Từ 1/1/2020: Cấm ép uống rượu, bia; người đi xe đạp có chứa cồn sẽ bị phạt 600.000 đồng
Luật phòng chống tác hại của rượu bia sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 tới đây. Theo đó, người điều khiển phương tiện chỉ cần có nồng độ cồn sẽ bị phạt từ 80.000 – 100.000 đồng. Nếu trong máu có nồng độ cồn tối đa là 80 mg/100ml máu, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng.
Tại hội nghị triển khai Luật phòng chống tác hại của rượu bia (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020) diễn ra vào ngày 16/10 tại Hà Nội, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết: Cấm ép uống rượu, bia, chế tài đối vi phạm nồng độ cho tất cả các phương tiện đường bộ bao gồm cả xe đạp, xe thô sơ đã được đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông, theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt đối với lái xe vi phạm về ma tuý, nồng độ cồn và các hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông.
Đây là nội dung được đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt. Theo đó, người điều khiển phương tiện chỉ cần có nồng độ cồn sẽ bị phạt từ 80.000 – 100.000 đồng. Nếu trong máu có nồng độ cồn tối đa là 80 mg/100ml máu, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng.
Bên cạnh đó, mức phạt đối với người điều khiển xe chuyên dụng (xe lu, ủi, cẩu…) trước đây rất thấp, nay có thể bị phạt tối đa 18 triệu đồng.
“Trong quá trình xây dựng chế tài này có nhiều ý kiến khác nhau và có ý kiến lo ngại rằng chủ phương tiện sẽ bỏ xe để không nộp phạt, tuy nhiên tới đây chúng tôi sẽ điều chỉnh cả những quy định về cưỡng chế về thi hành Luật xử phạt vi phạm hành chính xử phạt. Hiện Bộ Tư pháp đã có dự thảo gửi Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành khoản 4 điều 30 Bộ luật hình sự về chế tài hình sự đối với một số hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông mà uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông có nguy cơ gây chết người và chết nhiều người. Trước đây quy định còn chung chung, tới đây sẽ có hướng dẫn cụ thể. Chúng tôi sẽ đề nghị cũng người vi phạm có nồng độ còn từ 120 mg/100 ml máu vào khung đó để xử phạt mặc dù chưa gây tai nạn giao thông. Việc sửa đổi các quy định pháp luật đã được chuẩn bị và chắc chắn năm 2020 sẽ ban hành hai văn bản quan trọng nói trên” – ông Hùng cho biết.
Ông Ki Dong Park – trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam – cho biết kinh nghiệm của các nước đã thành công trong hạn chế tác hại của rượu bia bao gồm chính sách hạn chế quảng cáo, hạn chế tính sẵn có của rượu bia và ngưng bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi (có quốc gia cấm bán rượu bia cho người dưới 21 tuổi).
Ông Park chia sẻ, Luật phòng chống tác hại của rượu bia đã có một số quy định áp dụng các kinh nghiệm này. Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, tại Thái Lan sau khi luật về rượu bia ban hành năm 2008, tỷ lệ người Thái trên 15 tuổi sử dụng rượu bia ở mức nguy hại đã giảm 20% so với năm 2003-2004.
Thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy mỗi ngày tai nạn giao thông đã lấy đi 21 sinh mạng và làm gần 40 người bị thương tật vĩnh viễn suốt đời, mang đến những nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình, người thân và cộng đồng. Đơn vị này cũng chỉ ra 70% người dân sau khi uống rượu bia vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông. Đây cũng là nguyên nhân khiến số người chết và bị thương trong các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vì bia rượu vẫn còn chiếm tỉ lệ hàng đầu; đồng thời thể hiện sự thiếu hiệu quả trong công tác kiểm tra xử lý của các lực lượng chức năng.
Hà My (t/h)