Bộ TN&MT: Cắt giảm 40% thủ tục hành chính với các dự án thân thiện với môi trường
Chỉ có 20% các dự án gây ô nhiễm, còn lại 80% dự án là thân thiện với môi trường. “Vì vậy, phải phân ra dự án nào thân thiện với môi trường thì trải chiếu xanh, tạo điều kiện cắt bỏ các thủ tục hành chính.”, Bộ trưởng Bộ TN&MT nói.
Chiều 10/6, Bộ Tài nguyên – môi trường cùng với báo Đại Biểu Nhân Dân tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội về một số nội dung trong dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Theo đó, một số đại biểu Quốc hội đã lên bục phát biểu ý kiến của mình.
Đánh giá tầm quan trọng của dự thảo luật lần này, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng vị thế nước ta trên trường quốc tế đã thay đổi, cần mau chóng sửa đổi luật để nâng cao tiêu chuẩn hơn, xứng tầm với điều kiện hiện có.
Đại biểu Dương Trung Quốc nói:
“Dự thảo luật môi trường sửa đổi cần tạo ra ý thức con người, văn hóa nhận thức của con người với thiên nhiên. Hiện nay chúng ta đang đối xử với mẹ thiên nhiên như con bò bị vắt sữa. Chúng ta cần giáo dục nâng cao ý thức con người, văn hóa ứng xử với thiên nhiên”.
Một trong những vấn đề ấn tượng nhất được bộ TN&MT nêu ra, đó chính là mục tiêu cắt bỏ 40% thủ tục hành chính đối với các dự án thân thiện với môi trường, đồng thời tăng cường quản lý đối với bộ phận các dự án còn lại.
Có đại biểu Quốc hội lo ngại làm như vậy là buông lỏng quản lý. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đáp:
“Tôi nói không phải vậy. Bởi vì 40% thủ tục hành chính này là thủ tục từ trước đến nay áp dụng với tất cả các dự án, gồm cả dự án thân thiện với môi trường – không cần phải thủ tục gì, đến các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhất, tất cả đều phải làm những thủ tục đó” – ông Hà nêu.
Bộ trưởng Hà thông tin thêm rằng, hiện chỉ có 1/5 các dự án gây ô nhiễm, tương ứng với 20%, còn lại là thân thiện với môi trường.
“Vì vậy, phải phân ra dự án nào thân thiện với môi trường thì trải chiếu xanh, tạo điều kiện cắt bỏ các thủ tục hành chính. Như vậy sẽ không gây ra phiền nhiễu cho doanh nghiệp. Chúng tôi đã phân loại lĩnh vực ô nhiễm với 17 nhóm để tập trung quản lý, 17 nhóm này chỉ tập trung trong số 300-400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhưng lại góp tới 80% ô nhiễm ở đất nước chúng ta” – ông Hà cho hay.
Từ Thức(t/h)