Hàm nghĩa của Trung Y (P1): Bệnh nhân hoàn toàn có thể tự phục hồi bằng lối sống thuận theo tạo hóa
Bác sĩ người Đài Loan Ôn Tần Dung cho rằng, tất cả mọi bệnh tật trên thân thể đều do tinh thần mà ra, nhưng bù lại, tinh thần cũng có thể giúp phục hồi bệnh tật. Một người lạc quan, vui vẻ, tinh thần mạnh thì khả năng phục hồi bệnh hay kháng bệnh cao hơn người luôn trong trạng thái tiêu cực.
Bác sĩ Trung y người Đài Loan Ôn Tần Dung cho rằng nguyên nhân khiến con người mắc bệnh là do sự suy yếu “sức đề kháng của tinh thần”. Cụ thể việc này là như thế nào?
Sau thành công của bộ 3 quyển sách đầu tiên về Đông Y, Tiến sĩ Ôn Tần Dung đã xuất bản quyển sách thứ 4 của mình có tên là, Clear Wisdom of the Principals of Medicine: Emotion, Sense, the Law, and Heaven, (Tạm dịch: Hiểu biết minh bạch về nguyên lý của y học: Cảm xúc, giác quan, quy luật và thiên đường”). Trong quyển sách mới xuất bản vào năm ngoái này, cô Ôn đã tổng hợp những kinh nghiệm sau nhiều năm chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu miệt mài của mình. Quyển sách ghi lại nhiều trường hợp y khoa và các vấn đề thực phẩm, làm rõ nguồn cơn của bệnh tật, cách tự chữa bệnh, và cung cấp những hiểu biết quý giá về việc tu dưỡng đạo đức, giác ngộ bản ngã của con người và hướng đến thiên thượng.
Khi nói về các nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, Tiến sĩ Ôn Tần Dung với nhiều năm kinh nghiệm điều trị các bệnh ngoại trú khẳng định rằng: “Thông số của những bệnh nhân ngoại trú cho thấy rằng có 80% người bệnh có cuộc sống gia đình không êm ấm, và 90% có quan hệ vợ chồng không được suôn sẻ”.
Tinh thần suy yếu sẽ dễ gây ra bệnh tật
Tiến sĩ Ôn nói: “Đây là cuốn sách nói về cảm xúc, ý thức, quy luật [tự nhiên] và thiên đường. Mỗi người trong chúng ta đều có cảm xúc. Con người thường mắc bệnh do sức chịu đựng về cảm xúc [bị suy] yếu. Nếu bạn là con người, bạn hẳn phải có cảm xúc. Không ai có thể sống mà không có cảm xúc. Bạn càng trốn tránh cảm xúc, nó càng trở nên rối loạn. Có người không thể hiểu được chính mình và điều đó ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Suy nghĩ có liên quan đến cảm xúc, dù chúng ta có muốn hay không. Tất cả mỗi chúng ta đều đắm chìm trong cảm xúc”.
Trong Hoàng Đế Nội Kinh (cuốn sách nền tảng của Trung Y) có viết: Khi tâm trong trẻo, thân thể tự sẽ bình an. Quyển sách lại cũng viết: Khi thần trí bất minh, thập nhị nội tạng lâm nguy, khí ứ trệ. Cơ thể sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Tâm trí làm chủ cảm xúc và cơ thể. Khi một người bị mắc kẹt trong cảm xúc, ham muốn hay lạc lối trong nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, bệnh tật sẽ theo đó mà xuất hiện.
Tiến sĩ Wen giải thích rằng nguyên nhân khiến cho mọi người trở nên thất vọng chủ yếu là vì cuộc sống của họ quá phức tạp, hay xuất hiện những xung đột trong các mối quan hệ. Nhiều người không thể sống một cuộc sống đơn giản bình thường, họ luôn phải đối mặt với nỗi cô đơn và bất hạnh. Sự giận dữ, u mê, phiền muộn, lo lắng, sợ hãi, cùng những cảm xúc tiêu cực khác kéo dài sẽ khiến cho cơ thể mất đi sự cân bằng, khiến cơ quan nội tạng bị rối loạn, và cuối cùng dẫn đến bệnh tật. Bà nói: “Trong 3 căn bệnh nguy hiểm nhất thế kỷ 21 thì đứng đầu là trầm cảm, đứng thứ 2 mới là ung thư. Trên thực tế, chúng tôi cũng phát hiện rằng 90% bệnh ung thư được gây ra bởi trầm cảm tâm thần. Đó là do sự căm phẫn lâu ngày không được xoa dịu và giải tỏa, ví dụ cụ thể cho trường hợp này đó là tình trạng mắc ung thư vú hoặc u xơ tử cung ở nữ giới. Bỏ qua những cơ chế bệnh sinh của Tây y, thì đây [rõ ràng] là những gì chúng ta đang nhìn thấy”.
Tất cả mọi bệnh tật trên thân thể đều do tinh thần mà ra, nhưng bù lại, tinh thần cũng có thể giúp phục hồi bệnh tật. Bác sĩ Ôn giải thích người Trung Quốc cổ đại quan niệm rằng cảm xúc có liên quan đến tim và màu xanh lục. Xanh lục đại diện cho mộc trong ngũ hành, tương ứng với gan trong ngũ tạng. Nếu cảm thấy buồn bã và chán nản, hãy gần gũi với thiên nhiên và ngắm nhìn những cây xanh trên núi, như vậy sẽ giúp bạn cải thiện tâm trạng. Cảm xúc tích cực là một phần của quá trình điều trị, nó giống như một liều thuốc đặc biệt cho bệnh nhân. Gia đình hay bạn bè nếu có thể mang đến cảm xúc tích cực cho bạn thì vẫn tốt hơn thuốc thang rất nhiều.
Bác sĩ Ôn nói: “Tôi phát hiện ra rằng chúng ta có thể biết được liệu một bệnh nhân có hồi phục nhanh hay không dựa vào [việc quan sát] những người đi cùng họ. Đôi khi, nếu nhìn vào cách tương tác của họ, bạn sẽ biết nguyên nhân [của căn bệnh] nằm ở đâu. Thỉnh thoảng, có bệnh nhân sẽ kể ra tầng tầng lớp lớp các lý do, nguyên nhân dẫn đến bệnh tình của mình. Tôi nói với họ rằng đó không phải là nguyên nhân [thực sự], mà chính là do bạn [cứ ôm] giữ sự hận thù trong tâm, nên bệnh tình không thể phục hồi được. Khi người bệnh được sống trong một gia đình hòa thuận hoặc con trẻ có mái ấm bình yên thì bệnh tình sẽ nhanh chóng thuyên giảm”.
Chăm sóc sức khỏe ở cả thể chất lẫn tinh thần
Bác sĩ Ôn cho rằng, những cơn nóng giận sẽ làm tổn thương các ống gan. Tình trạng trì trệ ở gan sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của mắt, sau đó lan đến dạ dày và ruột, điều này sẽ dẫn đến triệu chứng chán ăn hoặc rối loạn đại tiểu tiện. Nặng hơn, các vấn đề khác như tiểu rắt, táo bón, tiêu chảy cũng bắt đầu xuất hiện. Bà cho rằng: “[Rối loạn] Cảm xúc rất nguy hiểm”.
Rối loạn cảm xúc đồng nghĩa với việc một cá nhân không thể thả lỏng cả về thể xác lẫn tinh thần. Nếu cá nhân đó được tháo gỡ hết thảy khúc mắc trong lòng thì người này sẽ tự nhiên trở nên cởi mở hơn và bệnh tình không cần dùng thuốc cũng tự động thuyên giảm.
Một trường hợp được bác sĩ Ôn nhắc đến trong cuốn sách của mình đó là có một người phụ nữ giàu có, cô không phải đi làm, nhưng phải chịu đựng sự khắt khe của mẹ chồng mình trong nhiều năm và cô cũng mắc một căn bệnh dai dẳng về mắt. Sau khi nghe lời khuyên từ bác sĩ Ôn, dường như đầu óc cô đã trở nên thông thoáng và từ đó căn bệnh mắt của cô cũng được đẩy lùi. Bác sĩ Ôn nói: “Đối với một số bệnh nhân, tôi chỉ cần lắng nghe suy nghĩ của họ và giải quyết một số vấn đề trong tâm. [Khi] tư duy trở nên thông thoáng, họ sẽ dễ dàng nhìn ra được vấn đề của mình”.
Một cách khiêm tốn, Tiến sĩ Ôn cho rằng mỗi bệnh nhân mới là người thầy thuốc quan trọng nhất cho chính mình. Cơ thể con người có nhiều cơ chế tự hồi phục. Đông y có tác dụng giúp những cơ chế này hoạt động ổn định hơn: “Bạn có khả năng tự hồi phục. Tôi không cần phải làm gì thêm cả. Tôi chỉ điều chỉnh lại một vài hệ thống bị mất liên kết hoặc lỏng lẻo bên trong cơ thể bạn. Một khi bạn phục hồi những chức năng đó, bạn có thể tự điều chỉnh chính mình. Thông thường, một khi chúng tôi giúp họ điều chỉnh, bệnh nhân sẽ tự phục hồi. Bệnh nhân tự chữa lành cho chính họ”.
Cô nói tiếp: “Hãy để bệnh nhân [tự] làm việc này. Tôi nói với họ rằng họ cần có trách nhiệm với bệnh tình của mình. Bạn không thể giao toàn bộ trách nhiệm cho bác sĩ. Do đó tôi sẽ giao nhiệm vụ cho họ khi về nhà, chẳng hạn mỗi ngày day ấn huyệt vị nào, nên ăn gì, không nên ăn gì, ngủ vào giờ nào và tập thể dục như thế nào? Đây là cách làm hiệu quả. Vì vậy, khi tâm trạng họ ổn định tức là bệnh tình đã khỏi 1 nửa thì tôi mới tiến hành các phương pháp điều trị khác (kê đơn, bốc thuốc)”.
Bác sĩ Ôn nói rằng, mặc dù nhiều bệnh lý không phải do cảm xúc gây ra, nhưng nếu người bệnh có tâm trạng tốt thì họ sẽ phục hồi nhanh hơn. Điều này thậm chí còn có thể được áp dụng cho các bệnh truyền nhiễm. Đây là căn bệnh chỉ nhắm vào người yếu đuối và nó cũng khiến những mạnh mẽ lo sợ. Khi tinh thần một người bị suy yếu thì bệnh truyền nhiễm sẽ xuất hiện. Tại sao trong cùng một văn phòng, chỉ có một số người bị cảm trong khi những người khác thì không? Mọi người cùng ăn chung một bữa ăn nhưng chỉ vài người đau bụng còn những người khác thì không? Đó là bởi vì bản thân những người này có sơ hở và vi khuẩn có thể xâm nhập vào khoảng trống đó. Một người lạc quan, tinh thần mạnh mẽ sẽ có sức miễn nhiễm cực kỳ tốt, và người đó cũng mau chóng hồi phục nếu vô tình nhiễm bệnh.
Ánh sáng Phật Pháp làm cân bằng các chính tố trong y học, hãy để tạo hóa thực hiện mọi việc
Nếu vậy thì làm thế nào có thể xoa dịu cảm xúc của một người và giúp họ phục hồi sức khỏe? Bác sĩ Ôn nói: “Hãy để mọi việc thuận theo tạo hóa”.
Tạo hóa thường vận hành chiểu theo các nguyên tắc của vũ trụ. Bởi vì thân thể người vốn dĩ là một phần của vũ trụ do vậy nó phải được cộng hưởng hài hòa với vũ trụ. Quan điểm này rất khác biệt so với học thuyết của Tây y. Y học phương Tây nghiên cứu cơ thể người từ góc độ giải phẫu và vật chất, những gì mà họ có thể nhìn thấy và động chạm được. Còn Đông y lại nhìn con người từ góc độ tâm linh, tinh thần, và cơ thể con người được nhìn từ góc nhìn của vũ trụ. Chúng ta vốn là một “cá thể trong vũ trụ”. Bác sĩ Wen giải thích: “Đông y tin rằng con người có linh hồn, tinh thần, ý chí và mong muốn. Những thứ này có sự cộng hưởng với vũ trụ và chúng kết nối với cơ thể thông qua hệ thống kinh mạch. Khi con người mắc bệnh, họ có thể đã mất đi sự cộng hưởng với vũ trụ. Do đó cuộc sống chúng ta cần phải thuận theo thiên địa, sống hòa hợp với tự nhiên. Hãy để mọi chuyện trôi qua thật tự nhiên và đừng quá cưỡng cầu”.
Vậy làm thế nào để có thể “sống thuận theo tự nhiên”?. Ví dụ, trong hôn nhân hoặc tình cảm nam nữ mỗi người cần buông bỏ sự bất mãn về nhau, không cưỡng ép hay ràng buộc lẫn nhau. Lối sống cũng cần hòa nhập với thiên nhiên, thức dậy lúc bình minh và đi ngủ lúc hoàng hôn. Ăn trái cây tươi thay vì uống thuốc bổ. Nên cố gắng sống hòa nhập với thiên nhiên. Ăn thực phẩm nguyên chất thay vì thực phẩm chế biến, tinh chế. Uống nhiều nước và tránh ăn quá nhiều.
Bác sĩ Ôn nói: “Chúng ta thường sử dụng máy điều hòa và đó không phải một thứ của tự nhiên. Sợ ánh nắng Mặt trời là điều rất phi tự nhiên. Hoạt động thể thao trong nhà cũng không tự nhiên, vì vậy chúng ta cần phải bước chân ra ngoài và hít thở bầu không khí để hòa mình cùng thiên nhiên. Tập thể dục trong phòng, năng lượng chỉ có thể ở dưới da và cơ bắp, nó sẽ không đến được xương và các cơ quan. Vì vậy bạn cần phải chơi các môn thể thao ngoài trời. Bạn cũng nên lập thời gian biểu cho việc tập thể dục thể thao. Không chạy bộ bên ngoài khi trời tối. Vì khi đó là lúc diễn ra sự trao đổi âm – dương ở vũ trụ và thân thể. Sau khi quá trình trao đổi này hoàn tất, chúng ta không nên đi ra ngoài, đặc biệt đối với người lớn tuổi”.
Ngoài việc giải thích về sự vận hành của thiên nhiên đất trời, bác sĩ Ôn còn nhận thấy con người hiện nay đang tách khỏi thiên nhiên và dần đánh mất bản thân mình. Sự vô thức tập thể (The collective unconsciousness – nhận thức sự việc theo đám đông qua đó từng cá nhân sẽ bị thao túng trong vô thức) là một minh chứng, trong trạng thái lạc lối mờ mịt, con người rất dễ bị nỗi sợ hãi thao túng. Bác sĩ Ôn nói: “Ví dụ, cuộc sống của chúng ta đang rất tốt. Nhưng khi bác sĩ chẩn đoán bạn bị cao huyết áp, bạn cần dùng thuốc để điều trị. Trên thực tế, huyết áp luôn thay đổi từ buổi sáng cho đến tối. Tuy nhiên, các xét nghiệm y khoa hoàn toàn bị hạn chế tại thời điểm thực hiện, từ đường máu cho đến các chỉ số khác. Nỗi sợ sẽ được sản sinh, chúng ta sẽ bị nó thao túng và tẩy não. Đây chính là sự vô thức tập thể. Nó cũng giống như việc sử dụng điện thoại di động vậy. Theo thói quen, mọi người sử dụng điện thoại vào những lúc rảnh rỗi, [và dần dần] chúng ta sẽ bị kiểm soát trong vô thức”.
Bác sĩ Ôn nói rằng, tuổi thọ của con người sẽ là 30.000 ngày tức là khoảng 80 tuổi. ⅓ cho giấc ngủ, ⅓ cho công việc và chúng ta còn lại hơn 10.000 ngày để tự do tự tại. Hầu hết mọi người đều không ý thức được điều này, có người trong suốt cuộc đời họ chỉ suy nghĩ sáng suốt được khoảng vài trăm ngày. Bà nói rằng: “[Nếu nghĩ thật kỹ] chúng ta không hề tìm ra được lời giải cho cuộc sống. Ta không biết phải làm gì ở cõi đời này. Ta không biết đi về đâu. Mọi người đều rất lười biếng. Tôi chỉ làm theo những gì bạn bảo. Tôi không muốn động não. Và dù hiện nay thông tin rất phát triển, nhưng vẫn có rất nhiều tin tức giả mạo. Đây là nỗi bất hạnh của chúng ta. Chúng ta không thể kiểm soát những gì diễn ra bên ngoài, do đó hãy tự điều chỉnh tâm trạng của bản thân mình trước. Ít nhất ta có thể tự nhủ với bản thân rằng không được sống trong sợ hãi. Đó chính là hành động rõ ràng nhất”.
>>> Tinh thần quyết định sức khỏe, bí quyết sống lâu hơn bằng phương pháp thiền định
>>> Tâm lý và bệnh ung thư: Điều thần kỳ của cảm xúc tích cực
Hoàng An, (theo Vision Times)