Trưng cầu dân ý Catalonia: 90% cử tri bỏ phiếu muốn tách khỏi Tây Ban Nha
Chính quyền Catalonia cho biết 90% số phiếu được kiểm trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10 lựa chọn tách vùng tự trị này khỏi Tây Ban Nha, chỉ có 8% phản đối.
Guardian dẫn lời người phát ngôn của chính quyền Catalonia Jordi Turull cho biết, 90% số phiếu được kiểm trong cuộc trưng cầu dân ý mong muốn độc lập. Ngược lại, chỉ 8% cử tri phản đối việc vùng tự trị này tách ra khỏi Tây Ban Nha.
15.000 lá phiếu còn lại vẫn đang được kiểm tra. Số lượng người tham gia bỏ phiếu hôm 1/10 là 2,26 triệu người. Trong khi đó, số lượng người đăng ký là 5,3 triệu.
Ông Turull cho rằng, con số thống kê trên chưa bao gồm những người bị cảnh sát Tây Ban Nha đàn áp và ngăn cản. Cảnh sát chống bạo động Tây Ban Nha đã được triển khai đến Catalonia để đi thu các thùng phiếu cũng như giấy tờ bầu cử tại các điểm bỏ phiếu, dẫn đến các cuộc đụng độ với người biểu tình ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý, khiến ít nhất 844 người cùng 33 cảnh sát bị thương.
Ông Carles Puigdemont, lãnh đạo vùng Catalonia, đã lên tiếng chỉ trích lực lượng cảnh sát Tây Ban Nha và khẳng định kết quả trưng cầu dân ý sẽ được gửi tới Quốc hội Catalonia.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria lên tiếng khen ngợi cảnh sát và cho rằng họ đã cư xử hợp lý trong sự kiện này. “Họ đã hành động theo mệnh lệnh của công lý. Họ hành động với sự chuyên nghiệp và hợp lý. Họ luôn luôn nỗ lực bảo vệ các quyền và sự tự do“, bà nói và chỉ trích chính quyền vùng Catalan “rõ ràng vô trách nhiệm” khi đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý.
Trước đó ngày 1/10, chính quyền xứ Catalonia tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định việc ly khai rời khỏi chính quyền trung ương. Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố ngăn chặn cuộc bỏ phiếu và nói rằng nó đi ngược lại hiến pháp năm 1978.
Trước cuộc trưng cầu dân ý, cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt giữ nhiều quan chức Catalonia và kiểm soát cơ sở thông tin liên lạc của chính quyền khu tự trị này.
Sự ủng hộ ly khai tăng mạnh trong vài năm qua khi Tây Ban Nha trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhiều người Catalonia vẫn còn giận dữ về quyết định của Toà án Hiến pháp Tây Ban Nha cách đây 7 năm, trong đó các phần của luật tự trị Catalonia năm 2006 đã bị hủy bỏ hoặc sửa đổi khiến quyền tự trị của họ không được mở rộng như mong muốn.
Chính quyền Catalonia từng khẳng định cuộc trưng cầu dân ý sẽ ràng buộc về mặt pháp lý, và hứa tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha trong vòng 48 giờ sau khi có kết quả bỏ phiếu trong trường hợp phe ủng hộ ly khai giành chiến thắng.
Cuộc trưng cầu dân ý đã đẩy Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên và làm dấy lên nguy cơ về bạo lực và bất ổn tại khu vực giàu có này. Catalonia hiện là vùng giàu có nhất Tây Ban Nha, chiếm 16% dân số và 20% quy mô nền kinh tế. Người dân Catalonia thường than thở họ phải nộp ngân sách nhà nước nhiều hơn là phần được nhận lại.
TinhHoa tổng hợp