Trung Quốc tự xưng giàu có trong khi dân đang chết vì nghèo đói
Một cô gái chết vì suy dinh dưỡng đã làm cư dân mạng Trung Quốc dậy sóng, điều đáng nói là có một khoảng tiền quyên góp gần 1 triệu nhân dân tệ (CNY), chưa bao giờ đến được tay của cô ấy trong lúc nguy kịch.
Sinh năm 1995 trong một gia cảnh nghèo khó, Võ Hoa Nham có một tuổi thơ khốn khổ. Theo tờ South China Morning Post, “mẹ Hoa Nham qua đời khi cô chỉ mới 4 tuổi, gia đình chỉ còn cha và em trai – Võ Giang Long. Hơn nữa, em trai cô lại mắc chứng tâm thần và luôn phải nằm viện. Vì thế phần lớn thu nhập ít ỏi của gia đình đã phải đổ vào tiền viện phí”.
Khi Hoa Nham được 18 tuổi, cha cô cũng qua đời. Nguồn sống duy nhất còn lại là một khoản trợ cấp nhỏ của chính phủ – 300 CNY mỗi tháng.
Hoa Nham nhận được một suất học bổng hàng năm trị giá 7.000 CNY, dùng để trang trải chi phí học đại học của mình. Tuy nhiên, số tiền viện phí quá lớn đã là gánh nặng trên vai của cô gái yếu ớt. Để đảm bảo em trai được tiếp tục chăm sóc y tế, Hoa Nham đã từ bỏ việc ăn uống đủ chất. Trong gần 5 năm, cô không ăn gì khác ngoài cơm lam và dưa muối. Vì thế, cơ thể cô không tránh khỏi suy dinh dưỡng và yếu ớt.
Tháng 10/2019, Hoa Nham bắt đầu cảm thấy khó thở và không thể đi lại một cách bình thường. Cô được chẩn đoán mắc nhiều vấn đề về thận và tim, bác sĩ yêu cầu phải nhập viện.
Không còn cách nào khác, cô đành kêu gọi sự giúp đỡ của giới truyền thông. Một tổ chức tên Charity 9958 đã sử dụng 2 chương trình khác nhau, để quyên góp được gần 1 triệu CNY cho ca phẫu thuật tim của Hoa Nham.
Tuy nhiên do thời gian kéo dài quá lâu, Hoa Nham đã không có đủ sức khỏe để được phê duyệt thủ tục phẫu thuật. Vào thời điểm qua đời (ngày 13/1/2020), cô chỉ nặng vỏn vẹn 30kg.
Ngay sau đó, giới truyền thông bắt đầu cáo buộc Charity 9958 lừa đảo dưới danh nghĩa giúp đỡ Hoa Nham. Trong tổng 1 triệu CNY mà tổ chức thu được, có vẻ như tối đa chỉ có khoảng 20.000 CNY (2.883 USD) là được trả cho chi phí bệnh viện của Hoa Nham. Phần còn lại đã bị tổ chức chiếm đoạt cho riêng mình.
Một cựu thành viên của Charity 9958 tiết lộ rằng, tổ chức này thường nhắm vào những bệnh nhân nặng để chiếm đoạt tiền. Cô nói: “Họ đợi cho đến khi bệnh nhân chết để hưởng quyền lợi… Khoản thu trong trường hợp này, theo luật, có thể chuyển thành tiền thưởng cho nhân viên thay vì viện trợ từ thiện”.
Đói nghèo chưa hề chấm dứt
Bất chấp ĐCSTQ tuyên bố sẽ chấm dứt nghèo đói vào năm 2020, có một thực tế là hàng triệu cư dân nông thôn vẫn phải sống với mức thu nhập rất thấp. Bởi thu nhập hạn chế, hàng ngày họ không thể ăn những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, cũng như trẻ nhỏ không được học hành đến nơi đến chốn. Cái chết của Hoa Nham là một minh chứng rõ ràng cho thực tế này.
Theo Mã Văn Phong – một nhà phân tích của Công ty Tư vấn Kinh doanh Nông nghiệp Phương Đông Bắc Kinh, thì đói nghèo đang trở lại vùng nông thôn Trung Quốc – nơi ở của gần 40% dân số cả nước.
Ông Mã nói với tờ South China Morning Post: “Ngành nông nghiệp của chúng ta luôn bị xem thường, và người nông dân bị coi là tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Chỉ khi chúng ta cung cấp cho những người lao động này quyền bình đẳng – về lương hưu, giáo dục, v.v. – thì vấn nạn của [ngành] nông nghiệp mới có thể thực sự được giải quyết”.
Kể từ năm 2014, thu nhập ở nông thôn có xu hướng giảm dần. Trong nửa đầu năm 2019, thu nhập ở nông thôn đã giảm 20%, với bình quân 809 nhân dân tệ vào cuối tháng 6/2019, so với 1.023 nhân dân tệ vào cuối năm 2018.
Một lý do lớn của vấn đề thu nhập ít ỏi, là người nông dân nghèo không được sở hữu đất đai mà họ canh tác. Thay vào đó, họ phải thuê đi thuê lại trong kỳ hạn 30 năm. Do đó, nông dân không thể bán đất của họ, và cũng không thể được đảm bảo an toàn về tài chính.
Thảm kịch đang diễn ra
Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các quan chức trên toàn quốc phải đảm bảo, đưa tất cả người dân Trung Quốc thoát nghèo trước cuối năm 2020.
Và hiện chỉ còn 3 tháng để đưa đất nước thoát khỏi “nạn đói”. Nếu các quan chức nào không thể đưa người dân địa phương thoát nghèo, thì sẽ phải đối mặt với sự nghiệp bị tàn lụi. Vì vậy, các quan chức trên dưới đang rất sốt ruột giúp người dân “hiện đại hóa cuộc sống bằng mọi cách”.
Bị ép đến nỗi phải treo cổ tự vẫn
Theo một báo cáo của Bitter Winter – một tạp chí về nhân quyền ở Trung Quốc: Năm 2019, tại tỉnh Hà Nam miền Trung Trung Quốc, một cụ bà 90 tuổi đã treo cổ tự vẫn trong nhà của mình.
Hàng xóm của bà nói với Bitter Winter rằng, một ngày trước đó các quan chức địa phương đã ép buộc bà chuyển nhà, nhưng bà nói rằng bà không có nơi nào để đi. Chỉ làm như vậy họ mới có thể đáp ứng hạn ngạch thoát nghèo mà cấp trên áp xuống.
Phải bán máu để kiếm tiền
Một nông dân tỉnh Hà Bắc Trung Quốc đã kể cho Bitter Winter nghe câu chuyện của mình. Cô cho biết chính sách “xóa đói giảm nghèo” của chính quyền đã khiến họ phải bán máu để duy trì cuộc sống.
Các quan chức địa phương đã buộc gia đình cô phải chuyển từ nơi cư trú của họ đến một ngôi nhà mới, nhưng cô phải vay 4000 đô la để trùng tu lại “ngôi nhà mới”, vì nó xuống cấp quá tệ.
Vào thời điểm đó, họ hoàn toàn không có tiền để mua thức ăn. Không còn cách nào khác, chồng của cô đành phải đi bán máu của mình để lấy tiền trang trải.
Cô vừa khóc vừa kể với Bitter Winter: “Chúng tôi ngay cả cuộc sống cơ bản cũng chẳng có, chính quyền đang dồn chúng tôi vào đường cùng! Tôi biết bán máu có hại cho sức khỏe, nhưng chúng tôi chẳng còn cách nào khác để duy trì cuộc sống của mình”.
Cô cho biết, chính quyền còn quá đáng hơn nữa khi họ dán một thông báo tại nhà của cô, nói rằng cô đã được trợ cấp hơn 2.000 đô la, nhưng một xu cô cũng thấy.
Trung Quốc đang cố giữ thể diện
Nếu mục tiêu này thất bại, thì nó sẽ là một cú sốc lớn đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, vì ông ấy đã nỗ lực thúc đẩy nó trong suốt 5 năm qua.
Với tình hình trước mắt, một cựu quan chức Trung Quốc nói rằng, năm nay Trung Quốc nên ngừng tự gọi mình là một “nước giàu có”, vì hiện tại gần một nửa dân số Trung Quốc có thu nhập trung bình dưới 150 đô la mỗi tháng.
Những trường hợp trên cho thấy, người dân Trung Quốc đang gần như kiệt sức với các chính sách và hành động cưỡng chế của các quan chức.
Việt Anh (t/h)