Tiết lộ: Thu nhập của nhân viên “Phòng 610” Trung Quốc cao gấp 10 lần bình quân đầu người
Mấy ngày trước, Epoch Times đã tiết lộ một tài liệu nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho thấy, tiền lương mà ĐCSTQ chi trả cho nhân viên “Phòng 610” để đàn áp nhân quyền cao hơn gấp 10 lần so với mức lương trung bình của người dân địa phương.
“Phòng 610” của ĐCSTQ là cơ quan được dành riêng cho việc bức hại Pháp Luân Công, được thành lập vào ngày 10/6/1999 dưới sự chỉ huy trực tiếp của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và được thiết lập từng lớp từ trung ương đến địa phương. Cao Trí Thịnh, một luật sư nổi tiếng của Trung Quốc gọi cơ quan này là một “Tổ chức xã hội đen có sức mạnh cao hơn cả chính quyền”.
Mặc dù “Phòng 610” cấp trung ương đã bị cắt giảm và sáp nhập vào cơ quan khác từ tháng 3/2018, nhưng hàng ngàn “Phòng 610” cấp trung ương trở xuống trên khắp các tỉnh, thành phố và thị trấn vẫn còn tồn tại và lạm dụng công quỹ để tiếp tục bức hại những người có đức tin bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công.
Kinh phí cho “Phòng 610” là do ngân sách quốc gia trực tiếp chi trả. Đại đa số chính quyền địa phương ĐCSTQ đều liệt “Phòng 610” là “đơn vị bí mật” nên không công khai các khoản thu chi.
Vào ngày 8/4, tờ Epoch Times tiết lộ rằng, gần đây họ đã có được dữ liệu nội bộ của “Phòng 610” từ thành phố Đại Lý, tỉnh Vân Nam và thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang. Theo đó, ĐCSTQ đã trả cho những người bức hại những người tập Pháp Luân Công với mức lương cao hơn 10 lần hoặc thậm chí cao hơn 20 lần so với thu nhập bình quân đầu người ở địa phương.
Các tài liệu của Cáp Nhĩ Tân cho thấy, “Phòng 610” có 14 người nằm trong biên chế đơn vị sự nghiệp vào năm 2018, với tổng thu nhập cả năm là 2.512 triệu nhân dân tệ (NDT) và thu nhập bình quân đầu người gần 200.000 NDT (khoảng 660 triệu VND). Mà trong năm đó, thu nhập bình quân đầu người của người dân thành thị ở tỉnh Hắc Long Giang chỉ là 29.000 NDT và thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn chỉ vẻn vẹn 14.000 NDT.
Nói cách khác, mức lương bình quân đầu người của “Phòng 610” ở Cáp Nhĩ Tân gấp khoảng 7 lần so với người dân thành thị và 14 lần so với người dân nông thôn.
Theo các tài liệu của Ủy ban thành phố Đại Lý, tỉnh Vân Nam cho thấy, “Phòng 610” của ủy ban thành phố vào năm 2018 có biên chế là 6 người, các khoản tài chính phải chi vào năm đó là 2.4137 triệu NDT, trong đó thu nhập của nhân viên “Phòng 610” là 1.667 triệu NDT, thu nhập bình quân đầu người là 278.000 NDT.
Vào thời điểm đó, thu nhập bình quân đầu người của cư dân thành phố Đại Lý chỉ là 34.000 NDT, còn của người dân nông thôn chỉ gần 11.000 NDT. Nói cách khác, mức lương của nhân viên “Phòng 610” ở Đại Lý gấp 8 lần thu nhập bình quân đầu người của người dân thành thị và 24,5 lần thu nhập của người dân nông thôn.
Trương Nhi Bình, người phát ngôn của Pháp Luân Công nói rằng: “ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Trên thực tế, nó đã dùng tiền để mua chuộc người bức hại. Khi mới đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, người đứng đầu ĐCSTQ thực sự đã sử dụng 1/4 thu nhập của người dân Trung Quốc để bức hại Pháp Luân Công”.
Hắc Long Giang là một trong những tỉnh nghèo nhất trong khu vực hành chính của ĐCSTQ, ngay cả thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh cũng không thể đáp ứng về mặt tài chính. Năm 2014, doanh thu tài chính của Cáp Nhĩ Tân là 42,35 tỷ NDT và chi phí tài chính là 74,01 tỷ NDT.
Tuy nhiên, “Bảng cân đối kế toán“ của “Phòng 610” thành phố Cáp Nhĩ Tân gửi đến Văn phòng kiểm toán tỉnh Hắc Long Giang cho thấy, tại thời điểm đó, chỉ có hơn 10 người nằm trong biên chế “Phòng 610” thành phố Cáp Nhĩ Tân, nhưng rõ ràng còn có một “kho bạc nhỏ” lên tới 12,53 triệu NDT.
Lam Thuật, bình luận viên thời sự ở Mỹ cho biết: “Phòng 610 có quyền tư pháp ngoài vòng pháp luật. Đồng thời, ĐCSTQ đã dùng rất nhiều tiền để mua chuộc nó, cộng thêm việc khi bức hại Pháp Luân Công, ngoài việc tịch thu tài sản, họ còn lấy những thứ ăn cắp được trong nhà của học viên Pháp Luân Công, thông qua các cách khác nhau mà bán đổi ra tiền, sau đó đem tiền đến cất giữ trong kho bạc nhỏ”.
Hơn nữa, “Bảng tổng kết về việc thực hiện nghỉ phép hàng năm có lương của các đơn vị sự nghiệp” năm 2018 của “Phòng 610” thành phố Cáp Nhĩ Tân cho thấy, năm 2018, 7 người trong văn phòng phân công tăng ca từ 10 đến 15 ngày, tổng số tiền thưởng tương ứng nhận được là 89.024 NDT. Nói cách khác, những người bức hại Pháp Luân Công tăng ca một ngày có thể nhận được tiền thưởng từ 730 NDT đến 1.083 NDT.
Lam Thuật cho hay: “Ở đây có hai nguyên nhân. Thứ nhất, có thể thấy rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công không nhận được sự ủng hộ từ quần chúng cho nên nếu không có nhiều tiền để mua chuộc thì rất nhiều người sẽ không nguyện ý đi làm.
Một lý do nữa là những người sẵn sàng bức hại người tốt dưới sự thúc đẩy của tiền bạc, tùy theo thời gian bức hại gia tăng, sẽ ngày càng mất nhân tính và trở nên tham lam hơn, và ĐCSTQ sẽ không ngừng phải bỏ thêm tiền để mua chuộc họ”.
Tờ Epoch Times nói rằng, từ tình hình tài chính của những “Phòng 610” cho thấy rằng, ĐCSTQ vì để đàn áp, bức hại người Trung Quốc đã lãng phí khối tài sản khổng lồ mà đáng lẽ ra phải được dùng vào phúc lợi của người Trung Quốc.
Được biết, Pháp Luân Công là một môn tu luyện thiền định theo trường phái Phật gia, dùng giá trị phổ quát Chân – Thiện – Nhẫn để đối đãi với mọi người xung quanh, chú trọng tu dưỡng đạo đức, đồng thời kết hợp với 5 bài động tác rèn luyện thân thể, có thể giúp người tập đạt được hiệu quả loại bỏ bệnh tật, thân tâm thăng hoa.
Do hiệu quả trị bệnh của Pháp Luân Công rất rõ ràng, và việc tập luyện là hoàn toàn miễn phí, môn tập này đã nhanh chóng được lan truyền rộng rãi. Đến tháng 7/1999, trên toàn Trung Quốc có khoảng 70 -100 triệu người tập luyện.
Vậy mà chỉ vì lòng đố kỵ khi thấy số người luyện tập Pháp Luân Công quá đông, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động một cuộc đàn áp rợp trời dậy đất, quyết tâm xóa sổ môn tu luyện ôn hòa này. Tội ác phản nhân loại này vẫn tiếp diễn cho đến tận ngày hôm nay.
Minh Huy (Theo NTDTV)