Tiểu sử “Hoa hậu nhân quyền” Anastasia Lin
Một người phụ nữ đẹp muốn đến Trung Quốc và khiến chính quyền nước này phải khiếp sợ? Anastasia Lin trở thành Hoa hậu Thế giới vào tháng 5/2015, cô đã lên tiếng về cuộc đàn áp tín ngưỡng tại Trung Quốc và tham gia vào các bộ phim nêu bật về nhân quyền.
Anastasia Lin sinh năm 1990 tại Hồ Nam, Trung Quốc, cô chuyển đến Canada năm 13 tuổi cùng với mẹ. Cô là một nghệ sĩ dương cầm, nhà thư pháp, siêu mẫu và diễn viên.
Khi ở bên ngoài “Vạn Lý Tường lửa”, hệ thống phong tỏa và kiểm duyệt Internet của Trung Quốc, cô bắt đầu hiểu rõ lịch sử vi phạm nhân quyền của đất nước, nơi cô được sinh ra.
Cô đã rất chấn động khi phát hiện ra, sách giáo khoa tại Trung Quốc là một công cụ tuyên truyền của chính quyền Cộng Sản, người Tây Tạng không độc ác và Pháp Luân Công không phải một “giáo phái giết người” như những gì chính quyền nước này tuyên truyền.
Cô cũng là một học viên Pháp Luân Công, môn tu luyện cổ xưa của Trung Quốc, chiểu theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, giúp con người thăng hoa về đạo đức và nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, môn tu luyện này đã bị bức hại tàn bạo bởi chính quyền Trung Quốc kể từ năm 1999, cuộc đàn áp vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Với văn bằng cử nhân ngành sân khấu, có tham gia chuyên ngành khoa học lịch sử và chính trị tại Đại học Toronto, cô người mẫu kiêm diễn viên này đã xây dựng sự nghiệp diễn xuất trong các bộ phim phơi bày vấn đề nhân quyền.
Lin đã tham gia diễn xuất hơn 20 bộ phim và sản xuất truyền hình. Những bộ phim của cô đã nhận được giải Gabriel cho hạng mục Phim hay nhất, giải thưởng Cành cọ vàng tại liên hoan phim quốc tế Mexico. Lin cũng giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất với vai diễn trong bộ phim “Lưỡi dao rỉ máu” (The Bleeding Edge) tại Lễ trao giải Leo Awards 2016 được tổ chức tại Vancouver, Canada. Là một người mẫu, cô xuất hiện trên khắp các sàn diễn quốc tế, trong đó bao gồm cả tuần lễ thời trang New York Fashion Week được tổ chức tại Waldorf – Astoria.
Lin đã được liệt kê vào danh sách “Top 25 người dưới 25 tuổi” của MTV, “Top 60 người dưới 30 tuổi” của Flare, và được Marie Clare gọi là “Nữ hoàng dũng cảm” . Cô ấy là một trong 11 người được chọn để gặp Bộ trưởng bộ ngoại giao John Baird vào lúc thành lập văn phòng Tự do Tôn giáo của Canada. Những bài luận của cô đã xuất hiện trên các tờ báo như The Washington Post, The Huffington Post, The Globe and Mail và nhiều tờ báo lớn khác.
Tháng 5/2015, Anastasia Lin vinh hạnh đoạt giải ngôi vị Hoa hậu Thế giới Canada và tiếp tục đại diện cho Canada tham dự Cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Tuy nhiên, khi tìm cách bay từ Hồng Kông đến Trung Quốc để tham dự cuộc thi, cô Lin đã bất ngờ được thông báo rằng cô là “PNG – persona non grata” (nhân vật không được hoan nghênh). Chính phủ Trung Quốc đã không cho cô bất cứ lời giải thích nào mà chỉ nói: “Xin lỗi, cô không thể tới đây được”.
Tin tức về việc Lin bị từ chối khi nhập cảnh vào Trung Quốc đã gây ra sự chú ý của truyền thông toàn cầu trong nhiều tuần, nhiều trang nhất của các tờ báo lớn như New York Times, BBC, Daily Beast…đều đưa tin về sự việc của cô. Năm 2015, cô Lin đã được mời đứng ra điều trần trước Nghị viện Mỹ và Cơ quan Lập pháp Đài Loan về tình hình đàn áp tự do tín ngưỡng tại Trung Quốc. Cô cũng đã có bài diễn văn về chủ đề này tại hội nghị Ngôi nhà Tự do Oslo.
Được công chúng biết đến là nhà hoạt động chống lại sự ngược đãi nhân quyền ở Trung Quốc, cô đã lên tiếng ủng hộ cho tự do tín ngưỡng trên mảnh đất quê hương mình. Đó được xem là lý do khiến cô bị từ chối tham dự cuộc thi. Dù vậy, cô vẫn kiên định với hành động của mình.
Cô muốn truyền cảm hứng để lòng nhân ái và sự thiện lương trở lại xã hội. Cô muốn lên tiếng cho những người không thể lên tiếng cho chính mình, những người đang là nạn nhân trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công đẫm máu tại Trung Quốc.
Anastasia Lin tham gia cuộc thi hoa hậu dựa trên nền tảng bảo vệ nhân quyền, cam kết sẽ tiếp tục công việc của mình tại Canada vì tự do tôn giáo và cô sẽ trở thành “Tiếng nói cho những người không thể lên tiếng”.
TH sưu tầm và biên tập