Tiến sĩ Bùi Quang Tín ‘tự ngã từ tầng 14’, quyết định không khởi tố
Cơ quan điều tra cho rằng, dựa theo kết quả khám nghiệm hiện trường và lời khai nhân chứng thấy “TS Tín trèo lan can”… xác định nạn nhân tử vong do tự ngã từ tầng 14. Theo đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự do “không có dấu hiệu tội phạm”, ngày 8/8.
Sau hai tháng gia hạn điều tra liệu có hay không dấu hiệu tội phạm trong sự kiện TS Bùi Quang Tín (44 tuổi, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) tử vong do rơi từ tầng 14 chung cư New Sài Gòn (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) hôm 5/4. Sự kiện này đã gây nhiều xáo trộn trong dư luận thời gian qua.
Kết quả khám nghiệm tử thi, kiểm tra hiện trường
Cụ thể, cơ quan điều tra công bố dựa theo kết quả khám nghiệm, kiểm tra hiện trường và lời khai nhân chứng xác định ông Tín tự trèo qua lan can và rơi xuống – phù hợp với dấu ADN của ông Tín tồn tại trên lan can khu vực giếng trời tầng 14 block D2.
Kết quả giám định pháp y xác định nguyên nhân tử vong của ông Tín là do đa chấn thương. Các vết thương bên ngoài thi thể nạn nhân có diện rộng, có hệ thống là do va chạm với vật cản khi rơi xuống (tường, mặt đất…). Tổn thương trong người nạn nhân do thay đổi gia tốc đột ngột gây ra; các tổn thương tụ máu, dập xuất huyết và máu có xu hướng chảy vào trong các khoang cơ thể. Do đó, cơ quan điều tra kết luận trong lúc rơi thì ông Tín còn sống.
Đáng chú ý, khám nghiệm cho thấy ông Tín có nồng độ cồn trong máu là 221 mg/100ml, không có độc chất.
Lập luận của cơ quan điều tra
Cơ quan điều tra xác định, trưa 5/4, ông Tín mang chai rượu vang đến nhà ông Trần Việt Dũng (32 tuổi, Viện trưởng Viện đào tạo Quốc tế – Trường ĐH Ngân hàng TP HCM) ở tầng 14 chung cư New Sài Gòn. Lúc này, ngoài ông Dũng còn 7 người (trong đó có Hiệu phó Nguyễn Đức Trung) đang uống bia. Không có ghế ngồi, ông Dũng lấy chiếc ghế gỗ màu trắng, không có lưng tựa (bị gãy từ trước) ở nơi phơi đồ cho ông Tín ngồi.
Khoảng 15h22 khách lần lượt ra về. Ông Dũng tiễn 4 người bạn xuống tầng trệt rồi trở lên, thấy ông Trung nằm trên ghế sofa, TS Tín ngồi cạnh bên.
Đến 16h49, ông Tín đòi về nhưng ông Trung giữ lại, hỏi số điện thoại của vợ ông này để gọi đến đưa chồng về. Ông Tín đọc số, ông Trung gọi thì điện thoại thứ hai của ông Tín đổ chuông. Lúc này, ông Dũng dọn dẹp thấy hai điện thoại tại chỗ ông Tín ngồi nên lấy để lên tủ gỗ cạnh bàn ăn.
Đến 17h07, ông Dũng có việc riêng ra ngoài và dặn hai người khi nào về thì tự đóng cửa. Sau khi chủ nhà đi ra ngoài, ông Tín và Trung nằm nghỉ ở ghế sofa.
Trong lúc ông Trung đang thiu thiu ngủ thì phát hiện có người đụng chân mình. Ông này mở mắt thấy ông Tín đi qua chỗ mình hướng về phía cửa chính nên hỏi. Ông Tín trả lời “tao về đây” và mở cửa ra ngoài. Ông Trung ngồi dậy đi ra ngoài theo ông Tín nói lớn “anh say rồi không về được đâu”, ông Tín trả lời “không tao về” và tiếp tục đi đến trước cửa thang máy đang đóng. Ông Trung đi theo đến gần nhắc lại “anh say rồi không về được đâu”, ông Tín to tiếng “không say, muộn rồi tao về”. Trong người mệt, ông Trung quay vào nhà nhưng đi được một đoạn phát hiện tiếng động, quay lại thì không thấy ông Tín đâu. Ông này quay lại tìm, đi qua thang máy và nhìn xuống giếng trời nhưng không thấy gì nên đã quay vào nhà, ngồi ở ghế sofa.
Được một lúc không yên tâm, có linh cảm là ông Tín ngã xuống lầu nên ra ngoài, trườn người ra giếng trời nhìn thêm lần nữa nhưng vẫn không thấy. Ông Trung gọi cho ông Dũng “hình như anh Tín té hay nhảy lầu tử vong chết rồi” và gọi ông này về.
Khi ông Dũng về, gọi điện cho ông Trung thông báo TS Tín đã chết, kêu xuống làm việc với công an.
Nhiều nghi vấn được đưa ra
Sau cái chết của chồng, bà Nguyễn Thanh Bích và luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân) gửi đơn đề nghị Công an TP HCM khởi tố vụ án, làm rõ nguyên nhân ông Tín tử vong.
Họ đưa ra quan điểm cho rằng có rất nhiều bất thường như: ông Tín không thể tự tử vì công việc, kinh tế, tình cảm gia đình đang rất tốt; ông cũng không thể ngã vì lan can ban công cao 1,4 m trong khi ông cao 1,6 m; chiếc ghế gãy phần dựa lưng đặt sát lan can ban công (hàng rào sắt) có dấu giày, dấu chân và một đoạn tương đương thân người ở giữa trên thành lan can sắt đã sạch bụi, không có dấu tay…
Cơ quan điều tra không thu giữ được mắt kính, hay mảnh kính vỡ của nạn nhân, trong khi ông Tín là người cận nặng, không bao giờ tháo kính; nạn nhân rơi xuống nằm sát góc tường bên trái, phần đầu đập xuống trước, hai chân chổng lên trời, hai tay dang ngang đầu hình chữ U…
Tổng hợp một số ý kiến của cư dân mạng, nhiều người đặt nghi vấn về nhân chứng được nhắc đến trong vụ án. Cơ quan điều tra tuyên bố “lời khai nhân chứng thấy TS Tín tự trèo qua lan can giếng trời tầng 14 và rơi xuống”, nhưng tại sao nhìn thấy người chết lại không báo công an? Ngoài ra, về hành vi của ông Trung sau khi “có linh cảm là ông Tín ngã xuống lầu” lại gọi điện cho ông Dũng báo tin “hình như anh Tín té hay nhảy lầu tử vong chết rồi” và gọi ông này về nhưng lại không xuống dưới kiểm tra, thì liệu có phù hợp với logic hay không?
Từ Thức (t/h)