Những chú lừa Hy Lạp khốn khổ: Suốt đời lao động khổ sai, già bị bỏ mặc đến chết
Santorini được ví như viên ngọc quý đính trên vương miện và là biểu tượng sáng chói của Hy Lạp. Đến với nơi đây, chúng ta có thể thấy những con lừa đeo đủ các loại trang sức sặc sỡ đang chở khách du lịch đi tham quan khắp chốn. Nhưng đó chỉ là vẻ ngoài mà thôi, đằng sau bức tranh hào nhoáng ấy lại là một sự thật vô cùng tàn nhẫn về số phận bi thảm của những chú lừa.
Mỗi tuần, Santorini đón khoảng 40.000 du khách từ các tàu du lịch sang trọng cập vào bến cảng ngay dưới chân núi của hòn đảo. Do Santorini là hòn đảo núi lửa với nhiều ngôi làng xây trên các vách núi nên trước kia người ta thường dùng lừa để chở hàng hóa và người từ dưới cảng lên làng. Ngày nay, lừa vẫn được sử dụng để phục vụ cuộc sống người dân và du khách. Cưỡi lừa dần dần trở thành nét văn hóa độc đáo và là trải nghiệm không thể thiếu của mỗi du khách khi đến Santorini.
Tuy nhiên thời gian gần đây, rất nhiều nhà bảo vệ động vật đã lên tiếng trước tình trạng ngược đãi mà những chú lừa tại đây phải hứng chịu. Tổ chức bảo vệ động vật PETA đã công bố những cảnh quay trong đó những con lừa bị buộc phải chở khách du lịch quá tải. Không những thế chúng còn phải mang hàng nặng đi lên hàng trăm bậc thang, đến mức trên lưng thường xuyên có những vết thương hở bị lở loét do cọ xát với phần yên không vừa. Thậm chí đa số chúng đều bị chấn thương cột sống nặng.
Trong đoạn phim được ghi lại, có thể thấy trong suốt chuyến đi, những người dắt lừa liên tục quất roi vào những con vật đang kiệt sức và đau đớn nếu thấy chúng không nghe lời.
Những con lừa buộc phải đi hơn 500 bậc thang tới thị trấn Fira, và phải đi liên tục 4 hoặc 5 chuyến như thế mỗi ngày, tương đương với khoảng 20 giờ lao động khổ sai. Theo PETA, các con vật này còn thường xuyên bị thiếu nước và bóng râm để nghỉ ngơi.
“Nhiều khi dây cương và miếng ngậm của chúng ướt đẫm máu. Khi chúng già yếu, không còn tiếp tục làm việc được nữa, người chủ sẽ dễ dàng vứt bỏ chúng như vứt một thứ công cụ đã hỏng. Họ để mặc cho chúng chết dần chết mòn rồi thay thế bằng một con la hoặc một con lừa khác”, bà Maria Astraveni thuộc nhóm bảo vệ động vật Direct Action Everywhere cho biết thêm.
Video những chú lừa ở đảo Santorini, Hy Lạp bị ép lao động khổ sai và đối xử tàn nhẫn
Đứng trước cảnh tượng thương tâm đó, tổ chức PETA đã phát động một chiến dịch kêu gọi khách du lịch đừng cưỡi lên chúng, đồng thời khuyến khích du khách sử dụng các phương tiện giao thông khác thay thế. PETA cũng cáo buộc rằng các cơ quan chức năng đang cố gắng ngăn chặn chiến dịch nhằm che đậy sự lạm dụng động vật ở đây.
Năm 2018 đã từng xảy ra vụ lên án toàn cầu về tình trạng đối xử tàn bạo với lừa ở hòn đảo này. Các cuộc biểu tình ngày càng dữ dội khiến các nhà chức trách phải đồng ý đưa ra lệnh cấm lạm dụng lừa cũng như cưỡng ép chúng chở quá tải.
Các biện pháp bảo vệ khác cũng được đưa ra bao gồm chăm sóc lừa trong các chuồng nuôi thích hợp, cho phép chúng vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày và hạn chế khối lượng công việc cho chúng lúc trời nắng nóng.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho biết mặc dù nhiều biện pháp đã được thực hiện nhưng nạn lạm dụng động vật vẫn đang tiếp diễn.
“Chẳng có gì thay đổi cả, họ vẫn chứng nào tật ấy”, bà Astraveni cho biết.
Bà nói thêm: “Chúng tôi đang cố gắng tiếp xúc với các chủ sở hữu, khuyến khích họ đối xử với vật nuôi tử tế và nhẹ nhàng hơn. Chúng tôi không chỉ tập trung vào vấn đề lạm dụng lừa làm vật cưỡi, mà sự việc đó (việc cưỡi lừa) chỉ là phần nổi của tảng băng trong hàng loạt các hành vi phạm tội khác. Hiện chúng tôi đang tổng hợp bằng các chứng để lên án các nhà chức trách”.
Để tự vệ, Thị trưởng thành phố Santorini, Nikos Zorzos nói trong một tuyên bố rằng các nhà chức trách vẫn đang tuân thủ luật pháp Hy Lạp và bảo vệ các loài động vật. “Chúng tôi luôn quan tâm đến sức khỏe của chúng”.
Bà Astraveni lo ngại rằng nếu những con lừa không được giải thoát khỏi tình trạng tồi tệ này, chúng sẽ phải đối mặt với “sự tuyệt chủng”. Nửa thế kỷ trước, có hơn 500.000 con lừa ở Hy Lạp. Giờ đây, toàn bộ hòn đảo Santorini, nơi từng có số lượng động vật lớn nhất Hy Lạp chỉ còn lại không tới 2.000 con lừa.
Giám đốc Elisa Allen của tổ chức PETA cũng lên tiếng: “Chính quyền Hy Lạp nên đẩy mạnh việc ngăn chặn tình trạng mang lừa vào hòn đảo Santorini, không được bao che tội ác ép buộc chúng chở hàng và khách du lịch quá tải nữa”.
Thiện Thành (Theo The Epoch Time)