Thu phí rác theo cân: Liệu người dân có đủ ý thức?
Một trong những điểm mới trong dự luật Tài nguyên & Môi trường lần này là sẽ thu rác theo khối lượng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phải băn khoăn, quan trọng nhất là ý thức người dân có đáp ứng hay không?
Thảo luận tổ tại phiên họp Quốc hội sáng qua, 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà cho hay, dự luật mới sẽ không thu phí thu gom rác của người dân theo bình quân mấy ngàn đồng một hộ nữa, mà thu theo khối lượng, theo kilogam. “Tức là thải ra nhiều phải chịu nhiều tiền hơn”.
Được biết đây không phải là cách làm mới mẻ. Hiện nay trên thế giới, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản đều áp dụng. Tuy nhiên chúng ta biết rằng, ý thức văn minh cộng đồng của dân tộc các quốc gia này đều rất cao. Nếu đưa về áp dụng tại Việt Nam, e rằng người dân sẽ vứt rác bừa bãi, thậm chí đem rác nhà mình bỏ sang nhà người khác.
Ngoài ra, việc thu gom rác phải đem theo cân sẽ gây khó khăn hơn cho công nhân. Hơn nữa, việc cân rác cần phải có đại diện gia đình đem đến nhiều bất cập.
Cũng tại phiên thảo luận này, Bộ trưởng Hà cho biết tại Việt Nam, 40% rác là thành phần thực phẩm, hữu cơ và vật liệu có thể tái chế. Do đó, cách nhìn mới của bộ là coi rác thành một loại tài nguyên, từ đó tiến tới nghiên cứu việc khai thác.
Theo đó, cần giải quyết 2 vấn đề tiên quyết là phân loại rác từ đầu nguồn và công nghệ xử lý rác không chôn lấp. Tức là từ khâu phân loại thu gom của người dân cho tới khâu xử lý cuối cùng phải đồng bộ.
Như vậy, với dự thảo luật mới này, người dân không những phải đóng tiền theo cân nặng, mà còn phải tự mình phân loại rác tái chế. Liệu ý thức người dân Việt Nam ta có đáp ứng nổi hay không?
Từ Thức (t/h)