Triều Tiên, Nga tẩy chay thực phẩm bẩn từ Trung Quốc
Một nguồn tin từ Bình Nhưỡng tiết lộ Triều Tiên đã không còn tin tưởng thực phẩm hay các nguyên liệu thực phẩm được sản xuất tại Trung Quốc.
Một người giấu tên từ Triều Tiên tiết lộ với tờ Daily NK của Hàn Quốc hôm 8/10, phần lớn dầu đậu nành trên thị trường Bắc Triều Tiên là đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng Triều Tiên đã phát hiện ra rằng, dầu đậu nành do Trung Quốc sản xuất thực ra là dầu “phế thải”, nghĩa là dầu ăn bẩn được tái chế từ dầu thải của nhà hàng.
Nguồn tin cho biết: “Giờ đây, người tiêu dùng Bắc Triều Tiên sẵn sàng chi nhiều hơn để mua dầu đậu nành từ các nước Đông Nam Á thay vì từ Trung Quốc. Một chai dầu đậu nành 5 lít được sản xuất ở Trung Quốc có giá từ 4,5 đến 5 USD, trong khi dầu đậu nành sản xuất ở các nước Đông Nam Á là khoảng 6 USD”.
Ngoài ra người này còn cho hay, người Bắc Triều Tiên từng nghĩ thực phẩm sản xuất tại đất nước họ là sạch và an toàn, nhưng giờ đây họ cũng đã phát hiện ra rằng nhiều nguyên liệu chế biến thực phẩm đều được nhập khẩu từ Trung Quốc, quốc gia vốn ‘nổi tiếng’ sản xuất thực phẩm độc hại.
“Ngày càng nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là phụ nữ quan tâm đến sức khỏe con cái đều đã ngừng mua thực phẩm có chứa các nguyên liệu hay thực phẩm do Trung Quốc sản xuất, chẳng hạn như xúc xích”.
Bên cạnh đó, một nguồn tin khác từ Trung Quốc cũng xác nhận dầu đậu nành do Trung Quốc sản xuất và xuất khẩu sang Triều Tiên thực sự là dầu phế thải. Người này còn cho biết công ty Triều Tiên mua dầu từ Trung Quốc đã cố ý muốn mua loại dầu phế thải rẻ tiền đó.
“Ông chủ của công ty Bắc Triều Tiên đó đã yêu cầu lấy loại dầu phế thải, sau đó công ty này bán lại cho các nhà máy chế biến thực phẩm. Trên thực tế, một số nhân viên trong công ty ấy cũng công khai tuyên bố sẽ không ăn bất kỳ loại thực phẩm nào được sản xuất tại Triều Tiên”, nguồn tin từ Trung Quốc cho hay.
Việc tái chế dầu phế thải bất hợp pháp tại Trung Quốc, sau đó bán cho các nhà hàng và người tiêu dùng đã bị phơi bày rộng rãi vào khoảng năm 2010.
Theo ông Dongping, giáo sư tại trường Đại học Bách khoa Vũ Hán, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 22,5 triệu tấn dầu ăn mỗi năm, trong khi sản lượng dầu ăn được sản xuất ở nước này hàng năm còn chưa đến 20 triệu tấn. Do đó, ông ước tính mỗi năm người dân Trung Quốc đã phải tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn dầu phế thải.
Điều này gây ra mối nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe người dân. Vì dầu phế thải thường bị nhiễm vi khuẩn, nấm, độc tố như chì, và các chất gây ung thư như: benzopyrene và aflatoxin… Chất béo động vật trong dầu tái chế đã trải qua quá trình thiu thối, oxy hóa, phân hủy và nhiễm bẩn nếu ăn vào người có thể gây tổn thương gan, ung thư, mất ngủ…
Nga “nổi đóa” vì tôm bẩn từ Trung Quốc
Người dân Trung Quốc thường gọi Bắc Triều Tiên là “người em cộng sản”, Nga cũng được gọi là “đàn anh cộng sản” của Trung Quốc. 2 tên gọi này vẫn được sử dụng cho đến ngày nay dù Liên Xô đã tan rã gần 2 thập kỷ. Bởi chính quyền Trung Quốc vẫn coi Nga như một đồng minh thân thiết mỗi khi cần tránh né sự lên án từ quốc tế.
Khác với người Triều Tiên chỉ biết âm thầm xử lý vấn đề thực phẩm bị nhiễm độc từ Trung Quốc, chính quyền Nga công khai đả kích mặt hàng tôm đông lạnh nhập khẩu từ “người anh em” này.
Tháng 9/2018, Cơ quan Liên bang về Ngư nghiệp ở Nga tuyên bố họ đã tiến hành 25 cuộc thanh tra tôm đông lạnh trên thị trường. Kết quả không nơi nào đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tôm đông lạnh ở Nga chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, ngoài ra một tỷ lệ nhỏ được nhập từ Việt Nam.
Cơ quan này cũng cho biết tôm từ Trung Quốc có chứa các hóa chất độc hại từ môi trường đánh bắt, đồng thời được cho dùng hormone tăng trưởng và thuốc kháng sinh quá liều.
“Những thực phẩm hải sản này rất bẩn và độc hại, thậm chí thức ăn mà người nuôi thủy sản ở Trung Quốc và Việt Nam sử dụng còn chứa chất thải kinh tởm như phân lợn. Họ cũng sử dụng lượng lớn thuốc kháng sinh và hormone tăng trưởng trong trang trại nuôi cá và tôm. Chúng tôi đang chi tiền để mua thực phẩm bẩn từ họ, những sản phẩm của sự tham lam”, ông Alexander Savelyev, người đứng đầu Cơ quan Thông tin Thủy sản Nga cho hay.
Video: Rùng rợn cảnh bơm “gel hóa học” vào tôm
Trung Quốc vốn có rất ít bạn bè trên trường quốc tế. Tuy nhiên, giờ đây ngay cả các mối quan hệ “huynh đệ” cộng sản cũng đang có nguy cơ lụi bại. Các vụ bê bối thực phẩm gần đây thực sự đang làm xói mòn ‘tình hữu nghị’ của quốc gia này với Bắc Triều Tiên, cũng như tình bạn lâu dài với Nga.
Thiện Thành (Theo Epoch Times)