TP.HCM: Shipper không dám ra đường, đơn hàng thực phẩm online ùn ứ
Từ sáng ngày 26/7, TP.HCM siết chặt tình trạng giãn cách xã hội, kể cả hoạt động của shipper giao nhận hàng hóa thiết yếu khiến nhiều người trong nghề không dám ra đường. Hoạt động bán hàng tại các điểm bán lưu động đã được cho phép cũng gặp khó khăn.
Chia sẻ với báo Thanh Niên, đại diện siêu thị Aeon Việt Nam cho biết, ngay từ sáng nay (26/7) nhiều nhân viên không thể đến được siêu thị làm việc dù đã có giấy xác nhận của công ty vì các chốt chặn kiểm tra rất gắt gao.
Không chỉ vậy, việc giao thực phẩm với các đơn hàng online của siêu thị cũng gặp nhiều khó khăn khi các nhân viên giao nhận hàng của siêu thị không thể đi ra khỏi quận Tân Phú, còn siêu thị lại không thể gọi được shipper từ dịch vụ Ahamove khiến hàng trăm đơn hàng đã được soạn xong mà không thể giao cho khách.
Cũng gặp cảnh tương tự, Giám đốc hệ thống Di Động Việt Nguyễn Ngọc Đạt, người đang triển khai chương trình ‘Thực phẩm chia sẻ’ cho biết, hiện bên ông “còn hơn mấy ngàn đơn mà nghe nói là nghiêm rồi phạt shipper các loại”, nên giờ không shipper nào dám nhận đơn, khiến ông không biết phải làm sao.
Theo ông Đạt, tính từ sáng đến gần trưa nay (26/7), chỉ có hơn 30 đơn hàng được giao, bằng khoảng 20% sáng hôm 25/7. Dù các nhân viên ôm điện thoại liên tục đặt shipper từ Ahamove cho đến Grab nhưng đều không được vì trước đó đã có shipper bị phạt 2 triệu nên những người khác không ai dám nhận đơn.
Đơn vị sau đó phải liên hệ với một phường để đăng ký cho danh sách nhân viên giao nhận thực phẩm thì phường trả lời chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nên phải chờ.
Tình trạng siết chặt hoạt động giao thông ngay tại TP như hiện nay khiến thực phẩm rơi vào cảnh ‘nơi thừa nơi thiếu’.
Cụ thể, những ngày qua, chương trình ‘Thực phẩm chia sẻ’ bên ông Đạt đã có một đại lý bắp, trong kho ở Hóc Môn hiện còn hơn 2 tấn, dự định sẽ cho xe giao trong TP. Nhưng ngay đầu hẻm nhà đại lý này lại có một chốt chặn, khi tài xế mới đưa hàng ra xe đã bị phạt nên lại phải quay về.
Tương tự, với mục đích tăng cường trữ lạnh thịt heo nhằm bán giá hỗ trợ cho người dân, ông Đạt đã đặt mua thêm 10 tủ đông từ thứ 6 tuần qua và nhà cung cấp báo sáng 26/7 sẽ giao hàng nhưng khi bên này vừa xuất hàng ra khỏi kho thì cũng gặp ngay trạm kiểm soát và bị bắt quay trở lại vì không phải hàng thiết yếu.
“Giờ 500kg thịt heo đã đặt của CP giao qua không biết lấy gì trữ. Mà không trữ thì hư thối và số này phải bỏ đi. Rất nhiều người dân vẫn đang không có thực phẩm, mình có thì không giao được rồi làm sao?”, ông Đạt lo lắng nói…
Cũng chia sẻ về tình trạng trên, đại diện Hội Doanh nghiệp quận Bình Tân sáng 26/7 cho biết, các đơn hàng online mua rau theo combo giá rẻ từ Hội đã quá tải ngay từ đầu giờ mở bán; các tình nguyện viên, nhân viên hỗ trợ giao hàng đến 24 giờ khuya hôm qua (25/7) vẫn chưa hết.
Sáng nay (26/7), do việc người dân xếp hàng chờ mua rau tại các điểm bán hàng động của Hội đông, nên cũng bị lực lượng chức năng yêu cầu tạm ngưng bán từ hôm nay để phòng chống dịch.
Được biết, Hội Doanh nghiệp quận Bình Tân đã tổ chức bán rau, trái cây giá vốn từ các nhà vườn các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ và Lâm Đồng từ 3 ngày qua.
Vào hôm nay, Hội xây dựng 8 loại combo rau đồng giá 50.000 đồng/combo với 500 phần rau củ (củ cải trắng 1kg, bí đỏ 1kg, dưa leo 1kg, cải nhún 1kg, hành lá 150gr); 500 phần rau trái (bí xanh 1kg, cà rốt 1kg, khoai tây 1kg, hành lá 150gr); 300 phần rau các loại, mỗi phần gồm cà tím 1kg, bắp cải 1kg, bí đỏ 1kg, dưa leo 1kg, hành lá 150gr; 200 phần rau củ (bí đỏ 1kg, dưa leo 1kg, rau muống 2kg, hành lá 150gr); 1.000 phần (giá 100.000 đồng/phần) các loại làm nước uống để kháng chống dịch Covid-19 như gừng 0,5kg, chanh 2kg, sả 0,5kg, mật ong chai 180gr; 500 phần gồm dưa leo 2kg, rau má 2kg, đậu đũa (hoặc đậu bắp) 1kg; 1.000 phần rau muống 2kg, rau má 1kg, dưa leo 1kg, cải thìa (hoặc cải ngọt) 1kg; 500 phần trái cây gồm 2kg nhãn xuồng cơm vàng, 2kg ổi nữ hoàng hoặc ổi Đài Loan.
Vũ Tuấn (t/h)