Trật tự thế giới có thể bị đảo lộn bởi chiến thắng của ông Donald Trump
Trật tự quốc tế tồn tại trong nhiều năm qua có thể bị đảo lộn bởi chiến thắng của ông Donald Trump. Đồng thời, dư luận cũng không khỏi nghi ngờ về vị thế của Mỹ trên trường quốc tế trong tương lai.
Lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, cử tri Mỹ lựa chọn một tổng thống nhiều khả năng sẽ làm đảo lộn trật tự quốc tế được những người tiền nhiệm thuộc cả hai đảng duy trì trong hàng chục năm qua, bằng cách dựng nên những bức tường theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nhằm cô lập nước Mỹ, theo New York Times.
Bình luận viên Peter Baker nhận định rằng chiến thắng của ông Trump báo trước viễn cảnh Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào chính sách đối nội và để thế giới tự giải quyết những vấn đề đang tồn tại.
Sau khi Anh rời liên minh châu Âu, việc cử tri Mỹ lựa chọn một tổng thống theo trường phái bảo thủ có thể khiến các trào lưu dân túy, chủ nghĩa dân tộc, phong trào đóng cửa biên giới đang manh nha tại châu Âu lan sang nhiều khu vực khác trên thế giới.
“Chúng ta đang rơi vào trạng thái bất ổn và bấp bênh”, Crispin Blunt, chủ tịch ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh nhận định.
Cam kết triển khai một chính sách chặt chẽ về kinh tế và quân sự của Tổng thống đắc cử Mỹ khiến chính quyền nhiều nước đồng minh phải nghĩ đến một tương lai không có sự hỗ trợ từ Washington.
“Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có tiếp tục can dự vào các vấn đề quốc tế với vai trò như một đối tác tin cậy với bạn bè và đồng minh nữa hay không. Nếu chính sách này chấm dứt, tất cả các đồng minh của Mỹ tại châu Âu, Trung Đông và châu Á buộc phải xem xét lại cách thức tự phòng vệ”, chuyên gia Kunihiko Miyake thuộc Đại học Ritsumeikan, Nhật đánh giá.
Viễn cảnh rút quân khỏi Đức, nơi quân đội Mỹ hiện diện trong hơn 7 thập kỷ qua, đang gây ra tâm trạng bối rối cho giới chức nước này.
“Kỷ nguyên mà vũ khí nguyên tử và sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu lục có tác dụng bảo vệ cho toàn bộ các nước Tây và trung Âu sẽ chấm dứt. Châu Âu sẽ phải tự đảm bảo an ninh của mình”, Henrik Müller, giáo sư báo chí thuộc đại học Dormund, Đức khẳng định.
Chủ tịch ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức Norbert Röttgen cho rằng chiến thắng của ông Trump có thể khiến mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu rơi vào giai đoạn lạnh nhạt và tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.
Mexico có lẽ là quốc gia lo ngại nhất đối với chiến thắng của ông Trump do những tuyên bố xây tường ngăn cách giữa biên giới hai nước trước đây của ông.
“Tôi nhận thấy một mối đe dọa rõ ràng và thường trực”, Rossana Fuentes-Berain, giám đốc viện nghiên cứu chính sách đối ngoại độc lập Mexico Media Lab cho biết.
Với kim ngạch thương mại đạt 531 tỷ USD trong năm 2015, Mexico là đối tác lớn thứ 3 của Mỹ sau Canada và Trung Quốc. 5 triệu việc làm của Mỹ hiện phụ thuộc vào quan hệ kinh tế với nước láng giềng này.
Ngay sau khi ông Trump đắc cử, đồng peso của Mexico giảm 13%, mức giảm lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua và theo dự báo có thể sẽ mất giá đến 20% trong ngắn hạn.
Ngoài các đối tác truyền thống, nhiều quốc gia khác cũng đang lo lắng trước chiến thắng của ông Trump. Abubakar Kari, giáo sư chính trị thuộc Đại học Abuja, Nigeria cho biết hầu hết người dân nước này nhận định rằng chính quyền của ông Trump sẽ không bận tâm đến những vấn đề nằm ngoài nước Mỹ.
Trong khi đó mối quan hệ giữa Mỹ và Nga, một quốc gia hiếm hoi hoan nghênh chiến thắng của ông Trump cũng sẽ thay đổi cơ bản.
“Tổng thống Trump sẽ đẩy Mỹ chìm sâu vào khủng hoảng toàn diện. Mỹ sẽ bận rộn giải quyết những vấn đề nội bộ và không thể gây sức ép đối với ông Putin tại các điểm nóng trên thế giới. Như vậy, Nga sẽ rảnh tay để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị. Ví dụ, Moscow có thể tìm cách kiểm soát toàn bộ khu vực Liên Xô cũ và một phần Trung Đông”, Vladimir Frolov, nhà bình luận quốc tế của Nga đánh giá.
Giới chức Israel, một đồng minh thân thiết của Mỹ, cũng đang lo ngại về nguy cơ ông Trump sẽ chấm dứt sự hiện diện quân sự tại Trung Đông.
“Tình hình tại Syria đang rất hỗn loạn. Mỹ phải nhanh chóng xem xét việc có nên tiếp tục duy trì vai trò tích cực trong việc định hình sự phát triển của khu vực này hay không”, Yohanan Plesner, cựu nghị sĩ Quốc hội Israel tuyên bố.
Thậm chí, một số quốc gia có thể hưởng lợi từ chính sách hạn chế can thiệp của Mỹ cũng tỏ ra bất an về những hệ quả sắp tới. Nhìn bề ngoài có vẻ vô lý, nhưng Trung Quốc đang lo ngại trước cam kết rút quân khỏi châu Á của Tổng thống đắc cử Mỹ.
“Nếu ông Trump thực sự rút quân khỏi Nhật, nước này có thể phát triển vũ khí hạt nhân. Hàn Quốc cũng có thể tìm cách sở hữu loại vũ khí này, nếu ông Trump hủy bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa và để Seoul phải tự mình đối phó với những đe dọa từ Bình Nhưỡng”, Shen Dingli, giáo sư quan hệ thuộc Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, phân tích.
Theo Vnexpress