Trung Quốc đe dọa nhưng không trả đũa, vẫn muốn ký thỏa thuận với Mỹ
Mặc dù đã nhiều lần lớn tiếng dọa nạt, Trung Quốc vẫn chưa có động thái hay tín hiệu trả đũa Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump ký thông qua đạo luật ủng hộ Hồng Kông. Theo thông tin từ quan chức 2 bên, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 có thể được ký trong vài tuần tới.
Phía Trung Quốc coi việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua dự thảo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông hôm 27/11 là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn đe dọa rằng Mỹ sẽ phải chịu toàn bộ hậu quả nếu Tổng thống Trump ký dự luật này, đồng thời triệu tập cả Đại sứ Mỹ Terry Branstad tới để phản đối. Tuy nhiên cho đến hiện tại, chẳng ai trong chính quyền Trung Quốc có thể trả lời câu hỏi biện pháp trả đũa Mỹ của họ là gì, mà chỉ quay sang thúc giục ông Trump không thực thi nội dung đạo luật này.
Trong khi đó, các quan chức có liên quan đến quá trình hoạch định chính sách thương mại của Bắc Kinh cho biết, cuộc đàm phán vẫn sẽ tiếp tục diễn ra miễn là phía Mỹ không áp dụng luật vừa mới ký vào thỏa thuận. Trung Quốc vẫn muốn tiếp tục thực thi thỏa thuận thương mại, điều này có thể giúp làm giảm áp lực lên nền kinh tế vốn đang suy yếu nhanh của nước này.
Diễn biến xung quanh tình hình các cuộc biểu tình tại Hồng Kông xảy ra khi 2 bên đang có những chuẩn bị cuối cùng cho thỏa thuận giai đoạn 1, giới chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan về thỏa thuận thương mại, thậm chí còn khẳng định rằng, những phản ứng mang tính hạn chế từ phía Trung Quốc vẫn để ngỏ cửa cho một thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Ông Wang Yong, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại đại học Peking, nhận xét: “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông được thông qua đã có ảnh hưởng phần nào đến tâm lý 2 bên, nhưng không ngăn được các cuộc đối thoại thương mại. Cả hai bên đều có lý do để tiếp tục đàm phán thương mại, Hồng Kông và các vấn đề chính trị là thuộc về phạm trù khác”.
Còn theo nhận định của ông Gordon Chang, tác giả phê phán Trung Quốc nổi tiếng ở Mỹ, lời đe dọa của Trung Quốc chỉ là một trò vô hại, bởi Bắc Kinh đang ở một vị thế không thể “động vào khách hàng lớn nhất của mình được”.
Tác giả cuốn “The Coming Collapse of China” (Tạm dịch: Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc) cho biết: “Bất cứ điều gì Bắc Kinh làm cũng sẽ gây tổn hại cho bản thân họ nhiều hơn cho chúng ta, vì nền kinh tế nước này đang cận kề vách đá đến mức nào và chế độ cộng sản Trung Quốc có thể tự hủy hoại nếu cứ trả đũa Mỹ”.
“Trong 4 thập kỷ qua, giới tinh hoa và các nhà lập pháp đã nói rằng chúng ta không thể động vào Trung Quốc. [Tuy nhiên] hôm 27/11, Tổng thống Trump đã làm điều mà những người tiền nhiệm không dám làm – bảo vệ nước Mỹ khỏi một Trung Quốc đang tấn công chúng ta. Lực lượng xâm phạm vào nền tự trị của Hồng Kông chính là thứ đang phá hoại xã hội của chúng ta trên tất cả các mặt”.
Trước khi ký đạo luật, ông Trump vẫn gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “bạn tôi”, đồng thời nói ông sát cánh với cả ông Tập và Hồng Kông, bên cạnh đó khẳng định tầm quan trọng của thỏa thuận thương mại “lớn nhất lịch sử” với Trung Quốc.
“Tôi ký những dự luật này xuất phát từ sự tôn trọng với Chủ tịch Tập, Trung Quốc và nhân dân Hồng Kông. Các đạo luật được ban hành với hy vọng các lãnh đạo và đại diện của Trung Quốc và Hồng Kông sẽ có thể hòa giải một cách thiện chí những khác biệt, mang lại hòa bình và ổn định lâu dài cho tất cả mọi người”, ông Trump tuyên bố sau khi ký dự luật một ngày.
Thiện Thành (t/h)