Thủ Tướng: Đường sắt Cát Linh – Hà Đông ‘chạy được trước đại hội là một may mắn lớn’
Sau gần 10 năm triển khai, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông không những liên tục đội vốn mà đến nay vẫn nằm đắp chiếu, trong khi đó Việt Nam vẫn phải gánh nợ, trả tiền cho phía Tổng thầu Trung Quốc.
Mới đây, nhận định về tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “hy vọng dự án này có thể chạy được trước đại hội là một may mắn lớn”. Còn Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định nợ nần của dự án đường sắt trên, Hà Nội có nghĩa vụ trả…
‘Chạy được trước đại hội là một may mắn lớn’
Chiều 8/6, Quốc hội đã có cuộc họp bàn về tình hình kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém của các dự án trọng điểm quốc gia bị thua lỗ, trì trệ như 12 dự án của ngành Công Thương, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông…
Đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Thủ tướng cho biết, vấn đề quan trọng nhất là an toàn thì đến nay chưa được bàn giao hồ sơ an toàn. Vì thế, các bên đang phải tích cực thảo luận để có thể giải quyết dứt điểm, và “hy vọng dự án này có thể chạy được trước đại hội là một may mắn lớn”.
‘Nợ nần của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Hà Nội có nghĩa vụ trả’
Liên quan đến việc vừa qua Tổng thầu EPC Trung Quốc yêu cầu Việt Nam thanh toán thêm 50 triệu USD (hơn 1.163 tỷ đồng) để đưa đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào vận hành thử, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, bản thân ông không nắm rõ về vấn đề này vì chủ đầu tư dự án là Bộ GTVT.
Đây là chuyện trao đổi giữa Tổng thầu EPC Trung Quốc và Bộ GTVT. Tuy nhiên, Bí thư Hà Nội cũng khẳng định rằng, tất cả vốn đầu tư, nợ nần của dự án đường sắt Cát Linh đều do Hà Nội tiếp nhận và có nghĩa vụ trả nợ.
“Bộ GTVT là chủ đầu tư dự án, Hà Nội sẽ tiếp nhận và vận hành dự án. Sau này, tất cả vốn đầu tư, nợ nần của dự án là Hà Nội tiếp nhận và có nghĩa vụ trả nợ”, ông Huệ cho hay.
Về mốc thời gian cụ thể được đặt ra nhằm giải quyết dứt điểm dự án này, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Hà Nội mong muốn càng sớm càng tốt, nếu được mốc trước tháng 10 càng tốt. Tuy nhiên vẫn phải “chờ vào báo cáo của tổ công tác, hiện chưa có báo cáo cuối cùng”.
Nguyên nhân khiến dự án Cát Linh – Hà Đông mãi chưa hoàn thành
Thông tin về tiến độ đánh giá an toàn của dự án, ông Huệ nói, hiện 12/13 chứng chỉ an toàn của dự án đã được tư vấn Pháp chứng nhận, chỉ còn 1 chứng chỉ cuối cùng thì phải dựa vào kết quả chạy thử nghiệm, mà hiện còn phải chờ chuyên gia Trung Quốc sang.
Nói về vướng mắc lớn nhất khiến dự án Cát Linh – Hà Đông mãi chưa hoàn thành, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, điểm nghẽn lớn nhất chính là hiện nay, các chuyên gia phía Tổng thầu Trung Quốc tại Việt Nam vẫn chưa có lịch sang cụ thể vì dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19). Đây là vướng mắc không chỉ của riêng dự án này mà của tất cả các dự án có chuyên gia nước ngoài làm việc.
Về vấn đề thanh toán chi phí, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cho biết, đúng hơn là vướng mắc về cơ chế thanh toán và liên quan tới việc thực hiện kết luận kiểm toán dự án. Cơ chế tài chính giao cho dự án như thế nào hiện nhiều điểm cơ quan kiểm toán vẫn chưa kết luận dứt khoát.
Được biết, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13,05km, đi trên cao và có 12 nhà ga, 13 đoàn tàu. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ được bàn giao cho UBND TP. Hà Nội đưa vào quản lý, khai thác vận hành.
Dự án bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Hiện nay chủ đầu tư dự án đã thanh toán cho Tổng thầu Trung Quốc 78,97% giá trị hợp đồng. Tính đến thời điểm này, dự án đường sắt trên đã ‘đội vốn’ từ 552 triệu USD lên hơn 868 triệu USD, chậm tiến độ gần cả thập kỷ, lùi thời gian hoàn thành ‘vô thời hạn’ và mỗi năm Việt Nam đang phải trả 650 tỷ tiền lãi…
Vũ Tuấn (t/h)