TQ đẩy ngân sách quốc phòng lên hơn 207 tỷ USD, ra lệnh quân đội chuẩn bị chiến tranh
Hôm 6/3, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ tăng ngân sách quân sự lên 1,35 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 207,8 tỷ USD) vào năm 2021, cao hơn 6,8% so với năm 2020. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi tăng cường tập trận, chuẩn bị cho chiến tranh.
Trong cuộc họp thường niên quan trọng nhất của đảng cầm quyền, được gọi là hai phiên, vào ngày 5/ 3, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói: “Chúng ta nên tăng cường toàn diện các cuộc tập trận quân sự và chuẩn bị đầy đủ cho chiến tranh.”
“Xây dựng quân đội hùng mạnh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của [nhà lãnh đạo Trung Quốc] Tập Cận Bình. Khẩu hiệu của ông ấy là xây dựng một ‘Trung Quốc hùng mạnh’. Tôi nghĩ ông Tập sẽ có những hành động gây hấn sau khi ông ấy có thể đảm nhiệm một nhiệm kỳ nữa [vào năm 2022],” nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc có trụ sở tại Hoa Kỳ, Tang Jingyuan, nói với Epoch Times vào ngày 7/3.
Ngân sách quân sự
Tờ báo Tân Hoa Xã do nhà nước Trung Quốc điều hành Cankao Xiaoxi đã đưa tin về ngân sách quân sự của Trung Quốc vào ngày 6/3.
Mặc dù báo cáo không trích dẫn bất kỳ con số chính thức nào, nhưng khẳng định dữ liệu là từ hai phương tiện truyền thông nước ngoài. Đây là một cách điển hình mà chính quyền Trung Quốc công bố thông tin mà họ có thể thay đổi trong tương lai hoặc không muốn công bố chính thức.
Báo cáo cho biết Trung Quốc sẽ chi 1,35 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 207,8 tỷ USD) cho quân đội vào năm 2021, cao hơn 6,8% so với ngân sách năm 2020.
Vào ngày 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thông báo rằng: “Mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội [GDP] của Trung Quốc vào năm 2021 không dưới 6%.” Ngân sách quốc phòng sẽ tăng 6,8%, cao hơn 0,8% so với GDP ước tính và phù hợp với các khoản đầu tư của chính quyền Trung Quốc trong những năm qua.
Ngân sách quân sự của Trung Quốc tăng 6,6% vào năm 2020, 7,5% vào năm 2019, 8,1% vào năm 2018, 6,94% vào năm 2017 và 7,46% vào năm 2016 — các con số này đều cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP trong năm, tờ 21st Century Business Herald do nhà nước điều hành đưa tin vào ngày 6/3.
Được biết trong năm 2020, nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, lũ lụt, hạn hán, nạn châu chấu, dịch tả lợn Châu Phi và xuất khẩu ở trạng thái “rơi tự do” trong nhiều tháng.
ĐCSTQ tuyên bố rằng tốc độ tăng trưởng GDP của họ là 2,3% vào năm 2020, nhưng các nhà kinh tế Trung Quốc không tin vào số liệu và ước tính tốc độ tăng trưởng thực có khả năng là âm. Cùng năm, Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng lên 6,6% và chi 1,27 nghìn tỷ nhân dân tệ (194 tỷ USD) cho chi tiêu quân sự.
Tham vọng
Trong báo cáo hai phiên họp của mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc có kế hoạch tăng cường quân đội vào năm 2021 bằng cách thực thi 5 khía cạnh: chính trị, cải cách, công nghệ, nhân tài và quản lý bằng luật pháp.
Ông Lý cũng yêu cầu chính quyền địa phương ở các cấp khác nhau hỗ trợ sự phát triển của quân đội.
Trong tài liệu dự thảo, có tiêu đề, “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 cho sự phát triển kinh tế và xã hội quốc gia của Trung Quốc và bản phác thảo các mục tiêu dài hạn cho năm 2035,” được công bố lần đầu tiên tại hai phiên họp vào ngày 5/3, chính quyền nhấn mạnh rằng quân đội phải trung thành với ĐCSTQ. Tài liệu cũng cho biết việc phát triển công nghệ trong các lĩnh vực sau là vô cùng quan trọng: đại dương, vũ trụ, không gian mạng, sinh học, năng lượng mới, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ lượng tử.
Kế hoạch cho hay các phát triển công nghệ phải được thực hiện thông qua sự hợp tác giữa quân đội và dân sự, mà chính quyền Trung Quốc gọi là sự hợp nhất dân sự-quân sự.
Tài liệu giải thích: “Quân đội và dân thường nên lập kế hoạch phát triển công nghệ nói chung, chia sẻ các nguồn lực và cơ sở vật chất với nhau, chuyển giao công nghệ cho cả hai mục đích sử dụng và cùng phát triển các doanh nghiệp chủ chốt.”
Kế hoạch đề cập đến nguồn nhân lực: “Tăng cường đào tạo chung quân nhân và dân sự, hoàn thiện hệ thống hỗ trợ nhân viên làm việc cho cả quân sự hoặc dân sự, thiết lập các chứng chỉ trình độ chung [mà cả quân đội và dân sự đều chấp nhận].”
Kế hoạch này đã nhắc lại nhiều lần về việc hiện đại hóa và phát triển các loại vũ khí tiên tiến, đồng thời trang bị cho quân đội những vũ khí thông minh.
Mục tiêu
Chính quyền Trung Quốc tiếp tục tuyên bố rằng phát triển quân đội là vì mục đích quốc phòng.
Vào ngày 28/2, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đăng một câu hỏi trên tài khoản WeChat chính thức của mình: “[trong những năm gần đây], Trung Quốc không ngừng tăng cường lực lượng quân sự và ‘khoe cơ bắp’ của nó với thế giới. Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng hơn khi có tranh chấp với các nước láng giềng. Điều này có nghĩa là Trung Quốc đã thay đổi chính sách quốc phòng mang tính phòng thủ của nó?”
Bộ Quốc phòng sau đó tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không theo đuổi chủ nghĩa bá quyền cũng như không bành trướng và tin tưởng vào khả năng phòng thủ.
Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, chẳng hạn như việc thực hiện các cuộc tập trận quân sự, điều khiển tàu sân bay và đưa máy bay chiến đấu đi vào không phận của Đài Loan. Vào tháng 8/2020, Bắc Kinh phóng tên lửa đạn đạo ra Biển Đông nhằm vào các tàu sân bay tưởng tượng của nước ngoài.
“[Chúng ta] đều biết rằng chính quyền Trung Quốc luôn háo hức muốn thống nhất Đài Loan [với đại lục]. Đó chỉ là một câu hỏi về thời gian,” Nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc có trụ sở tại Hoa Kỳ, Tang Jingyuan cho biết.
Tang tin rằng Tập Cận Bình muốn Trung Quốc cạnh tranh với Hoa Kỳ, đó là lý do mà ông đặt khẩu hiệu chính trị của chính quyền mình là “Trung Quốc hùng mạnh”. Khẩu hiệu của ông Tập khác với khẩu hiệu “đứng lên” của cựu lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông và “Trung quốc giàu mạnh” của Đặng Tiểu Bình.
“Chính phủ Trung Quốc gọi Đài Loan là hòn đảo kho báu. Nó muốn chiếm Đài Loan, điều này có thể làm cho chính quyền Bắc Kinh mạnh hơn,” Tang cho biết thêm.
Dựa trên quan sát của mình, Tang tin rằng ông Tập có kế hoạch thống nhất Đài Loan với đại lục trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
“Chính quyền Bắc Kinh đã e ngại Hoa Kỳ và các đồng minh khi họ nghĩ đến việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực trong những thập kỷ qua. Giờ đây, nền kinh tế Hoa Kỳ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, và Biden tỏ ra mềm mỏng đối với Trung Quốc. Đây là cơ hội tốt để Bắc Kinh khơi mào chiến tranh ở eo biển Đài Loan. Nhưng bây giờ không phải là thời điểm tốt, ” Tang nói.
Thế vận hội mùa đông Olympic 2022 sẽ do Bắc Kinh đăng cai và bắt đầu vào ngày 4/2/2022. Sự kiện này nhằm mục tiêu thúc đẩy hòa bình, nhưng Trung Quốc sẽ mất vai trò chủ nhà nếu phát động chiến tranh trước hoặc trong khi diễn ra Thế Vận Hội.
“Điểm quan trọng nhất là Tập Cận Bình lo lắng về vị trí của mình trong chính quyền, hay chính xác hơn là Đảng. [Các cựu lãnh đạo] phe của Giang Trạch Dân và những người ủng hộ Hồ Cẩm Đào không ủng hộ Tập. Nếu Tập phát động chiến tranh ngay lúc này, ông ta sẽ mất đi quyền lực nếu không thể thống nhất Đài Loan trong một thời gian cực ngắn… đại loại như trong vòng một tuần,” Tang nói.
“Ưu tiên hàng đầu hiện tại của ông Tập là giữ địa vị của mình trong một nhiệm kỳ khác, nhiệm kỳ này sẽ được xác định vào mùa thu năm 2022. Nếu chính quyền Biden không thể hiện sự hỗ trợ rõ ràng và mạnh mẽ [đối với Đài Loan], thì Đài Loan sẽ gặp nguy hiểm vào thời điểm đó,” Tang cho biết thêm.
Quân đội Hoa Kỳ chính quyền Trung Quốc là một mối đe dọa và thường xuyên gửi hàng không mẫu hạm đến Biển Đông.
Trong một thông điệp với Lực lượng Hoa Kỳ vào ngày 4/3, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết: “Bộ sẽ ưu tiên Trung Quốc là thách thức số một của chúng tôi và sự phát triển các quan niệm, khả năng và kế hoạch hoạt động phù hợp để tăng cường khả năng răn đe và duy trì lợi thế cạnh tranh của chúng tôi.”
Thiện Thành
Theo theepochtimes.com