Tìm thấy văn tự cổ về “ngày tận thế” 2012
Trong lúc đào bới tại khu khai quật La Corona ở Guatemala, các chuyên gia khảo cổ học đã phát hiện một văn tự của người Maya cổ, có niên đại 1.300 năm và nội dung nhắc tới cái gọi là “ngày cuối cùng” của lịch Maya – 21/12/2012.
Phát hiện trên được tôn vinh là một trong những khám phá về chữ tượng hình nổi bật nhất trong nhiều thập niên qua. Nó được công bố hôm 28/6 tại Cung điện quốc gia ở Guatemala. “Văn tự mới phát hiện đề cập tới lịch sử chính trị cổ đại, chứ không phải lời tiên tri”, Marcello A. Canuto – người đứng đầu Viện nghiên cứu Trung Mỹ Tulane và cũng là đồng giám đốc dự án khai quật ở La Corona. Kể từ năm 2008, ông Canuto và ông Tomás Barrientos đến từ trường Universidad del Valle de Guatemala đã chỉ đạo các cuộc khai quật ở La Corona – khu vực từng bị nạn cướp bóc hoành hành. “Năm ngoái, chúng tôi nhận được tin bọn cướp bóc một tòa nhà đã vứt bỏ một số tảng đá khắc vì chúng bị hư hại quá nặng, không thể bán trên các thị trường đồ cổ chợ đen. Vì vậy, chúng tôi biết rằng chúng tìm kiếm thứ gì đó quan trọng, nhưng đồng thời cũng nghĩ chúng có thể đã bỏ lỡ thứ gì đó”, ông Barrientos kể trên trang Science Daily. Cái mà Canuto và Barrientos tìm thấy sau đó là văn tự dài nhất từng được phát hiện ở Guatemala. Được chạm khắc trên các bậc thềm lên xuống, văn tự đã ghi chép lại 200 năm lịch sử vùng La Corona. Khi giải mã các phát hiện này vào tháng 5 vừa qua, David Stuart – giám đốc Trung tâm Mesoamerica thuộc Đại học Texas, người đã tham gia cuộc khai quật đầu tiên ở La Corona năm 2007 – nhận thấy có sự ám chỉ đến năm 2012 trên một bậc thang chứa 56 chữ tượng hình được chạm khắc tinh vi. Nó kỷ niệm một cuộc viếng thăm hoàng gia tới La Corona năm 696 sau Công nguyên của nhà cầm quyền người Maya hùng mạnh nhất thời kỳ đó – Yuknoom Yich’aak K’ahk’ của xứ Calakmul, chỉ một vài tháng sau thất bại của ông trước kẻ thù truyền thống Tikal vào năm 695 sau Công nguyên. Từng được cho là đã bị giết trong trận chiến này, nhà cầm quyền Yuknoom Yich’aak K’ahk đã viếng các đồng minh và xoa dịu những lo sợ của họ sau thất bại của ông. “Đây là một thời kỳ hỗn loạn nghiêm trọng về chính trị ở khu vực Maya và vị hoàng đế này cảm thấy bắt buộc phải nói đến một chu kỳ thời gian lớn hơn sẽ kết thúc vào năm 2012”, ông Stuart nhấn mạnh. Vì vậy, thay vì là lời tiên tri, sự ám chỉ tới năm 2012 đã đặt thời kỳ trị vì không suôn sẻ cũng như thành tựu của vị hoàng đế Yuknoom Yich’aak K’ahk vào một khuôn khổ vũ trụ học lớn hơn. “Trong thời kỳ khủng hoảng, người Maya cổ sử dụng lịch của họ để đề cao tính liên tục và sự ổn định, thay vì việc dự đoán ngày tận thế”, ông Canuto cho biết thêm. Tuấn Anh
|