Thú vị: Chim ruồi có cặp mắt siêu việt hơn con người
Có nhiều loài động vật, chim và bò sát có thể nhận biết được nhiều màu sắc hơn con người chúng ta. Ví như chim ruồi, chúng có thể nhận biết nhiều hơn con người ít nhất 5 màu sắc. Phát hiện thú vị này đã được công bố trong một báo cáo trên tạp chí PNAS.
Nguyên nhân ở đây là do mỗi loài động vật có một cặp mắt khác nhau. Tầm nhìn của chúng ta, giống như hầu hết các loài linh trưởng khác, được xem là tầm nhìn “trichromatic” (tức là sở hữu 3 kênh độc lập để truyền tải màu sắc). Bởi vì mắt chúng ta có 3 tế bào cảm thụ ánh sáng cùng với 3 vùng quang phổ là đỏ, lục và lam.
Điểm khác biệt giữa con người và chim ruồi là loài chim này có đến 4 vùng quang phổ, điều này cho phép chúng nhận biết được nhiều màu sắc nằm ngoài vùng “quang phổ nhìn thấy được” của con người.
Đương nhiên, chúng ta sẽ rất khó có thể tưởng tượng ra được những màu sắc ấy sẽ như thế nào trong mắt loài chim ruồi. Do đó chúng ta gọi những màu sắc này là màu “ngoài quang phổ”. Những màu sắc này có thể được hình thành dựa trên các màu sắc từ những phần khác biệt của quang phổ, mà mắt người không thể nhận biết được. Rất có thể chúng có điểm tương đồng với màu cánh sen, hình thành dựa trên sự kết hợp bước sóng sắc đỏ và lam?
Hầu hết những màu sắc mà chúng ta nhìn thấy, đều được hình thành dựa trên sự kết hợp của các màu sắc cạnh nhau trong quang phổ. Do đó, giả định được đặt ra là một vài màu sắc mà chỉ có những động vật như chim ruồi nhận biết được, chính là những màu sắc được kết hợp giữa những màu cơ bản không nằm cạnh nhau.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm sự kết hợp của các màu như: Màu ultraviolet (màu tím bão hòa có cường độ cao pha lẫn sắc xanh, còn được gọi là màu cực tím) với màu xanh lục, ultraviolet với vàng, ultraviolet với tím, ultraviolet với đỏ, và màu tím với màu cánh sen. Toàn bộ 5 cặp màu kết hợp này mắt người đều không thể nhìn ra được, nhưng chúng lại thu hút được sự chú ý của loài chim ruồi.
Mary Caswell Stoddard – Giáo sư trợ lý tại Khoa Sinh thái và Sinh học Tiến hóa của Đại học Princeton lý giải: “Con người được xem là mù màu so với các loài chim và nhiều loài động vật khác”.
“Con người có 3 vùng quang phổ trong mắt, tương đương với 3 sắc đỏ, lục và lam. Nhưng các loài chim thì có đến 4 vùng quang phổ, do đó chúng có thể nhận biết được thêm sắc ultraviolet”, Mary nói thêm.
“Việc có thêm quang phổ thứ 4 không chỉ giúp loài chim nhìn thấy màu sắc của các tia UV, mở rộng giới hạn quang phổ màu sắc ở chúng, mà còn khiến chúng có thể nhận biết được những màu sắc được kết hợp bởi các cặp màu như, cực tím với xanh lục, cực tím với đỏ. Nhưng điều này rất khó có thể kiểm chứng.”
Nhóm nghiên cứu từ phòng thí nghiệm sinh học tại Gothic, Colorado đã có một thử nghiệm chuyên sâu để rút ra những phát hiện này. Họ thiết lập nhiều khay thức ăn, trong đó có một vài khay được đổ đầy nước đường. Sau đó, họ chiếu đèn LED lên các khay thức ăn, mỗi khay là một cặp màu kết hợp khác nhau. Một số cặp màu nằm trong quang phổ của người, một số khác thì không.
Sau đó, họ để cho những con chim ruồi thuộc họ Selasphorus platycercus đến, và rất nhanh chóng chúng nhận ra ngay các khay chứa nước đường, rồi cứ một lúc họ lại tráo đổi vị trí của các khay thức ăn, nhưng vẫn giữ nguyên ánh đèn LED ban đầu của từng khay.
Kết quả là, loài chim ruồi vẫn xác định được ánh màu “chuẩn”, và dễ dàng tìm lại được các khay có chứa nước đường. Từ điểm này, nhóm nghiên cứu đi đến kết luận: các loài chim không sử dụng khả năng định hướng đặc biệt của chúng để tìm khay thức ăn, mà thay vào đó chúng sẽ nhận biết thông qua những màu sắc từ đèn LED “mà con người không thể nhìn thấy”.
Harold Eyster – một trong những nhà nghiên cứu cho biết: “Thật kinh ngạc khi chứng kiến điều đó. Cặp màu cực tím và xanh lục trông chả khác gì màu xanh lục trong mắt chúng ta, nhưng loài chim ruồi lại xác định được đúng ánh đèn phát ra màu của cặp cực tím và xanh lục để tìm lại được khay chứa nước đường”.
“Chúng ta không thể nào hiểu rõ được cách thức nhận biết những màu sắc này của loài chim. Liệu cặp màu cực tím và đỏ sẽ là sự phối hợp của những màu sắc này, hay đó là một màu sắc hoàn toàn mới? Chúng ta chỉ có thể suy đoán mà thôi”, Ben Hogan – một nhà nghiên cứu khác cho biết.
Không chỉ riêng loài chim ruồi sở hữu 4 vùng quang phổ màu sắc, mà nhiều loài chim, bò sát và cá cũng sở hữu điều này. Và rất có thể mắt khủng long cũng có 4 vùng quang phổ màu sắc như vậy.
Việt Anh (Theo DHP)