Tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung Quốc đã bị thương mại hóa đến mức nào?
Các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc khuyến khích phát triển chùa chiền, tu viện đều chỉ nằm mục đích thu hút khách du lịch và giả tạo tự do tôn giáo trong khi vẫn âm thầm kiểm soát, thậm chí khủng bố đức tin.
Các nhà sư luyện kungfu ở chùa Thiếu Lâm là những người tu hành nổi tiếng trên thế giới, được miêu tả trong vô số bộ phim và chương trình truyền hình. Tuy nhiên dưới sự cai trị của ĐCSTQ, ngôi chùa lịch sử này chỉ còn lại một vỏ bọc. Nó không còn là nơi dành cho tín ngưỡng tâm linh nữa, mà là một đế chế kinh doanh với nhiều công ty được thành lập, trong đó có: một công ty điện ảnh, truyền hình, học viện mỹ thuật, nhà xuất bản, và đoàn biểu diễn kịch.
Thiếu Lâm Tự đã cho thuê khuôn viên làm địa điểm tổ chức các sự kiện, trong đó có một cuộc thi “thời trang bikini” diễn ra vào mùa hè năm 2009. Cuối năm đó, ngôi chùa này còn được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Việc thương mại hóa tôn giáo trắng trợn như trên đã được chính quyền Trung Quốc áp dụng trong hàng thập kỷ qua. Trong thời Đại Cách mạng Văn hóa, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông đã phát động chiến dịch “phá tứ cựu”, tiêu diệt tất cả tư duy cũ, văn hóa cũ, thói quen cũ và phong tục cũ, đồng thời chỉ huy phá hủy vô số di tích lịch sử, chùa chiền, tu viện và những địa điểm mang giá trị văn hóa trên khắp đất nước.
>>> Câu chuyện có thật: Quả báo nhãn tiền vì hủy hoại tượng Phật
Tuy nhiên, khi nền kinh tế Trung Quốc cải cách mở cửa, chính quyền địa phương đã thu được lợi nhuận từ sự quan tâm ngày càng lớn đối với các ngôi chùa Phật giáo và các tu viện Đạo giáo. Để thúc đẩy nền kinh tế địa phương, các công trình bị phá hủy trước đây được trùng tu, xây dựng lại và phát triển thành các điểm du lịch.
Thế nhưng, từ đó những ngôi chùa này không còn là nơi thờ phượng nữa. Cũng như nhiều hiện tượng khác trong xã hội Trung Quốc ngày càng tôn thờ vật chất, động cơ duy nhất là kiếm tiền, từ việc xây dựng các công viên để thu hút khách du lịch, đến việc bán tượng Thần cho những người cầu phước cầu an.
Các nhà sư thông đồng với Đảng
Chùa chiền, đền tự vốn là chốn linh thiêng để thờ phượng Thần Phật, là nơi thanh tịnh để người chuyên tu tu luyện, thoát ly thế tục, trừ bỏ dục vọng, trở về với cõi vĩnh hằng cực lạc. Tuy nhiên, nhiều thập kỷ qua, tôn giáo tín ngưỡng ở Trung Quốc đã bị làm cho méo mó, lệch lạc.
Trung Quốc cho phép các tổ chức Phật giáo và Đạo giáo tồn tại chỉ để ngụy trang cho chính sách tự do tôn giáo. Trong khi trên thực tế, ĐCSTQ đã chỉ thị các nhà sư giả trà trộn vào tổ chức tôn giáo để làm con rối cho Đảng.
Trụ trì chùa Thiếu Lâm Thích Vĩnh Tín là ví dụ nổi tiếng nhất. Ông giữ nhiều chức vụ trong bộ máy nhà nước, bao gồm Phó Hội trưởng Giáo hội Phật giáo Trung Quốc – một cơ quan lãnh đạo của ĐCSTQ nhằm giám sát các hoạt động của Phật giáo, Hội trưởng Hội Phật Giáo tỉnh Hà Nam, từng là Đại biểu tại các kỳ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc các khóa 9, 10 và 11, Ủy viên Hội liên hiệp Thanh niên toàn Trung Quốc.
Theo một bài viết được công bố trong tạp chí kinh doanh Tài Tân của Trung Quốc tháng 8/2015, Thích Vĩnh Tín có mối quan hệ mật thiết với cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lý Trường Xuân, và cựu Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Triệu Phác Sơ. Bài viết cho biết theo lệnh của Triệu Phác Sơ, Thích Vĩnh Tín đã biến Chùa thiếu Lâm thành một đế chế kinh doanh.
Kể từ khi ĐCSTQ thống trị Tây Tạng, các lạt ma Phật giáo Tây Tạng đều cần phải được sự công nhận từ các cơ quan trung ương. Để có được sự công nhận đó, một số tu viện Tây Tạng đã dùng đến cách hối lộ và bợ đỡ các quan chức ĐCSTQ. Người đứng đầu trong số họ là Chu Duy Quần, người từng là chủ tịch Ủy Ban Dân Tộc và Tôn Giáo, phụ trách Ban Tây Tạng.
Du lịch là trên hết
Ở Trung Quốc, các ngôi chùa nổi tiếng đã bị quan chức địa phương cưỡng chế chiếm đoạt để phát triển và quảng bá thành các địa điểm tham quan hấp dẫn. Bốn ngọn núi thiêng của Phật giáo là Ngũ Đài Sơn, Nga Mi Sơn, Cửu Hoa Sơn và Phổ Đà Sơn đều đã bị chính quyền địa phương hoặc các công ty nhà nước biến thành các điểm du lịch.
Chùa Hưng Giáo ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây được biết đến là nơi cất giữ xá lợi của Đại sư Huyền Trang, người đã tới Ấn Độ thỉnh Kinh vào thế kỉ thứ 7. Chuyến đi này của Đại sư từng được dựng thành bộ truyền hình nổi tiếng Trung Quốc mang tên Tây Du Ký. Khi chính quyền địa phương theo đuổi việc ngôi chùa được công nhận là di sản văn hoá UNESCO, họ đã đã yêu cầu phá dỡ phần lớn cấu trúc của ngôi chùa cổ 1.300 tuổi này và thay thế bằng một tòa nhà mới hơn.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, kế hoạch biến đền chùa thành điểm du lịch đã bị phản tác dụng. Tại chùa Pháp Môn 1.700 tuổi, cũng ở Thiểm Tây, chính quyền địa phương đã xây dựng một công viên du lịch gần đó. Tuy nhiên, khoản nợ khổng lồ mà chính quyền phải gánh đã khiến họ thuê các nhà sư giả đi khắp nơi quyên góp tiền từ du khách.
Tại chùa Bàn Long, tỉnh Vân Nam, các nhà sư đã quá phiền não với những đoàn khách du lịch đến nỗi họ phải đóng cổng chùa, và treo một bảng thông báo bên ngoài ghi: ”Do chính quyền huyện Tấn Ninh và chính quyền thị trấn Tấn Thành muốn thương mại hóa chùa Bàn Long, làm mất sự tôn nghiêm của chùa, bổn tự đã quyết định kể từ ngày hôm nay tạm đóng cửa chùa để tạo lập lại môi trường thanh tịnh yên tĩnh. Mong quý vị thông cảm và thứ lỗi cho chúng tôi”.
“Chúng tôi là những nhà sư không thể sống đời sống thương mại hóa”, trụ trì chùa cho báo chí biết.
Tuy nhiên, một số ngôi chùa đã bị chính quyền địa phương chiếm giữ hoàn toàn, từ Cục Quản lý Di sản Văn hoá nắm giữ các hiện vật quý giá, đến bộ phận lâm nghiệp và du lịch phụ trách các vùng đất xung quanh.
Gần đây, nhà bình luận Li Linyi cho biết, nhiều quan chức địa phương bị thúc đẩy bởi mong muốn đạt điểm chính trị cũng như được thăng chức bằng cách đóng góp vào chỉ tiêu GDP. Và đánh vào du lịch là một cách dễ dàng để họ thực hiện được điều đó.
Đến chùa chỉ để cầu tiền tài, tiêu tai, giải nạn
Tại sao đền chùa ở Trung Quốc lại trở nên nổi tiếng? Ông Li cho biết, rất nhiều người Trung Quốc ngày nay hướng đến Thần Phật chỉ để cầu nhiều tiền tài, phúc lộc. Tại chùa Nãi Nãi (Nainai) ở tỉnh Hà Bắc, những người quyên góp có thể ký hợp đồng với nhà chùa xây dựng một bức tượng và bàn thờ mô tả bất cứ thần nào họ muốn, cho dù đó là “thần xe hơi”, “thần học vấn” hay “thần quan chức”.
Trong một bài báo đăng ngày 24/11, tờ Apple Daily của Hong Kong ghi nhận rằng cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và những bộ hạ của ông thường thăm viếng Cửu Hoa Sơn và chùa Thiếu Lâm để cầu xin được giảm nhẹ tội tham nhũng của mình.
Nỗ lực nhằm kiếm tiền từ các thánh tích Phật giáo phản ảnh sâu sắc phương cách mà tôn giáo bị đối xử trong thời kỳ trước của ĐCSTQ. Sau khi lên nắm chính quyền và đặc biệt là trong cuộc Cách mạng Văn hóa, chùa và các cơ sở tôn giáo truyền thống bị bôi nhọ và đập phá.
Trong vài thập kỷ qua, rất nhiều cơ sở được sửa chữa cũng chỉ để biến thành những địa điểm kinh tế cho các quan chức địa phương nhằm tăng thu nhập nhưng vẫn phát ngôn về ảo tưởng tự do tôn giáo. Chính quyền vẫn tiếp tục nỗ lực kiểm soát tôn giáo hoặc nếu không kiểm soát sẽ dùng các biện pháp khủng bố. Pháp Luân Công, Phật Giáo Tây Tạng và Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ đều đang phải đối mặt với sự khủng bố kiểu này.
Hồng Liên, theo Epoch Times