Tòa tuyên bố Lê Linh là tác giả duy nhất của Thần đồng đất Việt
Sau 12 năm ròng rã theo đuổi vụ kiện, cuối cùng họa sĩ Lê Linh cũng được TAND Q1 TP.HCM công nhận là tác giả duy nhất của ‘Thần đồng đất Việt’, Phan Thị được xác định là chủ sở hữu truyện.
Sáng 3/9, sau một tuần nghị án, TAND TP.HCM đưa ra phán quyết vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ 4 hình tượng nhân vật truyện ‘Thần đồng đất Việt’ giữa nguyên đơn là ông Lê Linh, bị đơn là Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh.
Tòa tuyên ông Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo trong bộ truyện này, bà Mỹ Hạnh không phải là đồng tác giả và công ty Phan Thị là chủ sở hữu truyện.
Theo đó, Tòa buộc công ty Phan Thị phải chấm dứt các hoạt động sử dụng 4 hình tượng nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo trên các biến thể khác nhau; buộc công ty Phan Thị phải xin lỗi ông Lê Linh trên 3 kỳ liên tiếp trên hai tờ báo: Thanh Niên và Tuổi Trẻ, đồng thời yêu cầu công ty Phan Thị phải thanh toán 15 triệu đồng chi phí luật sư của ông Lê Linh.
Trao đổi với phóng viên, họa sĩ Lê Linh cho rằng việc HĐXX công nhận ông là tác giả duy nhất của 4 hình tượng trong Thần đồng đất Việt là tất yếu, phía Phan Thị có kháng cáo cũng không thể thay đổi được. ‘Kết quả bản án phúc thẩm Thần đồng đất Việt là tất yếu’, ông Linh chia sẻ.
Bộ truyện tranh thiếu nhi nhiều tập ‘Thần đồng đất Việt’ đã được cấp phép xuất bản tại Việt Nam vào tháng 2/2002, thực hiện bởi tác giả Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) và Công ty Phan Thị. Bộ truyện được Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận vào tháng 5/2002 cho đồng tác giả là ông Lê Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, riêng quyền tài sản (các quyền khai thác, sử dụng tác phẩm…) thuộc về Công ty Phan Thị.
Tuy nhiên, sau khi phát hành đến tập thứ 78 thì họa sĩ Lê Linh quyết định ngưng cộng tác với công ty Phan Thị. Từ đó các tập tiếp theo của bộ truyện tiếp tục ra đời không đề tên tác giả họa sĩ là ông Linh, dù vẽ giống nhân vật của ông Linh.
Trước sự việc này, họa sĩ Lê Linh cho rằng ông là tác giả của bộ truyện nên có quyền bảo vệ sự toàn vẹn đối với tác phẩm mà không ai có quyền sáng tác các tập tiếp theo dựa trên các nhân vật có sẵn trong bộ truyện. Vì vậy, từ tháng 4/2007, họa sĩ Lê Linh chính thức khởi kiện Công ty Phan Thị lên Tòa án Kinh tế TP.HCM.
Trong thời gian chờ đợi tòa án phân xử, đầu năm 2008, họa sĩ Lê Linh cho ra đời một bộ truyện tranh mới có tên gọi “Long Thánh” với những nhân vật chính: Long Tinh, Lưu Đại sư, Rồng Long Nhí…
Vũ Tuấn (t/h)
Xem thêm:
- Truyện tranh online: Lòng tự trọng của người câu cá
- Những điều thú vị về bộ truyện tranh đình đám “Nhóc Maruko”
- Trung Quốc: Đất nước được tự do vi phạm quyền sở hữu trí tuệ