Trung Quốc xả lũ 8 tiếng trên sông Hồng, Việt Nam chịu ảnh hưởng ra sao?
Nhà máy thủy điện Mã Đồ Sơn, Trung Quốc thông báo sẽ xả lũ từ lúc 9h – 17h ngày 20/8 trên lưu vực sông Hồng, khiến mực nước sông Hồng qua Lào Cai có thể lên báo động 2-3.
Theo thông tin từ Sở Ngoại vụ Lào Cai, sáng ngày 20/8, Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai nhận được thư liên hệ của Ban Ngoại vụ huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc thông báo về việc phía Trung Quốc chuẩn bị xả lũ trên sông Hồng.
Theo thông tin từ Sở Ngoại vụ Lào Cai, gần đây do ảnh hưởng của bão, khu vực lưu vực sông Hồng xảy ra mưa lớn, mực nước sông dâng cao, để đảm bảo an toàn phòng lũ, nhà máy thủy điện Mã Đồ Sơn (Trung Quốc) dự kiến xả lũ từ lúc 9h – 17h ngày 20/8, khi đó mực nước sông Hồng sẽ dâng cao.
Trung Quốc không cho biết thông số cụ thể, gây khó khăn trong ứng phó
Đại diện Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết việc Trung Quốc xả lũ không có thông số cụ thể về lưu lượng là bao nhiêu gây khó khăn lớn trong việc ứng phó.
“Chúng tôi dự báo nước sẽ dâng đỉnh ở mức báo động 2, ở mức này có thể gây ngập úng một số vùng trũng, tương đương với đợt lũ dâng vào ngày 18/8 vừa qua”, đại diện Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai nói.
Nhiều ý kiến lo ngại không biết việc Trung Quốc xả lũ trên sông Hồng trong bối cảnh như hiện nay sẽ ảnh hưởng thế nào đến các tỉnh phía Bắc của Việt Nam?
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết Trung Quốc xả lũ tại hồ Mã Đổ Sơn cách biên giới Việt Nam 95km. Hồ Mã Đổ Sơn có tổng dung tích là 551 triệu m3.
“Trung Quốc không thông báo lưu lượng cũng như tổng lượng xả nhưng với quy mô hồ như vậy thì mức độ ảnh hưởng không lớn. Trong tháng 10/2017, ta đã xả lũ hồ Hòa Bình gần 1 tỷ m3. Hiện tại Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công điện để các địa phương có phương án ứng phó kịp thời” – ông Hoài cho biết.
Để ứng phó với tình huống trên, Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và TP Hà Nội theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, thông báo hướng dẫn kịp thời cho chính quyền các cấp, người dân chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất.
Ban chỉ đạo lưu ý các địa phương sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu.
Đo mực nước ở vùng giáp biên để dự báo cho hạ du
Theo TS. Lê Viết Sơn, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu “Đánh giá rủi ro lũ, ngập lụt và đề xuất các giải pháp phòng tránh, thích ứng cho các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi Bắc bộ”, cho rằng, nguồn nước xả tăng cường của nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn sẽ không tác động nhiều đến lũ trên sông Hồng.
Theo TS Sơn, nước đổ về từ hồ Mã Đổ Sơn chỉ ảnh hưởng đến mực nước sông Thao. Trong khi, sông Hồng chịu tác động của cả ba hệ thống sông: sông Đà, sông Thao và sông Gâm-Lô. Do vậy, nếu chỉ nước sông Thao dâng sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến lũ trên sông Hồng ở vùng đồng bằng.
Tuy nhiên, TS. Sơn lưu ý, một số khu vực sẽ bị ảnh hưởng do lũ trên sông Thao, nhất là thành phố Yên Bái và một số khu vực ở huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái), một phần diện tích của tỉnh Phú Thọ, Lào Cai.
Trong khi đó, GS. Võ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi (cũ) cho rằng, việc Trung Quốc không thông báo cụ thể về lưu lượng ở hồ Mã Đổ Sơn, cần cảnh giác, sàng nhân lực, vật tư ứng phó các sự cố, nhất là công tác hộ đê.
Theo GS. Hồng, sông Hồng trên lãnh thổ của Việt Nam không có hồ chứa cắt lũ và điều tiết nước. Để hãm tốc độ nước dâng trên sông Hồng, cần rà soát kỹ hệ thống thuỷ điện liên quan đến sông Lô và sông Đà, nhất là thủy văn điện nhỏ và vừa.
GS Hồng lưu ý, cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam cần theo dõi sát, tăng tần suất đo mực nước ở vùng giáp biên giới tại tỉnh Lào Cai để dự báo cho vùng hạ du, khi có lũ cần sẵn sàng các phương án ứng phó.
Gia Hưng (t/h)