TNS. Ted Cruz: Báo cáo của WHO về nguồn gốc coronavirus là “đáng xấu hổ” vì tuyên truyền cho ĐCSTQ
Gần đây, thượng nghị sĩ Ted Cruz cho rằng báo cáo của WHO về nguồn gốc coronavirus là “đáng xấu hổ”, vì bắt chước câu chuyện của ĐCSTQ rằng căn bệnh không xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Hôm 10/2, thượng nghị sĩ bang Texas đã tweet rằng: “Lúc đại dịch mới bắt đầu, WHO hành động giống như một công cụ tuyên truyền cho ĐCSTQ. Tổ chức này đã giúp tuyên truyền những lời giả dối của ĐCSTQ về đại dịch. Và ngay bây giờ, WHO kết luận rằng virus không phải “vô tình” lọt ra khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán chỉ vì…. ĐCSTQ đã bảo WHO phải nói như vậy”.
Vừa qua, Peter Embarek – một khoa học gia người Đan Mạch, là người dẫn đầu nhóm WHO đến Vũ Hán để điều tra về nguồn gốc của virus. Anh ta đã phủ nhận tuyên bố rằng, virus có thể “bị xổng” ra từ phòng thí nghiệm virus địa phương tại Vũ Hán, và cho rằng điều đó “khó có khả năng” xảy ra.
Nhóm của Embarek bắt đầu cuộc viếng thăm đến phòng thí nghiệm vào ngày 3/2 và kết thúc chuyến đi vào ngày 9/2. Theo Embarek, nguồn lây lan vẫn có thể xuất phát từ dơi.
Ông nói rằng: “Giả thuyết về sự cố ở phòng thí nghiệm là không đủ thuyết phục để giải thích cho việc lây lan của virus vào cộng đồng. Vì vậy chúng tôi sẽ không khuyến khích nghiên cứu sâu thêm về giả thuyết này trong tương lai.” WHO nói rằng, phải mất nhiều năm mới tìm ra được nguồn gốc của coronavirus.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz phát biểu trên đài Fox News rằng: “Tôi nghĩ báo cáo đó thật đáng xấu hổ. Thay vì hành động như những chuyên gia y tế “chuyên nghiệp” và nhanh chóng dập tắt dịch bệnh, WHO lại đi tuyên truyền những lời dối trá của ĐCSTQ”.
Vào ngày 9/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẽ trình bày kết luận cuối cùng của mình sau khi xem xét báo cáo đầy đủ của WHO. Họ vẫn nghi ngờ về mức độ minh bạch của các chuyên gia WHO trong thời gian đoàn này ở Vũ Hán.
Nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc Yuan Hongbing, đồng thời là một nhà phê bình học thuật, ông lên án những phát hiện của WHO về nguồn gốc của đại dịch là “một trò hề do chính quyền ĐCSTQ dàn dựng”. Ông còn nói thêm rằng ĐCSTQ có khả năng lợi dụng tổ chức này để giảm nhẹ trách nhiệm, vì đã gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu.
WHO nhiều lần bị cáo buộc làm theo lệnh của ĐCSTQ
WHO đã nhiều lần bị cáo buộc làm theo chỉ thị của ĐCSTQ. Một báo cáo của các thành viên Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện vào tháng 9/2020 nói rằng, ĐCSTQ đã tích cực che đậy thông tin xung quanh sự lây lan của coronavirus, và WHO đã cho phép ĐCSTQ làm điều đó bằng cách ca ngợi ĐCSTQ và “lặp lại” các lập luận của bộ máy này.
Vào tháng 7/2020, chính quyền Trump đã tuyên bố kế hoạch rút khỏi WHO. Cựu Tổng thống Donald Trump cho biết tổ chức này đã thất bại trong việc điều tra nguồn gốc của coronavirus, vì nó mâu thuẫn với các nguồn tin đáng tin cậy từ Bắc Kinh về sự lây lan của virus. Đồng thời, WHO trước đó còn khẳng định giả thuyết rằng sự lan truyền từ người sang người là không xảy ra.
Taro Aso – Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính Nhật Bản chỉ ra rằng, một số người đã bắt đầu gọi WHO là “Tổ chức Y tế Trung Quốc” vì “mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh”. Các quan chức Đài Loan cho biết, WHO đã phớt lờ những cảnh báo ban đầu của họ về virus chỉ vì Trung Quốc từ chối cho phép Đài Loan – một hòn đảo tự trị mà tự họ tuyên bố là lãnh thổ của mình trở thành thành viên.
Các nhà phê bình đã chỉ trích tổ chức này và lãnh đạo của nó – Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, vì đã đi quá chậm trong việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Họ cho biết WHO đã quá tin tưởng vào chính phủ Trung Quốc, và thậm chí ban đầu họ đã cố gắng che giấu sự bùng phát ở Vũ Hán.
Vào tháng 12/2019, các quan chức y tế Trung Quốc liên tục hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát, khi các trường hợp viêm phổi do virus bí ẩn lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán.
Tháng 1/2020, khi virus lây lan ra ngoài biên giới Trung Quốc, các quan chức Trung Quốc đã tuyên bố rằng bệnh dịch “có thể ngăn ngừa và kiểm soát được.” Họ cho biết không có bằng chứng rằng nó có thể lây truyền giữa người với người trên diện rộng. Cùng thời điểm giữa tháng 1, WHO đã tán thành với các tuyên bố của chính phủ rằng, sự lây truyền từ người sang người vẫn chưa được chứng minh.
WHO miễn cưỡng tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu
Vào cuối tháng 1/2020, virus đã lây lan sang nhiều quốc gia và buộc Trung Quốc phải đóng cửa các khu vực của tỉnh Hồ Bắc. Đến thời điểm đó, WHO mới miễn cưỡng tuyên bố đây là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.
Các quan chức của WHO vào thời điểm đó cho biết, Ủy ban đã thảo luận về dịch bệnh và đã tranh cãi về câu hỏi có nên gọi đây là tình trạng khẩn cấp hay không. Cuối cùng họ kết luận rằng còn quá sớm để đưa ra quyết định. Thậm chí, một quan chức cho biết họ đã cân nhắc đến những nguy cơ “tiềm tàng” của một tuyên bố như vậy đối với người dân Trung Quốc.
WHO đã đưa ra ý kiến rằng các hạn chế đi lại là không cần thiết, khi Hoa Kỳ công bố lệnh cấm đối với hầu hết các công dân nước ngoài đã ghé thăm Trung Quốc trong thời gian gần đó. Đến tận ngày 11/3, tổ chức này mới chính thức tuyên bố sự lây lan của Coronavirus là một đại dịch.
Một số chuyên gia lập luận rằng sự chậm trễ của WHO trong việc đưa ra tuyên bố đã tước đi thời gian quý báu của các quốc gia khác, trong việc chuẩn bị cho các bệnh viện đối với sự tăng đột biến về bệnh nhân trong thời gian sắp tới.
François Godement, cố vấn cấp cao về châu Á tại Institut Montaigne, một nhóm phi lợi nhuận ở Paris cho biết: “Sự chậm trễ của WHO đã góp phần làm trì hoãn việc áp dụng các biện pháp mạnh, trước khi thảm họa thực sự đổ bộ vào các bờ biển khác. Sự miễn cưỡng của WHO trong việc chỉ ra vấn đề một cách dứt khoát là lợi thế cho những ai muốn trì hoãn các quyết định khó khăn”.
Một số người cho rằng chính sự cả nể của tổ chức này với chính quyền Trung Quốc đã làm dịch bệnh thêm trầm trọng. Yanzhong Huang, chuyên gia y tế toàn cầu chuyên về Trung Quốc tại Đại học Seton Hall cho biết: “Họ đã có thể mạnh tay hơn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng khi đang có sự che đậy và không có hành động nào để ngăn chặn đại dịch”.
Huang lưu ý rằng trong đợt dịch SARS năm 2002 và 2003, WHO đã từng thúc đẩy chính phủ Trung Quốc minh bạch hơn bằng cách công khai chỉ trích họ cố gắng che giấu sự bùng phát.
Khánh Nghi (t/h)