Thực phẩm bẩn và tú bà tuổi teen – Hậu quả của thuyết mèo trắng mèo đen
Vào thời kinh tế khó khăn, thuyết mèo trắng mèo đen trở thành vị cứu tinh, nhưng hiện nay chính thuyết này đã hủy hoại lương tri con người và đẩy đất nước Trung Quốc vào vòng khốn đốn của đồng tiền, để cho ra đời vô số thực phẩm bẩn, cùng những tú bà tuổi teen.
Sống trong xã hội ngày nay, khó ai có thể thốt lên rằng, “tôi không cần tiền vẫn có thể sống tốt”, dẫu đó là lời thật lòng, người nói cũng không tránh khỏi cái dè bỉu, hoặc những nghi ngờ, bởi xã hội ngày nay ai ai cũng không tránh khỏi vòng xoáy của danh lợi. Nhưng điều đó lại là nỗi đau khiến không ít người đặt ra câu hỏi:
Tại sao vì đồng tiền có không ít quan chức vứt bỏ chính Đạo, quên cả lý trí, điên rồ tham lam bước vào con đường đầy những cửa hiểm nguy? Tại sao vì đồng tiền có không ít những nhà sản xuất vì lợi nhuận, làm ra những sản phẩm giả để móc túi khách hàng, thậm chí gây nguy hại cho người dùng và xã hội? Tại sao vì đồng tiền, không ít thiếu nữ con nhà lương thiện, vứt bỏ liêm sĩ, danh dự dòng họ và tự tôn cá nhân để dễ dàng bán thân? Tại sao vì đồng tiền mà không ít gia đình chia đàn sẻ nghé, cha con vợ chồng kết hận thù thậm chí ngay cả khi đã tan rã?
Có thể nói, đồng tiền đã trở thành nỗi ám ảnh vây hãm mọi người dân Trung Quốc ngày nay! “Tất cả chỉ vì tiền” là câu châm ngôn chi phối mọi người, mọi lúc mọi nơi, ngay cả trong giấc ngủ. Điều này xuất phát từ luận thuyết mèo trắng mèo đen.
Vậy, luận thuyết về con mèo này là gì, và tại sao có ma lực đến như vậy?
Câu nói này được Đặng Tiểu Bình đưa ra trong thời kì kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, và nó nhanh chóng trở thành phương châm phát triển đất nước, cụ thể: “Không cần biết mèo vàng hay mèo đen, chỉ cần bắt được chuột đều là mèo tốt“. Câu nói này sau trải qua nhiều biến đổi, ngày này trở thành thuyết mèo trắng, mèo đen.
Câu thuyết hoàn toàn đi ngược với nguyên tắc giáo dục của Trung Hoa xưa, vốn dạy con người “Quân tử ái tài thủ chi hữu đạo”, tức người quân tử dẫu yêu tiền tài cũng phải biết giữ mình trong Đạo.
Thế nhưng, từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20 về sau này, để tiến hành cái gọi là “cải cách mở cửa” với trọng tâm xây dựng nền kinh tế, thuyết “mèo trắng mèo đen” trở thành lý thuyết thực chứng quyết định thành bại của các quan chức, cũng như thiết lập tiêu chuẩn quyền uy của họ lúc đó.
Thuyết “mèo trắng mèo đen” chính là phủ định “10 năm cách mạng tư tưởng văn hóa”. Lý thuyết này dẫu không cố ý làm thành phương châm chỉ đạo, nhưng các quan chức khi có cơ hội liền vớ lấy nó để biện minh cho thủ đoạn vơ vét tiền tài. Về mặt khách quan, câu nói cổ vũ cho một đường hướng nguy hại nhưng lại có vẻ hợp lý: ai ai cũng có thể vứt bỏ đạo đức để chạy theo tiền tài.
Đó là thực tế của ngày hôm nay, không có nơi nào không bán tước mua quan. Thương gia cùng quan chức câu kết làm điên đảo nhân luân chỉ vì tiền. Họ tích lũy tiền, dùng quyền lực thao túng giá cả. Cả 2 bắt tay nhau để vơ vét càng nhiều tiền của càng tốt. Người dân thường cần cù, lao động miệt mài cho tới hôm nay vẫn nghèo xơ xác, mặc cho quan chức bóc lột. Những con người ấy mãi mãi không thể giàu có, vì họ là nạn nhân của thuyết mèo trắng mèo đen.
Lý thuyết này đã phạm sai lầm nghiêm trọng, thậm chí trở thành tội ác trong chuỗi tội ác của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đối với người dân của mình.
Điều này minh chứng rằng không có đạo đức truyền thống, không có pháp chế dân chủ hiện đại thì không thể ước chế lòng tham và sự mất nhân tính của người cầm quyền.
Cho tới nay, nước Trung Quốc, từ trên tới dưới, từ trẻ tới già đâu đâu cũng náo nức rộn ràng nhảy vũ điệu ma quái của đồng tiền.
Quyền lực công đang vì tiền mà bận rộn. Quyền lực giao dịch đang vì tiền mà không nơi nào không có mặt. Kẻ nắm quyền lực lớn thành kẻ đại tham nhũng. Kẻ nắm quyền lực nhỏ thành kẻ tiểu tham nhũng. Không nơi nào có quyền lực lại không có tham nhũng. Tham quan ô lại có trong tay chục triệu, thậm chí hàng tỉ nhân dân tệ không làm cho người đời thắc mắc, kinh ngạc. Những thương nhân bất lương đi khắp đất nước dùng những khối tiền “khủng” để khuất phục bất cứ đỉnh cao quyền lực nào trong bộ máy chính quyền. Họ dễ dàng triệt tiêu những người làm ăn chân chính ít vốn, và chẳng có ô dù.
Chúng ta không ngạc nhiên với những thực phẩm, thuốc men ăn vào, uống vào chỉ làm tổn hại sức khỏe, đang tràn lan trên thị trường. Đó là sữa bột độc hại, bánh bao tẩm màu, mộc nhĩ tẩm lưu huỳnh, thịt heo bệnh chết, dầu đậu phộng nhân tạo… Tất cả những thứ có hóa chất cực độc được thản nhiên bày bán. Những gia vị thực phẩm dẫn tới bệnh ung thư cũng được dùng phổ biến trong những cơ sở sản xuất.
Một Trung Quốc lành mạnh xưa kia đang bước vào một tương lai gần của sự tự hủy diệt.
Mỉa mai thay, thực trạng này đang tự xóa hết công lao của thuyết “mèo trắng mèo đen”. Từ thôn quê rộng lớn đến thành phố phồn vinh, thật không thể thống kê hết những quan chức, những bà Hai, mợ Ba và lũ con ông cháu cha đang vứt bỏ bộ mặt “giả gà giả vịt” mà chạy theo đồng tiền, phấn đấu bằng mọi giá vì tiền. Còn thường dân lại không quyền không thế, chỉ vì sinh kế mà ngày đêm vật vã cũng vì tiền. Cuộc sống và sinh mệnh mọi người gắn chặt với chữ “tiền”.
Một quốc gia nếu không có khả năng tạo cơ hội cho mọi người được bình đẳng; không đề cao đạo đức, pháp luật mà lo thu vén, vơ vét tiền tài thì đó là một quốc gia đáng nhận sự sỉ nhục. Một quốc gia mà mọi người trong tâm chỉ có tiền mà vô Đạo, vô Đức, lẫn vô Tình, nhất định sẽ dẫn tới gia đình bất hạnh, quốc gia khốn đốn.
Thái Vinh – Dịch từ Sound of Hope