Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: Người Trung Quốc đang sống rất ngột ngạt
Sau khi dịch viêm phổi bùng phát tại Vũ Hán, luật sư Trần Thu Thực, cư dân Vũ Hán Phương Bân, cựu phóng viên CCTV Lý Trạch Hoa đã trở thành “phóng viên công dân”, tiết lộ sự thật về dịch bệnh. Tuy nhiên, cả ba người đã lần lượt bị chính quyền đưa đi. Một nhà nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã chỉ ra rằng “Người Trung Quốc đều đang sống rất ngột ngạt, không có tự do ngôn luận”.
Nhà nghiên cứu “Tổ chức theo dõi nhân quyền” Vương Á Thu đã tiết lộ với “Apple Daily”, từ cuối năm 2018, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt đầu xử lý toàn diện những người dùng Twitter “vượt tường lửa” ở Đại lục, hàng trăm đến hàng nghìn người đã bị bắt vì họ có ngôn luận phản đối chính phủ trên Twitter.
“Những người này ở trong nước đều rất sợ hãi, tôi có liên lạc với một số người, bây giờ đăng tải lên Twitter cũng rất nguy hiểm. Tôi cũng không đăng bất kỳ tin nhắn cá nhân nào lên Twitter, bởi vì trong nước có một cách mà cảnh sát có thể tìm ra ai là người dùng Twitter”, Vương Á Thu tiết lộ.
Cô cũng chỉ ra, nhóm người từ Trung Quốc ra nước ngoài cũng sẽ phát ngôn một cách cẩn thận trên mạng xã hội nước ngoài. “Họ chủ yếu lo lắng về việc mình có thể trở về nước hay không, người thân có an toàn không. Nói chung, bạn đến từ Đại lục, bạn ở Đại lục hay ở nước ngoài thì vẫn phải lo ngại khi đăng bài trên Twitter… Đây là những điều mà sinh viên Đại lục đều biết, họ sẽ suy nghĩ xem ngôn luận ở nước ngoài có ảnh hưởng tới người thân hay không, tự kiểm duyệt là một hiện tượng rất phổ biến”.
Vương Á Thu, người đã quan sát các vấn đề ngôn luận của Trung Quốc trong 15 năm, nói rằng nhà văn Tứ Xuyên Đàm Tác Nhân tiết lộ công trình “bã đậu” của trận động đất Tứ Xuyên và đã bị kết án 5 năm vào năm 2010. “Bất kỳ cuộc điều tra độc lập nào cũng nguy hiểm”.
Về sự biến mất của Trần Thu Thực, Phương Bân và Lý Trạch Hoa sau khi đi sâu vào Vũ Hán để phơi bày sự thật của dịch bệnh, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền luôn liên lạc với bạn bè của ba người, nhưng “họ đều nói rằng bây giờ không tiện để nói”. Cô thẳng thắn nói: “Tình hình những năm gần đây càng tồi tệ hơn, vì thế họ bị đưa đi… không phải là một điều ngạc nhiên đối với tôi”.
Vương Á Thu chỉ ra: “Trần Thu Thực là người đầu tiên bị cảnh sát bắt đi, khi bị đưa đi nói là ‘cách ly y tế’. Cách ly được 14 ngày thì nên được thả ra rồi chứ, nhưng bây giờ đã hơn 2 tháng, không có bất kỳ một tin tức nào; Phương Bân cũng tương tự”.
Đối với Lý Trạch Hoa, người đã từng làm việc tại CCTV, anh đã đi vào Vũ Hán để đưa tin. Vương Á Thu cho rằng anh Lý chỉ là một ví dụ cá nhân. “Anh ta phải đối mặt với nguy hiểm rất lớn, nhưng vẫn làm điều đó”.
Phương Bân, người đã chụp ảnh nhiều thi thể trong Bệnh viện Vũ Hán, đã đăng một dòng chữ trên Youtube là “Toàn dân phản kháng, trả lại chính quyền cho người dân” thì đã bị cảnh sát ĐCSTQ đến đập cửa và mang đi.
Vương Á Thu cho rằng, Phương Bân và những người khác đang làm một việc truyền cảm hứng: “Khi bạn nhìn thấy một người nói ‘Tôi là Trần Thu Thực, tôi chỉ trích chính phủ ĐCSTQ’, đây là một việc rất rúng động. Vì sao Trần Thu Thực lại lựa chọn con đường như vậy? Bởi vì luôn có những người rất dũng cảm, với những người này, tự do ngôn luận là nhân quyền thiên phú. Mỗi xã hội đều có những người như vậy, rất đáng ngưỡng mộ”.
Đối với triển vọng của các nhà báo công dân Đại lục, Vương Á Thu nói một cách bi quan: “Triển vọng khá ảm đạm, kỹ thuật ‘vượt tường lửa’ bằng VPN ngày càng khó, chính phủ phát hiện ra bạn ngày càng nhiều hơn, sau đó hình phạt dành cho bạn ngày càng nặng hơn. Vậy nên, hiện có rất ít người Đại lục dám làm”.
Cô chỉ ra, trong những năm gần đây, một số luật sư bảo vệ nhân quyền và tù nhân chính trị sẽ bị buộc đưa lên TV để nhận tội. Mới đây, Trịnh Văn Kiệt, một nhân viên của Lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông, cũng bị công an ĐCSTQ ép lên sóng và nhận tội. Sau khi dịch bệnh kết thúc, “tôi không biết liệu điều đó có xảy ra với Trần Thu Thực và những người khác không”.
Có người đã giúp sắp xếp lại các bài đăng của Trần Thu Thực trên Twitter, cho đến ngày 5/5, anh ta đã mất tích hơn 87 ngày sau khi phỏng vấn về dịch bệnh ở Vũ Hán. Từ Hiểu Đông, bạn của Trần Thu Thực đã nói với Apple Daily rằng, qua một nguồn tin biết được Trần Thu Thực đã bị an ninh quốc gia đưa đi và tiếp nhận “giám sát cư trú”, nhưng anh ta cũng không thể biết được nơi ở của bạn mình.
Trước đó, Trần Thu Thực đã đến Hồng Kông để đưa tin về phong trào phản đối dự luật dẫn độ, lần này lại vạch trần sự thật về dịch bệnh ở Vũ Hán, Từ Hiểu Đông tin rằng: “Tôi thấy những hành động của Thu Thực tại Vũ Hán là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, không có bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào.
Nếu nói cậu ấy đi khắp nơi trong lúc dịch bệnh, thì chỉ vi phạm một số quy định, nhưng không vi phạm pháp luật quốc gia, nên hy vọng Thu Thực sẽ xuất hiện sớm một chút, chính quyền sớm có một lời giải thích pháp lý rõ ràng cho mọi người”.
Ông Từ cũng nói rằng, thông tin ở Trung Quốc khá nghiêm ngặt, chính phủ ĐCSTQ vốn không cho công chúng biết thông tin dịch bệnh. “Tôi cũng không biết tình hình thực tế, một khi biết tôi nhất định sẽ nói, nhưng bây giờ vì sự phong tỏa tin tức và không minh bạch, tôi thực sự cũng không biết nhiều chuyện”.
Luật sư Trần Thu Thực đã đến Vũ Hán một ngày sau khi đóng cửa Vũ Hán vào ngày 23/1, anh đã đứng trước ống kính, cam đoan với mọi người rằng anh ra sẽ không bao giờ tung tin đồn nhảm, mà nói đúng sự thật. Sau đó, anh đã đăng tải những video về tình hình thực tế ở bệnh viện, chợ hải sản, đường phố ở Vũ Hán, phơi bày với ngoại giới về một Vũ Hán rất khác với truyền thông chính thức.
Những bài đưa tin của anh đã kết thúc đột ngột vào ngày 7/2, cuối cùng anh nói với mẹ mình trên kênh Youtube rằng anh phải đi quay tình hình bệnh viện cabin ở Vũ Hán, và rồi mất tích vào ngày hôm đó, đến nay vẫn không có tin tức.
Doanh nhân Vũ Hán Phương Bân đã quay được tình hình bi thảm của 8 thi thể vào ngày 1/2, nhưng bị gỡ bỏ trong 5 phút, sau đó bị công an ĐCSTQ đưa đi mấy tiếng mới được thả ra.
Vào ngày 9/2, đoạn video cuối cùng mà anh công bố trên Youtube cho thấy dòng chữ “Toàn dân phản kháng, trả lại chính quyền cho người dân”. Sau đó, những người mặc áo phòng hộ gõ cửa yêu cầu kiểm tra nhiệt độ, anh nói nhiệt độ của mình không có vấn đề gì, cố gắng từ chối, nhưng nhân viên chữa cháy đã đập phá cửa vào phòng, cảnh sát ĐCSTQ mặc thường phục cưỡng chế đưa đi.
Lý Trạch Hoa, cựu phóng viên của CCTV, đã đến phỏng vấn tại Cư xá Bách Bộ Đình ở Vũ Hán, nơi tổ chức Vạn gia yến, nhà tang lễ tuyển dụng nhân viên vận chuyển xác với giá trên trời, và Nhà ga Vũ Xương, nơi những người lao động di cư từ nơi khác đến… Cuối cùng, anh đã đụng chạm vào “dây đỏ” là Phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán.
Ngày 26/2, Lý Trạch Hoa chia sẻ trên kênh Youtube của mình rằng anh bị công an đuổi bắt vì đã đến thăm phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán. Phòng thí nghiệm này bị nghi ngờ là nguồn gốc của dịch. Tối hôm đó, Lý Trạch Hoa phát sóng trực tiếp trên YouTube trong 4 giờ, cuối cùng có mấy người đeo khẩu trang đã bước vào phòng anh. Màn hình trực tiếp biến thành màu đen.
Ngày 22/4, Lý Trạch Hoa bất ngờ xuất hiện trên kênh Youtube cá nhân, cho biết ngày ghi hình là 16/4, thế giới dường như đã thay đổi đối với anh kể từ tháng trước.
Anh kể lại rằng mình đã bị cảnh sát bắt đi vào ngày 26/2 vì “nghi ngờ gây rối trật tự công cộng”. Đêm khuya hôm sau, trưởng đồn công an đã sắp xếp anh đến một khách sạn chỉ định để quan sát y tế, điện thoại đưa cho bạn bè giữ. Cho đến ngày 14/3, anh với người thân đã về quê cách ly cho đến ngày 28/3.
Gia Hưng (Theo NTDTV)