Xã tự do dẫn dắt và cùng với việc phát triển tình cảm yêu nước, họ tôn thờ và bảo vệ mọi quyết sách của Hitler một cách vô điều kiện. Hay nói cách khác, đảng tính của Đảng Quốc Xã đã hoàn toàn khống chế cả những người dân bình thường, cho dù họ không phải là một thành viên chính thức sinh hoạt trong đảng.
Làm cho trẻ em vui vẻ thu nhận đảng tính
Từng trải qua một thời gian được phép tự do tư tưởng dưới chính quyền Cộng hòa Weimar, những người lớn còn khó mà nhận ra được các thủ đoạn tẩy não khéo léo của chính quyền, huống hồ là những đứa trẻ lớn lên dưới sự cai trị của Hitler. Thậm chí những đứa trẻ này còn bị tẩy não đến mức mù quáng hơn cha mẹ chúng nhiều.
Đảng Quốc Xã đã thành lập đội Thiếu Niên Hitler (Hitler Youth) để các thanh, thiếu niên người Đức sinh hoạt. Trong tổ chức này, các lớp học về tư tưởng cực đoan “người Aryan thượng đẳng” và tôn thờ Hitler được lồng ghép khéo léo vào các trò chơi tập thể. Những đứa trẻ ngây thơ vui vẻ chơi đùa trong các trò chơi và học tập. Tuy nhiên, những đứa trẻ đạt thành tích cao sẽ được thưởng các giải thưởng đặc biệt của Đảng Quốc Xã hay của Hitler. Những đứa trẻ có thành tích cao nhất sẽ được vinh dự mặc bộ đồng phục màu nâu, đeo cà vạt đen của Đảng Quốc Xã thiết kế dành cho trẻ em. Những đứa trẻ này lớn dần lên và thấm nhuần suy nghĩ rằng “càng thể hiện đảng tính thì càng thành công”.
Khi quân Đồng Minh tiến quân vào Berlin, đội Thiếu Niên Hitler này ở Berlin chính là những người triệt để nhất trong việc bảo vệ chế độ Nazi đến tận cùng. Gần như toàn bộ bọn họ đều bị giết chết trong trận đánh cuối.
Không khí khủng bố khiến mọi người cố gắng thể hiện đảng tính trong đời sống
Sau khi những người dân đã bị các hoạt động cưỡng ép về mặt tư tưởng làm cho hoàn toàn mơ hồ, họ lại bị bồi thêm một đòn cuối: khủng bố bạo lực hoặc tinh thần. Các lớp học tư tưởng và trại lao động được mở ra không phải chỉ dành cho những người Do Thái mà cho cả những người Đức. Người dân sẽ đột nhiên thấy một người hàng xóm nào đó biến mất. Sau đó, họ sẽ được nghe phong thanh rằng có “một người nào đó” đã tố cáo người hàng xóm vì dám đưa ra ý kiến phản đối một chính sách mới của chính quyền và người hàng xóm đã bị đưa đến “một trại lao động nào đó”.
Khi người dân bỗng thấy rằng bất cứ ai xung quanh cũng đều là đối tượng cần cảnh giác, họ gồng mình lên, cố gắng chỉ nói những điều tốt đẹp về chính quyền.
Hitler đã thành công như thế nào
Hitler đã hoàn toàn thành công trong việc kiểm soát tuyệt đối tư duy của mọi người dân. Nó không phải chỉ thể hiện trong việc toàn nước Đức đã biến thành một cỗ máy dám thực hiện cả những điều tàn ác nhất trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Nó còn biểu hiện ra trong mọi mặt của cuộc sống bình thường khi mà người dân tự giác tự kiểm duyệt tư tưởng của bản thân một cách tuyệt đối. Mọi người luôn tự nhắc nhở bản thân và người thân về việc không được nói ra các ý kiến trái với Nazi. Thậm chí, cho dù giữa những người bạn bè thân thiết hay các nhóm có trí thức, họ đều chỉ nói chuyện về các nội dung bông phạt, mơ hồ chứ không hề dám nói về các chính sách của chính quyền.
Đến khi Thế chiến thứ Hai kết thúc, nhờ sự can thiệp từ bên ngoài, người dân Đức mới được giải thoát khỏi đảng tính để có thể bình tĩnh nhận ra mình đã bị tẩy não toàn diện bởi một nhóm độc tài như thế nào. Chính vì thế, các tiêu chuẩn về nhân quyền và dân chủ luôn được đề cao trong hiến pháp của nước Cộng hòa liên bang Đức mới. Người dân Đức đã thực sự nhận ra nhân tính mới chính là điều tạo nên một xã hội tốt đẹp.
>>> Vì sao người yêu nước chân chính dưới thời Hitler lại bị coi là “phần tử phản động”?
>>> Những sự thật ít ai biết về Adolf Hitler
Theo Trithucvn