Trung Quốc xử phạt các ông lớn công nghệ trước thềm Đại hội 19
Lấy lý do hoạt động kiểm duyệt nội dung trên mạng không triệt để, cơ quan quản lý mạng Trung Quốc vừa quyết định “áp dụng hình phạt cao nhất” với nhiều công ty công nghệ, gồm cả các đại gia như Tencent, Baidu và Weibo.
Hãng tin Reuters ngày 25/9 dẫn thông báo của Cục Giám sát không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết, các công ty này sẽ nhận “hình phạt tối đa” theo luật kiểm soát thông tin mạng vì không xóa tin tức giả, hình ảnh khiêu dâm và các nội dung “kích động căng thẳng sắc tộc” và “đe dọa trật tự xã hội” ra khỏi nền tảng của mình.
CAC không nêu chi tiết mức phạt nhưng theo các quy định mới ban hành hồi tháng 6 để thắt chặt kiểm soát không gian ảo của Trung Quốc, các cá nhân chịu trách nhiệm quản lý các nền tảng trên và những người có liên quan sẽ bị phạt tối đa 100.000 nhân dân tệ (15.110 USD), theo Reuters. Kể từ khi ban hành quy định này, đây là lần đầu tiên CAC áp dụng mức xử phạt cao nhất cho các tổ chức vi phạm.
“Internet không hoạt động ngoài vòng pháp luật… CAC sẽ nghiêm khắc áp dụng luật an ninh mạng mới và các quy định khác để tăng giám sát (môi trường) Internet“, thông báo của CAC viết.
Động thái cứng rắn của CAC được đưa ra sau cuộc điều tra nhằm vào các dịch vụ mạng xã hội phổ biến nhất ở Trung Quốc đại lục, gồm WeChat của Tencent và các mạng xã hội tương tự Twitter của Weibo, với tổng lượng người dùng hơn 1 tỉ. Cục Quản lý An ninh mạng Trung Quốc đã cáo buộc người dùng Internet trên 3 trang này “phát tán các nội dung bạo lực, khủng bố, thông tin sai sự thật, văn hóa phẩm đồi trụy và nhiều nội dung khác đe dọa đến an ninh quốc gia, an toàn của cộng đồng và sự ổn định của xã hội”.
Ngoài bị phạt, các hãng công nghệ này cũng phải gỡ ngay các nội dung bẩn ra khỏi nền tảng, khóa các tài khoản vi phạm và tăng cường quản lý nội dung được đưa lên mạng, theo CAC.
Quyết định “xử” các ông lớn công nghệ được đưa ra trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào tháng 10 tới.
Đây không phải động thái đầu tiên của Trung Quốc trong năm 2017 này nhằm thắt chặt kiểm duyệt nội dung trên mạng trước khi diễn ra Đại hội 19. Hội tháng 1, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố sẽ thắt chặt kiểm soát VPN, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã đưa ra một số vấn đề ưu tiên trong việc kiểm soát nội dung trực tuyến trên Internet. Nhà chức trách tuyên bố sẽ tiến hành triển khai công tác “thanh lý” thị trường dịch vụ truy nhập Internet.
Đến ngày 22/6, nhà cung cấp GreenVPN đã thông báo chính thức trên trang web của mình rằng, ứng dụng này sẽ ngừng cung cấp dịch vụ kể từ ngày 1/7/2017 mà không nêu rõ lý do. Ngay sau đó, phía GreenVPN đã tiến hành hoàn lại tiền cho khách hàng.
Đài RFA trích lẫn lại tin tức từ Initium Media (Hong Kong) chỉ ra rằng, cùng thời điểm GreenVPN ngừng hoạt động, ứng dụng VPN trên kho ứng dụng của Android và iOS đã không cho phép người dùng tải về nữa. Bản tin cũng nêu ra rằng, trong vòng một vài tháng trước đó, một loạt các ứng dụng cung cấp dịch vụ VPN cũng đã bị buộc phải ngừng hoạt động, và dần dần biến mất trên kho ứng dụng.
Trước đó ngày 16/6, công ty VTRSpeed có thâm niên cung cấp dịch vụ VPN cũng thông báo rằng, cho dù có sử dụng được VPN thì cũng phải xét lại, bởi vì kể cả khi sử dụng VPN này, rất nhiều người Trung Quốc đại lục vẫn không thể vào được nhiều trang web từ địa chỉ IP của Mỹ và Hong Kong.
VPN là một mạng riêng ảo, người dùng có thể sử dụng VPN để đột phá tường lửa truy cập các trang web nước ngoài. Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc xưa nay vẫn áp dụng biện pháp The Great Firewall, còn gọi là Tường lửa trường thành Internet để ngăn chặn người dân kết nối với các kênh tin tức nước ngoài.
Tờ South China Morning Post cho biết, VPN rất được người dân Trung Quốc ưa chuộng, bởi vì lượng lớn video, tin tức về chính trị bị chính phủ Bắc Kinh chặn, sử dụng VPN có thể giúp người Trung Quốc vào Facebook, Twitter hay đọc báo New York Times.
Hiện Trung Quốc có khoảng 710 triệu người sử dụng Internet, trong đó rất nhiều người dùng VPN. Hồi tháng 2/2017, theo một thống kê của Global WebIndex, số người dùng VPN ở Trung Quốc vào khoảng 90 triệu người. Điều này khiến không ít người đưa ra một phép so sánh hài hước rằng, số người dùng VPN còn vượt quá cả số đảng viên ĐCSTQ (vào khoảng 80 triệu người).
TinhHoa tổng hợp