Trong vòng 5 năm tới, 1/2 số lừa trên thế giới có nguy cơ bị xóa sổ
Loài lừa hiện nay đang phải trải qua một cuộc thảm sát chưa từng thấy. Theo báo cáo từ tổ chức từ thiện Donkey Sanctuary, trong vòng 5 năm tới, hơn một nửa số lừa trên thế giới có nguy cơ bị xóa sổ để chế biến thành thần dược chữa bệnh cho con người.
Da lừa sau khi được ngâm với nước và hầm nhừ, sẽ biến thành một loại keo gelatin gọi là “a giao” (tiếng Trung Quốc có nghĩa là cao/ keo da lừa), một thành phần để chế tạo thuốc cổ truyền Trung Quốc, có công dụng như cầm máu, an thai, chữa lành các bệnh về gân cơ hoặc tiêu hóa.v.v
Chính vì vậy, nhu cầu về sử dụng da lừa ngày càng tăng. Một lượng lớn lừa đang bị tàn sát không kiểm soát vì nhu cầu của con người.
Theo tổ chức Donkey Sanctuary, trong vài thập kỷ qua, ngành công nghiệp làm keo da lừa đòi hỏi khoảng 4,8 triệu tấm da mỗi năm, khiến số lượng lừa ở Trung Quốc giảm đến 76% kể từ năm 1992.
Tuy nhiên, thật khó để có được con số chính xác về việc này vì phần lớn giao dịch về lừa đều là bất hợp pháp và không được chính phủ kiểm soát. Nghiên cứu này còn cho thấy từ năm 2013 đến 2016, sản lượng keo da lừa hàng năm tăng từ 3.200 lên 5.600 tấn, tương ứng tăng 20% mỗi năm. Trong đó có hơn 1/3 số da lừa đến từ Trung Quốc và phần còn lại có nguồn gốc từ các quốc gia khác.
Các thương nhân Trung Quốc đã thu mua da từ các nước đang phát triển và vận chuyển về nước.
Vào năm ngoái, một cơ sở sản xuất keo da lừa lớn có tên là Dong-E-E-Jiao khẳng định, chỉ riêng năm 2016 Trung Quốc đã nhập 3,5 triệu tấm da lừa từ Brazil và Châu Phi, điều này đã dẫn đến cơn khủng hoảng số lượng lừa tại các quốc gia này.
Điều đáng nói là do sức khỏe của lừa không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Nhiều con lừa trong lúc đem vận chuyển đi quãng đường xa đã không được cho ăn uống đầy đủ, khiến tỷ lệ chết dọc đường có khi lên đến 20%.
“Việc buôn da động vật trên khắp thế giới mang lại cho loài động vật chăm chỉ này một nỗi đau kinh khủng.
Chúng thường bị vận chuyển đường dài, không có thức ăn, nước uống hoặc nghỉ ngơi, thậm chí chúng có thể bị giữ ở ngoài sân trong nhiều ngày mà không có nơi trú ẩn trước khi bị sát hại tàn bạo.” Mike Baker, Giám đốc điều hành của tổ chức Donkey Sanctuary, phát biểu trong một báo cáo.
Chưa kể tại những nơi xuống hàng, nhiều con lừa còn bị túm tai và đuôi để kéo đi khiến chúng bị gãy chân. Đến những con non hay đang mang thai hoặc mắc bệnh cũng bị đem đi giết mổ. Điều kinh khủng là những con lừa bị giam giữ và giết hại này được thực hiện bởi những người không hề được trang bị các kỹ năng cần thiết.
“Ở những nơi tàn sát lừa trên quy mô lớn vì mục đích thương mại, những hành vi phi nhân đạo này là vô cùng khủng khiếp”, Faith Burden, giám đốc nghiên cứu và hỗ trợ hoạt động tại Donkey Sanctuary cho biết.
Sự sụt giảm nghiêm trọng số lượng lừa còn làm ảnh hưởng đến kế sinh nhai của khoảng 500 triệu người dân trên thế giới, đặc biệt ở những khu vực còn nghèo khổ như các nước ở Châu Phi, nơi mà người ta dựa vào động vật để làm việc.
Nhà nghiên cứu động vật Amy McLean đến từ Đại học California, Davis cũng phát biểu với tạp chí Science Magazine rằng, hoàn cảnh hiện tại của loài lừa rất kinh khủng. Và không chỉ đối với chúng, khi thế giới mất đi số lượng lớn loài động vật chuyên dùng để vận chuyển này, thì con người sẽ phải tự mang vác lấy vật dụng thay chúng, đặc biệt là đối với phụ nữ.
“Những con lừa vận chuyển ở Châu Phi là công cụ giúp giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ, cho phép họ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc con cái và gia đình.
Phụ nữ phải vác củi và gánh nước trên lưng hoặc trên đầu, họ thường buộc phải để con nhỏ ở nhà, hoặc phải vật lộn để vác cả hai”, tổ chức Donkey Sanctuary giải thích trong báo cáo.Được biết tại Kenya, có tới 378.000 con lừa bị giết thịt mỗi năm. Chính phủ cho biết điều này đã gây áp lực không ngừng cho người dân vì đã loại bỏ một nguồn vận chuyển và thu nhập quan trọng đối với họ.
Dẫu vậy, vấn đề này vẫn đang không ngừng gia tăng, và không chỉ ở châu Phi. Theo báo cáo, số lượng lừa của Brazil đã giảm 28% trong một thập kỷ không tính số lượng lừa chuyển vùng. Mauritania, Mexico, Peru và Ai Cập đều đang giao dịch da lừa hợp pháp. Hoặc những nơi như Ghana và Ethiopia, thì hành động buôn da lừa tuy là bất hợp pháp, nhưng số lượng lừa vẫn bị giảm dần theo hằng năm.
Keo da lừa cũng không chỉ được bán tại Trung Quốc. Năm ngoái, một báo cáo điều tra đã tiết lộ rằng, khi nói đến các nhà xuất khẩu lớn keo da lừa từ Trung Quốc thì các nước như Hoa Kỳ, Canada, Úc và Nhật Bản đều nằm trong top 10.
Một số nước thậm chí còn lo ngại rằng việc kinh doanh da lừa bất hợp pháp cuối cùng sẽ dẫn đến loài lừa bị tuyệt chủng ở một số quốc gia. Mặc dù điều này nghe có vẻ khoa trương, thế nhưng loài lừa thật sự có khả năng sinh sản rất chậm (để sinh ra hàng triệu con lừa thì phải mất tới 20 năm).
Đứng trước tình hình đó, tổ chức Donkey Sanctuary đang yêu cầu tạm dừng khẩn cấp đối với hoạt động thương mại da lừa toàn cầu như thế này.
“Ở những nơi được buôn bán da lừa hợp pháp, ngành kinh doanh này đã phát triển nhanh chóng cả về quy mô và mức độ phức tạp, đến mức gần như hoàn toàn không được kiểm soát, không có phương tiện đảm bảo môi trường sống cho loài lừa hoặc, không có hoạt động theo dõi nguồn thu mua da lừa”, báo cáo viết.
“Còn những nơi giết mổ và xuất khẩu da lừa bất hợp pháp, lừa bị trộm và buôn bán bừa bãi bất chấp luật pháp quốc gia, luật lệ địa phương hay truyền thống văn hóa”.
Hiện nay, đã có 18 quốc gia có hành động nhằm kiểm soát ngành công nghiệp da lừa man rợ này. Tuy nhiên, luật pháp còn lỏng lẻo khiến quy mô lừa bị tàn sát và lấy da vẫn còn rất lớn. Cũng có nhiều lo ngại rằng việc buôn bán da lừa không được kiểm dịch kỹ sẽ gây lây bệnh ở lừa như bệnh than và uốn ván sang con người.
Thanh Thiên (theo Science alert)