Trung Quốc truy tố nhà hoạt động nhân quyền bằng chứng cứ trên mạng xã hội
Không chỉ kiểm duyệt thông tin trong nước, Bắc Kinh còn muốn kiểm soát tất cả những gì thế giới nói về mình. Bằng chứng là đã có nhà hoạt động nhân quyền bị truy tố với chứng cứ là các đoạn trao đổi trên mạng xã hội của Mỹ.
Trong suốt nhiều năm, thông qua cái gọi là “Vạn lý trường thành trên mạng”, chính quyền Bắc Kinh quyết định cái gì người dân có thể xem, đọc và cái gì không. Bên ngoài bức tường ấy, những chỉ trích Trung Quốc vẫn tồn tại. Hẳn nhiên, đó không phải là điều Bắc Kinh muốn thấy.
“Trung Quốc đang ngày càng mạnh hơn và tự tin hơn trong việc gây sức ép lên các công ty, nền tảng công nghệ nước ngoài“, Giáo sư Lokman Tsui thuộc Trường Báo chí và truyền thông, ĐH Hong Kong nói.
Vượt thành
Năm 2017, ông Zhang Guanghong – một nhà hoạt động nhân quyền ở Trung Quốc – đã chia sẻ một bài báo chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với một nhóm bạn trong và ngoài Trung Quốc. Ông Zhang sử dụng WhatsApp, một ứng dụng nhắn tin của Facebook – thứ gần như không ai sử dụng ở đất nước tỉ dân này.
Tháng 9/2017, ông Zhang bị bắt và sẽ sớm bị truy tố tội chống phá nhà nước và chế độ Trung Quốc. Điều ngạc nhiên là các bằng chứng chính là những gì ông ta nói và chia sẻ trên WhatsApp, báo New York Times dẫn lời luật sư của ông này.
“Cảnh sát không khai thác được thân chủ của tôi nhưng họ lại có được tất cả thông tin và bằng chứng buộc tội ông ấy. Chúng tôi không hiểu họ làm điều đó bằng cách nào“, ông Sui Muqing, luật sư của ông Zhang, nói.
Một số chuyên gia công nghệ không tin Trung Quốc đã kiểm duyệt được cả nội dung trên WhatsApp của Mỹ. Họ cho rằng các bằng chứng đó khai thác được từ điện thoại của ông Zhang, hoặc tệ hơn, có “tay trong” trong các nhóm bạn hữu của ông ta.
Nhưng theo New York Times, trường hợp của ông Zhang đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng các đoạn trao đổi trên các ứng dụng điện thoại không phải do nước này phát triển để làm bằng chứng buộc tội.
Nó đồng thời mang thông điệp cảnh báo tới các nền tảng công nghệ của Mỹ, rằng một ngày nào đó họ sẽ phải chịu trách nhiệm vì những gì được chia sẻ hay bàn luận trên đó. Tất nhiên, đó là các thông tin bất lợi cho chính quyền Bắc Kinh.
“Việc chính quyền Trung Quốc trừng phạt người dân vì các nội dung chỉ trích được đăng tải bằng các nền tảng nước ngoài bên ngoài Trung Quốc, kể cả khi đối tượng hướng đến không phải là người dân trong nước, là vấn đề đáng lưu ý“, ông Joshua Rosenzweig, một nhà phân tích của Tổ chức Ân xá quốc tế, nhận định.
Gây sức ép
Đại diện WhatsApp khẳng định Trung Quốc không có cổng hậu (backdoor) cho phép Bắc Kinh tiếp cận các tin nhắn được mã hóa của ứng dụng này. Trong khi Bộ Công an Trung Quốc từ chối bình luận.
Tuy bằng chứng các hacker Trung Quốc tấn công vào hệ thống của WhatsApp là chưa rõ, nhưng rõ ràng Bắc Kinh đang gây sức ép lên để kiểm duyệt các công ty công nghệ nước ngoài, kể cả khi họ không hoạt động ở Trung Quốc.
Tại một hội nghị về mạng Internet lớn ở Trung Quốc hồi năm 2017, ông Mei Jianming – một chuyên gia chống khủng bố – kêu gọi Bắc Kinh nên gây sức ép lớn hơn nữa tới các mạng xã hội như Twitter. Mục đích nhằm buộc các công ty này thay đổi điều khoản dịch vụ, siết chặt các nội dung được đăng tải bởi những nhóm mà Bắc Kinh xem là phản động.
Trung Quốc là thị trường đầy tiềm năng của các công ty công nghệ nước ngoài. Chính quyền Bắc Kinh hiểu rõ điều đó và lấy nó làm con bài gây sức ép.
Những tiết lộ hồi năm 2017 của Quách Văn Quý, tỉ phú Trung Quốc lưu vong ở Mỹ, trên Facebook và YouTube đã nhanh chóng bị gỡ bỏ. Tài khoản Facebook của ông Quách bị khóa với lý do danh sách các quan chức Trung Quốc mà ông tố là tham nhũng đã vi phạm điều khoản sử dụng của mạng xã hội này. Đại diện Facebook từ chối bình luận liệu có phải Bắc Kinh đã nhúng tay hay không.
Tương tự, các video của ông tỉ phú lưu vong này trên YouTube, vốn có thể xem trên toàn cầu, nhanh chóng bị gỡ xuống sau đó.
Để đặt được một chân vào thị trường Trung Quốc đầy béo bở, những công ty công nghệ nước ngoài đã chấp nhận nhượng bộ. Hồi năm 2017, Facebook chấp nhận phát triển một công cụ kiểm duyệt mới dành riêng cho thị trường Trung Quốc và chỉ hoạt động trên một ứng dụng chia sẻ hình ảnh do Facebook phát triển. Apple thì tuyên bố sẽ chuyển dữ liệu người dùng Trung Quốc sang các máy chủ đặt tại Trung Quốc. Google cam kết sẽ mở một phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc.
>> Sự “vươn lên” đáng lo ngại của công nghệ Trung Quốc
Theo Tuổi Trẻ