Truyền thuyết cây lúa mạch: Khi nhân loại không còn thiện niệm thì tai họa sẽ bắt đầu
Truyền thuyết kể rằng, vào thời viễn cổ cuộc sống của người dân đã vô cùng sung túc, nhưng bởi vì thiện niệm của con người càng ngày càng ít, nên thiên thượng mới thu hồi phúc phận của nhân loại, để con người phải chịu thêm nhiều vất vả.
Tương truyền, vào thuở sơ khai của nhân loại, cuộc sống của con người đã vô cùng sung túc, một nguyên nhân chính là do sản lượng ngũ cốc đặc biệt cao, mỗi hạt ngũ cốc đều rất lớn, nhất là lúa mạch, mỗi bông lúa lại to lớn như một cây lúa mạch bây giờ.
Thế nhưng rất nhiều năm sau đó, con người ở trong mê ngày càng truy cầu lợi dục, trở nên tham lam và tranh đấu, thiện tâm của con người cũng càng ngày càng ít, càng ngày càng nhỏ.
Thiên thượng thấy được tình huống này, vì để khiến nhân loại tỉnh ngộ, trở về với bản tính nguyên thủy của mình, liền phái một số vị thần giáng hạ xuống thế gian, biến hóa thành các hình tượng khác nhau, đi khắp thế giới để thực hiện sứ mệnh của mình.
Năm đó đúng vào mùa giáp hạt, khi những ruộng lúa mạch xanh mướt còn chưa chuyển qua màu vàng, trong thôn trang bỗng xuất hiện một lão ăn mày, lang thang khắp nơi để xin ăn. Người ông gầy như que củi, quần áo rách mướp, đầu tóc rối bù, trên thân thể còn bốc ra mùi hôi khó chịu.
Ông một tay chống gậy, một tay bưng chiếc bát vỡ đi vào từng nhà để xin ăn, miệng không ngừng kể về những bất hạnh mà bản thân gặp phải và nguyên nhân phải đi xin ăn. Dù đã tới nhiều ngôi nhà, nhưng vẫn không ai cho lão ăn mày được một miếng gì vào bụng.
Lão ăn mày bất hạnh lại không oán không hận, tiếp tục đi tới thôn trang bên cạnh. Khi tới một gia đình nọ, trong nhà có nuôi một con chó lớn có linh tính, khi thấy lão ăn mày, chú chó vội vàng sủa vang để gọi chủ nhân ở trong phòng, ý tứ rằng hãy nhanh cho lão ăn mày này ăn cơm.
Chủ nhà nghe thấy tiếng chó sủa gấp gáp như thế, cho rằng có chuyện gì đó, liền vội vàng chạy ra xem. Khi thoáng thấy bóng dáng lão ăn mày, chủ nhà ngay cả nhìn một cái cũng không thèm, quay đầu đi vào trong phòng.
Con chó thấy thế thì càng sốt ruột, lại hướng về phía chủ nhân mà sủa lớn hơn nữa. Chủ nhà cho rằng con chó sủa inh ỏi là vì lão ăn mày không chịu đi, liền lớn tiếng đuổi lão ăn mày đi chỗ khác.
Lão ăn mày vẫn rất từ tốn, kể với chủ nhà về tình cảnh của mình, còn nói rằng mình đã vài ngày rồi chưa được ăn cơm, đói đến mức không đi nổi nữa, mong gia chủ phát thiện tâm, dù chỉ là một miếng cơm thừa cũng tốt rồi.
Chủ nhà nghe mấy lời này, vẫn không một chút thương cảm, lạnh lùng đuổi lão ăn mày đi. Con chó nhanh chóng chạy quanh chân chủ nhân, sủa ầm ĩ, nhưng vẫn không có kết quả.
Lão ăn mày quay đầu đi, bình thản nói: “Người không có chút thiện tâm nào như thế, sẽ có lúc hối hận cũng không kịp”. Nói xong liền đi về phía ruộng lúa mạch của thôn trang bên cạnh.
Gia chủ vừa nghe những lời này, cảm thấy có gì đó không tầm thường, liền đi theo lão ăn mày, một số người trong thôn cũng theo sau, chỉ thấy lão ăn mày đi vào trong ruộng lúa mạch, trong miệng lẩm bẩm điều gì không ai rõ, sau đó dùng hai ngón tay vuốt từ gốc đến ngọn một bông lúa mạch. Sau khi vuốt một cái, tất cả những bông lúa mạch bên trong ruộng lúa đều biến thành nhỏ, càng hướng lên phần ngọn, hạt lúa mạch càng bé.
Mọi người thấy vậy đều sợ đến ngây người, có người trầm tư, có người cảm thấy hối lỗi. Riêng vị gia chủ kia thì vẫn chưa thức tỉnh, ông ta suy nghĩ: “Lúa mạch không trồng được ở ruộng này thì có ruộng khác, năm nay không được thì sang năm; dù sao trong nhà mình vẫn còn dự trữ rất nhiều lương thực”.
Con chó của ông ta dường như biết được hậu quả nghiêm trọng của việc này, liền chạy quanh chân của lão ăn mày sủa vang như cầu khẩn. Khi thấy chủ nhân vẫn chưa tỉnh ngộ, mà bông lúa mạch trong tay lão ăn mày càng lúc càng nhỏ, con chó liền khuỵu hai chân xuống, giống như quỳ lạy lão ăn mày, đầu nằm rạp xuống mặt đất, dập đầu, miệng nức nở cầu xin lão ăn mày cho người trong mê có được miếng cơm ăn.
Lão ăn mày thấy việc đã đến bước này, cũng thấy nhiều người đã bắt đầu thức tỉnh, đồng thời ông cũng cảm động bởi sự thành tâm của con chó, thở dài một tiếng, buông bông lúa mạch, rồi lặng lẽ rời đi.
Từ đó về sau, bông lúa mạch đã biến thành hình dáng như hiện nay, nhân loại cũng thường xuyên xuất hiện nạn đói. Mọi người vì để ghi nhớ bài học giáo huấn này, liền lưu truyền câu chuyện lại về sau, cũng vì tưởng nhớ chú chó lương thiện kia, nhiều nơi vẫn còn lưu truyền một tập tục, mỗi dịp năm mới hoặc mùa thu hoạch, sau khi hoàn tất nghi thức kính thần, mọi người đều cho chó được ăn một bữa màn thầu, bánh bao thơm ngon làm từ lúa mạch.
Video Tam Tự Kinh (bài 10): Câu chuyện Nguồn gốc của lúa gạo. (Nguồn: NTD)
Tuân thủ đạo đức mới có thể bình an
Từ xưa tới nay, những câu chuyện về thiện ác hữu báo như vậy vẫn luôn lưu truyền rộng rãi trong dân chúng, đó chính là những bài học giá trị mà cổ nhân muốn lưu lại để đời sau biết mà răn mình.
Cổ nhân có câu: “Trời có đạo, thì nhật nguyệt rõ ràng. Người có đạo thì xã hội tất sẽ bình an”. Đạo đức hay luân lý đạo đức không chỉ là cái gốc của làm người, mà còn là nguyên tắc chỉ đạo trong việc “trị quốc an thiên hạ”.
Xã hội ngày nay sở dĩ xuất hiện nhiều sự tình loạn bậy, không có tôn ti trật tự là bởi vì người ta không còn chú trọng giáo dục luân lý đạo đức truyền thống, trong tâm không còn sự ước thúc của quy phạm đạo đức nữa.
Chỉ có tuân theo sự chỉ dạy của bậc thánh nhân xưa, khôi phục lại bản tính lương thiện thì thiên hạ mới có thể thực sự thống nhất, nhân loại mới thực sự hòa ái, bình an. Con người có thể tuân thủ đạo đức, luân lý làm người thì chính là đang đi trên con đường đại đạo của bậc thánh hiền.
Tuệ Tâm